Là người khá thẳng thắn, sắc sảo với các vấn đề “nóng” tại nghị trường Quốc hội, TS. Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã để lại ấn tượng khá sâu sắc trong lòng cử tri cả nước.
Nhân dịp đầu xuân năm mới, phóng viên Báo Công lý có buổi trò chuyện khá thú vị với ông về một số vấn đề mà nhiều bạn đọc quan tâm.
PV: Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, ông có nhiều ý kiến phát biểu liên quan đến ngành Tòa án được nhiều người đánh giá cao. Vậy điều gì đã khiến ông có những nhận định khá sâu sắc và khách quan này?
ĐB Nguyễn Đình Quyền: Có lẽ những năm tháng làm chuyên viên, chuyên gia pháp luật và ĐBQH tôi cũng đã hiểu và cảm nhận được những đóng góp lớn lao của ngành Tòa án trong công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng cho đến nay làm thế nào để vị trí, vai trò của ngành Tòa án xứng với tầm vóc của mình thì bản thân tôi còn trăn trở.
Nghị quyết 08 và 49 của Bộ Chính trị đều xác định Tòa án là trung tâm của hoạt động tư pháp, đây là định hướng có tính vĩ mô và mang tầm chiến lược thể hiện sự cải cách của Đảng và Nhà nước ta. Tòa án là trung tâm hoạt động tư pháp phải được thể hiện trên các phương diện về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nhất là thẩm quyền của TAND trong Bộ máy nhà nước, trong đó đặc biệt là vị trí, vai trò của TANDTC. Hiến pháp sửa đổi lần này cũng đã quy định Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, một trong 3 nhánh quyền lực quan trọng nhất của bộ máy nhà nước và những nguyên tắc cơ bản làm cơ sở cho việc hoàn thiện vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mô hình tổ chức Tòa án cũng như mối quan hệ giữa Tòa án và các cơ quan khác như CQĐT, VKS, Thi hành án và Chiến lược về đội ngũ cán bộ của ngành Tòa án trong Luật tổ chức TAND và các Luật về tố tụng để tiếp tục thể chế hóa các quan điểm của Đảng về vấn đề này.
TS. Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội
PV: Như vậy có nghĩa rằng, mô hình hiện tại sẽ ảnh hưởng đến tính độc lập của ngành Tòa án, đặc biệt là án hành chính và phải làm thế nào thưa ông?
ĐB Nguyễn Đình Quyền: Mỗi mô hình tổ chức Tòa án đều có mặt được, mặt hạn chế trong việc bảo đảm tính độc lập, theo tôi hạn chế của mô hình hiện tại chỉ là một phần nhưng điều quan trọng nhất để bảo đảm tính độc lập của ngành Tòa án thì bên cạnh cơ chế về mặt nhà nước, chúng ta phải tính đến cơ chế Đảng lãnh đạo, bởi vì hiện nay các cấp ủy Đảng chính quyền địa phương có thẩm quyền khá lớn tới khâu tổ chức nhân sự của các Tòa án địa phương, như việc bổ nhiệm Chánh án, Phó Chánh án,…đều phải có ý kiến của cấp ủy chính quyền địa phương. Do đó bên cạnh việc hoàn thiện về mặt nhà nước thì cũng phải hoàn thiện về tính độc lập, pháp lý về mặt Đảng lãnh đạo.
Theo tôi, sắp tới cùng với việc tổ chức Tòa án không theo cấp hành chính, nhưng đi cùng với đó là công tác Đảng lãnh đạo phải theo ngành dọc, không chịu sự điều chỉnh của cấp chính quyền địa phương về khâu tổ chức nhân sự mới thực sự là yếu tố tiên quyết đảm bảo tính độc lập trong hoạt động của Tòa án. Đảng, Đoàn TANDTC phải là cơ quan chịu trách nhiệm lãnh đạo toàn diện hệ thống Tòa án ngành dọc mà không phải thông qua cấp ủy chính quyền địa phương. Bởi nếu chúng ta chỉ khắc phục bằng cách không tổ chức TAND theo cấp hành chính, mà vẫn giữ cơ chế xin ý kiến chính quyền địa phương như hiện nay sẽ không giải quyết được vấn đề về tính độc lập.
Bên cạnh đó, việc độc lập kinh phí hoạt động của các Tòa án cũng là một yếu tố hết sức quan trọng. Các nước trên thế giới, thường những khoản kinh phí chi cho hoạt động của Tòa án độc lập và đầy đủ hơn các khoản chi khác mà không chịu bất kỳ sự ràng buộc nào. Việc chi thường xuyên cho hoạt động tư pháp được ưu tiên tối đa, mà mục tiêu cuối cùng để không có sự tác động nào về mặt kinh tế, quyền lực nhà nước, quyền lực chính trị của các đảng phái hoặc áp lực của bất kỳ nhóm lợi ích nào lên hoạt động của Thẩm phán, Tòa án.
Tôi nghĩ rằng trách nhiệm của TANDTC rất lớn trong việc dự toán đầy đủ, toàn diện ngân sách của toàn ngành để không phụ thuộc vào sự hỗ trợ của ngân sách địa phương trong quá trình thực thi công vụ. Vấn đề này cần được quy định cụ thể trong Luật Tổ chức Tòa án và Luật Ngân sách nhà nước. Trong hoạt động công vụ của nhà nước pháp quyền không có khái niệm “hỗ trợ”; cần kế toán, thống kê đầy đủ vào ngân sách nhà nước để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tránh tình trạng kinh phí không đủ hoạt động của Tòa án địa phương phải xin hỗ trợ từ chính quyền (như đất, kinh phí để làm trụ sở làm việc, xét xử lưu động hay các công tác khác…). Những khoản hỗ trợ đó chính là kẽ hở để người, cơ quan hỗ trợ tiền, đất có thể tác động vào tính độc lập của Tòa án. Mà ngược lại cần quy định nghĩa vụ pháp lý do luật định, theo đó chính quyền địa phương bắt buộc phải chi một khoản ngân sách nhất định theo phân cấp quản lý để Tòa án có thể thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương như việc cung cấp đất xây dựng trụ sở, nhà công vụ, kinh phí tu bổ trụ sở, kinh phí phục vụ xét xử lưu động, …
PV: Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua ông cũng đã đề cập đến việc phải có sự thay đổi chính sách để Tòa án thực sự là trung tâm của hoạt động tư pháp?
ĐB Nguyễn Đình Quyền: Theo tinh thần NQ 49, Tòa án là trung tâm của hoạt động tư pháp nhưng hiện nay, điều kiện để Tòa án làm được điều đó là chưa đầy đủ, nhất là trung tâm của hoạt động tư pháp hình sự, vì về bản chất trung tâm của hoạt động tư pháp hình sự hiện nay nằm ở CQĐT, toàn bộ về quá trình tố tụng và hồ sơ vụ án đều ở CQĐT. Nên nếu xác định Tòa án là trung tâm của hoạt động tư pháp trong đó có tư pháp hình sự thì Tòa án phải có thẩm quyền cao hơn nữa như thẩm quyền liên quan đến quá trình điều tra, phê chuẩn tạm giam, phê chuẩn việc áp dụng các biện pháp trinh sát điều tra, kiểm sát,…Thẩm phán phải thực hiện quyền của mình ngay từ giai đoạn điều tra và truy tố chứ không phải chỉ đến khi xét xử như hiện nay. Vậy nên thời gian tới, pháp luật tố tụng phải tính đến việc làm sao cho Tòa án thực sự là trung tâm của hoạt động tư pháp, trong đó có tố tụng hình sự; phải đổi mới vấn đề này, thẩm quyền của TAND cần có thay đổi căn bản, góp phần bảo đảm tính dân chủ, khách quan, bảo đảm quyền con người, khắc phục oan sai trong tố tụng hình sự phải có thiết chế tương ứng, khi đó Tòa án mới thành trung tâm tư pháp trong tố tụng hình sự.
PV: Nhiều trăn trở với ngành Tòa án như vậy, ông có thể chia sẻ một câu chuyện ấn tượng sâu sắc trong cuộc đời làm đại biểu của mình với độc giả Báo Công lý?
ĐB Nguyễn Đình Quyền: Trong cuộc đời làm đại biểu của mình đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng cũng như điều phải suy ngẫm về trách nhiệm của người đại biểu đối với số phận của mỗi con người. Chuyện cũng xảy ra khá lâu, đầu năm 2007 khi đó tôi đang làm Vụ trưởng Vụ pháp luật giúp việc cho Ủy ban pháp luật của Quốc hội khóa XI, nhưng đến nay coi như cũng đã hoàn thành tâm nguyện của mình. Đó là vào một ngày mưa gió của năm 2007, có vợ chồng cựu chiến binh già đến khiếu nại với tôi lời kêu oan thống thiết và nhờ tôi giúp đỡ. Đó là vụ án chia thừa kế mà bị đơn là vợ chồng ông Trương Gia Hải, một cựu chiến binh ở Hà Nội. Qua nghiên cứu hồ sơ cho thấy, vụ án đã kéo dài 13 năm với bút tích để lại của hai Chủ tịch Quốc hội là Nguyễn Văn An và Nguyễn Phú Trọng được xét xử qua 4 vòng tố tụng với nhiều kháng nghị của người có thẩm quyền của TANDTC và VKSNDTC. Vụ án khi đưa ra Thường trực Ủy ban tư pháp của Quốc hội khóa XII cũng có ý kiến không đồng tình giám sát nhưng chị Thu Ba lúc đó là Chủ nhiệm Ủy ban rất ủng hộ tôi trong việc cần giám sát vụ án này. Qua giám sát thấy rằng bản án sơ thẩm đầu tiên cách đây 14 năm là đúng nhất. Sau đó nhà đất chia thừa kế được Tòa án tuyên trả về cho vợ chồng cựu chiến binh Trương Gia Hải. Trong vụ án đó tôi cũng rất cảm ơn anh Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TANDTC (khi đó là Chánh án TAND TP Hà Nội) đã yêu cầu thẩm phán giải quyết vụ án trong suốt hai năm trời đi xác minh đã tìm ra sự thật khách quan của vụ án.
PV: Được đánh giá là một đại biểu khá thú vị, uyên bác trên nhiều phương diện và khá ấn tượng với câu nói “đại biểu không nên là thùng thư”, ông có thể chia sẻ đôi điều được không?
ĐB Nguyễn Đình Quyền: Qua nhiều năm làm ĐBQH và giúp cho nhiều người bằng tư vấn pháp lý người dân về đơn gửi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết được vấn đề, có người minh oan, cá nhân tôi cũng rút ra được một điều là để có thể làm tốt được điều đó ngoài cái tâm và trách nhiệm cần phải có chuyên môn vững vàng. Nếu chuyên môn hạn chế, không chỉ các ý kiến tham gia nhạt nhẽo, không có tiếng nói, không giúp nhiều dân mà còn dễ biến mình thành “thùng thư” chứa đựng máy móc những ý kiến của cử tri.
Tôi nghĩ rằng, với mỗi đại biểu không chỉ đơn thuần phản ánh ý chí nguyện vọng của nhân dân một cách thụ động, dân nói gì mình nói thế, mà phải qua nghiên cứu kỹ với nhân sinh quan và suy xét vấn đề, để không biến mình thành những chiếc máy truyền đạt ý kiến người dân một cách thụ động. Việc phản ánh ý nguyện của người dân là trách nhiệm của đại biểu, nhưng cao hơn nữa là đại biểu cần có đủ lý lẽ để khái quát, nâng tầm những ý chí, nguyện vọng đó trong hoạch định chính sách, nhất là biến nó thành những quy phạm pháp luật, đưa ra những lập luận để bảo vệ vấn đề đó ở tầm luật định, vĩ mô, đó mới là trí tuệ của đại biểu Quốc hội mà lâu nay vẫn được người dân tôn là chính khách.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!