Theo số liệu Điều tra quốc gia các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm (STEPS), năm 2015, thì gần một nửa nam giới Việt lái xe sau khi uống rượu bia (45%) và thiệt hại do tai nạn giao thông liên quan tới rượu bia ở Việt Nam lên tới gần 1 tỷ đô la Mỹ.
Năm 2015, sản lượng rượu bia ở Việt Nam lên tới 3,4 tỷ lít bia, 70 triệu lít rượu công nghiệp (rượu sản xuất có đăng ký) và ước tính khoảng 200 triệu lít rượu không chính thống/năm. Chỉ trong vòng 5 năm từ 2010-2105, sản lượng bia tăng trung bình 7%/năm, sản lượng rượu tăng 4,4%/năm.
Với mức tiêu thụ 27,4lít cồn nguyên chất/người, Việt Nam đứng thứ 2 trong các nước Đông Nam Á, xếp thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới.
Việt Nam đứng thứ 2 trong các nước Đông Nam Á, xếp thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về mức tiêu thụ rượu bia
Hiện ở Việt Nam, 77,3% nam giới trưởng thành sử dụng rượu bia, cao hơn so với mặt bằng chung của toàn cầu và của các khu vực. Đáng nói là thời gian gần đây tỷ lệ sử dụng rượu bia gia tăng ở cả nam và nữ. Đặc biệt nguy hiểm là gần một nửa nam giới sử dụng rượu bia ở mức có hại và lái xe sau khi uống rượu bia (45%).
Không chỉ có thế, tỷ lệ sử dụng rượu bia ngày càng phổ biến ở tuổi vị thành niên và tuổi bắt đầu uống rượu bia đang ngày càng trẻ hóa. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, hằng năm thiệt hại do tai nạn giao thông liên quan tới rượu bia ở Việt Nam lên tới gần 1 tỷ đô la Mỹ.
Ngoài ra, chi phí kinh tế của việc sử dụng rượu bia và để điều trị cho các bệnh liên quan đến rượu bia là rất lớn. Với chi trung bình hơn 733.058 đồng/hộ, tổng chi tiêu cho rượu bia của Việt Nam năm 2010 là 16.372 tỷ đổng. Số tiền này có thể mua 1.770 nghìn tấn gạo, đủ để nuôi sống 21 triệu người/năm. Ở các gia đình dưới ngưỡng nghèo, nếu số tiền mua rượu bia được dùng mua sữa thì trẻ em sẽ được uống khoảng 122 cốc sữa/năm thay vì 1 cốc/năm.
Tổng chi phí trực tiếp và gián tiếp cho 6 loại bệnh ung thư phổ biến tại Việt Nam, trong đó có 5 bệnh ung thư có liên quan đến sử dụng rượu bia lên tới 25.789 tỷ đồng chiếm 0.22% tổng DGP năm 2012.
Đáng chú ý gánh nặng kinh tế cho việc điều trị các bệnh ung thư đổ dồn lên cả hộ gia đình, bảo hiểm y tế và Chính phủ. Bên cạnh đó các vấn đề xã hội như ly hôn, bạo lực, suy giảm sức lao động… cũng do sử dụng rượu bia mà ra.