Game online 'nóng' trong dự thảo quản lý nội dung Internet

congly.com.vn| 13/04/2012 11:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 21/10, Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi bản "Dự thảo nghị định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và nội dung thông tin trên mạng" đến các doanh nghiệp, cũng như đăng tải trên website của Bộ để lấy ý kiến đóng góp.

Quản lý đại lý Internet và các nội dung trực tuyến như game online, trang tin điện tử, mạng xã hội là những chủ đề được các doanh nghiệp quan tâm trong dự thảo mới về Internet của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Nghị định về quản lý Internet từ 2008 được cho là không theo kịp sự phát triển thực tế

Theo ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, sự phát triển nhanh chóng của Internet đã đặt ra các vấn đề mới trong quản lý mà các nội dung trong Nghị định năm 2008 không còn theo kịp với thực tế.

Nhiều vấn đề mới được đưa ra trong dự thảo mới và phân mục cụ thể như quản lý mạng xã hội, trò chơi trực tuyến, trang tin điện tử. Quản lý dịch vụ Internet mà chủ đích hướng tới các đại lý Internet là chủ đề đầu tiên trong dự thảo mới. Theo bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Vụ trưởng Vụ Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), những quy định trong văn bản năm 2008 chỉ mới đề cập đến việc mở các dịch vụ, tuy nhiên, sự ra đời của game online và các nội dung trực tuyến khác khiến quy định này phải bổ sung thêm các điều khoản khác về giờ đóng cửa, khoảng cách quán Internet với các trường học...

Về cung cấp mạng xã hội và trang tin điện tử, dự thảo đã có những duy định về nhà cung cấp, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cũng như các chế tài trong việc lập trang tin. Dự thảo cũng có các nội dung về an toàn, an ninh thông tin, tài nguyên Internet và người dùng.

Các doanh nghiệp phát biểu trong buổi lấy ý kiến về dự thảo quản lý trực tuyến mới tại TP HCM. Ảnh: Quốc Huy.

Tại Hội thảo về đại lý Internet và nội dung thông tin trên Internet diễn ra trong hai ngày 24 và 25/10 tại TP HCM nhằm lấy ý kiến cho dự thảo mới, game online và quản lý các nội dung trực tuyến trở thành đề tài "nóng" trong tranh luận từ các doanh nghiệp, chủ đại lý Internet.

Từ phía Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lưu Vũ Hải cho rằng, nội dung của game và quản lý giờ chơi là hai điểm đáng quan tâm nhất. Theo ông Hải, game hiện đã phát triển và có cách tiếp cận khác nhau, nhiều trò chơi hiện cho tải về, kết nối qua mạng LAN hoặc giữa các máy tính với nhau, không cần nhà cung cấp hay có những game chơi trên mạng viễn thông di động.

Ông Hải nêu kinh nghiệm nhiều nước hiện không cấm game mà "họ xếp hạng theo tuổi, trò chơi cho trẻ em, người lớn, qua đó, phụ huynh có thể quyết định cho con em mình tham gia hay không. Với cách quản lý đó, tạo ra sự công bằng với cộng đồng các nhà cung cấp".

Từ doanh nghiệp, đại diện VNPT cho rằng, Bộ nên có những quy định khuyến khích sự phát triển của nội dung số hơn là tập trung vào các chế tài xử phạt. Ngoài ra, nghị định cũng nên quy định rõ các nội dung cấm, không cấm để doanh nghiệp dễ thực hiện.

Có bài phát biểu nhiều cảm xúc tại Hội nghị, ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc VNG, đã nêu ra các thực trạng về quản lý game online và nội dung số hiện nay. Theo ông Minh, dự thảo chỉ đưa ra việc quản lý nội dung Internet xuyên biên giới ở mạng xã hội mà chưa đề cập đến game online.

Theo đó, từ 7/2010, tất cả các doanh nghiệp game trong nước không được ra game mới, trong khi đang chờ luật từ Chính phủ, thì trên thị trường có hơn 10 game mới từ bên ngoài ra mắt tại Việt Nam, sử dụng hệ thống thanh toán trong nước nhưng không ai quản lý. Ông Minh cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng bị quản lý chặt, trong khi nhà cung cấp bên ngoài với các nội dung không kiểm soát đang tràn lan, thu lợi từ quảng cáo nhưng không hề đóng một đồng thuế.

"Nhà cung cấp trong nước hiện giống như đội tuyển Việt Nam đá với Brazil, không chỉ thua về trình độ, đẳng cấp, họ còn bị trọng tài xử ép và khán giả nhà ủng hộ đội khách", ông Minh ví von. Vị đại diện VNG tiết lộ, ba tuần nữa họ sẽ sang Nhật phát hành game.

Quốc Huy

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Game online 'nóng' trong dự thảo quản lý nội dung Internet