Gánh nặng nợ công

Bảo Dân| 16/03/2016 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Để có thêm vốn đầu tư phát triển, dự kiến trong năm nay, Kho bạc Nhà nước sẽ phát hành 220.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (TPCP).

 Trong đó, ngay quý I sẽ phát hành 76.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong số 76.000 tỷ đồng đó thì Chính phủ phải chi tới 55.000 tỷ đồng để trả nợ gốc, một phần nữa để trả lãi vay. Điều này có nghĩa là vốn đầu tư sẽ chỉ có trên 20.000 tỷ đồng, như “gió vào nhà trống”.

Vậy tình hình nợ công của Việt Nam hiện đang như thế nào? Có còn ở dưới ngưỡng cho phép của Quốc hội là 65% GDP hay đã vượt qua ngưỡng này rồi?

Theo các nguồn dữ liệu khác nhau báo cáo thì ở thời điểm cuối năm 2015, dư nợ công của Việt Nam đạt 62,2% GDP, nợ chính phủ là 50,3% và nợ nước ngoài của quốc gia là 43,1%. Nghĩa là mới chỉ có nợ Chính phủ là vượt ngưỡng mà Quốc hội cho phép là 50%, còn dư nợ công vẫn chưa kịch trần là 65%.

Cũng theo dự báo cáo của Chính phủ và Bộ Tài chính, mức dư nợ công sẽ đạt đỉnh vào cuối năm nay là khoảng 64% GDP trước khi giảm dần và về mức 60% GDP trong giai đoạn 2017-2020. Nói cách khác, Chính phủ cam kết sẽ không để nợ công vượt mức giới hạn cho phép để có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho tài chính quốc gia. Tuy nhiên, nếu tính theo Luật quản lý nợ công 2009, thì nợ công của Việt Nam không bao gồm nợ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và của một số địa phương sẽ không có trong tổng nợ công của quốc gia. Trong khi đó tại các nước người ta tính cả nợ của NHNN, các DNNN và các địa phương vào  vào tổng nợ công của đất nước.

Vì thế, nếu tính toán theo cách tính chuẩn của các nước trên thì tổng nợ công của Việt Nam đã vượt trần 65% GDP. Theo một báo cáo của Chính phủ, đến hết năm 2014 tổng nợ của các DNNN đã lên tới 1.567.000 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2013. Nếu tính theo cách tính của thế giới, thì tổng nợ công của Việt Nam hiện nay đang ở mức 100-110% GDP, kể cả khi đã trừ đi phần nợ của các DNNN được Chính phủ bảo lãnh vốn đã được tính vào dư nợ công quốc gia là trên 5% đi nữa. Lý do, là vì nợ của các DNNN vay thì họ phải tự trả, và vì thế không thể tính gộp vào tổng nợ công quốc gia. Tuy nhiên, trên thực tế là “con dại cái mang”, một phần nợ của các DNNN được chuyển đổi thành các khoản nợ mà Chính phủ phải trả tới 5,2% GDP trong nợ công nước ngoài và 6,5% GDP nợ công trong nước.

Do hầu hết các khoản vay nợ nước ngoài có kỳ hạn rất ngắn, và trong điều kiện các DNNN làm ăn kém hiệu quả và nhiều nơi không thể tự trả nợ như hiện nay, thì dĩ nhiên Chính phủ phải trả đúng hạn.

Tính đến thời điểm cuối năm 2014, trong tổng số nợ nước ngoài trên 381.000 tỷ đồng, thì con số mà các DNNN vay lại của Chính phủ hoặc được Chính phủ bảo lãnh lên đến 242.000 tỷ đồng. Điều này có nghĩa là, kể cả khi áp cách tính của Luật quản lý nợ công 2009 thì mức nợ công của Việt Nam trên thực tế cũng đã vượt trần 65% GDP. Các chuyên gia cho rằng may mắn là khả năng vỡ nợ của Việt Nam là khá thấp vì theo như báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) thì phần lớn các khoản nợ công của Việt Nam là ở trong nước. Tuy nhiên, nợ công đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với tình hình kinh tế và đầu tư ở thời điểm hiện tại. Các khoản lãi và một phần nợ gốc phải trả trong ngắn hạn đang ngày càng tăng cao, và gây sức ép lớn đối với cân bằng ngân sách quốc gia, và dẫn đến việc Nhà nước đang phải liên tục phát hành trái phiếu chính phủ để cân bằng ngân sách và đảo nợ. Ai đó đã cảnh báo số tiền nợ công chia cho mỗi con dân đất Việt sẽ dẫn đên hậu quả “đời cha ăn mặn đời con khát nước”, con cháu ta phải trả nợ!

Không còn nghi ngờ gì nữa, trọng trách xử lý nợ công sẽ thuộc về tư lệnh mới của ngành tài chính sẽ được Quốc hội chuẩn y trong kỳ họp tới đây. Nợ công có thể kịch trần nhưng trách nhiệm của Chính phủ và Bộ trưởng Tài chính không bao giờ được kịch trần! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gánh nặng nợ công