Các Bộ trưởng Tài chính G7 ngày 22/12 ra tuyên bố chung nêu rõ, G7 đã huy động 32 tỷ USD để hỗ trợ kinh tế và ngân sách cho Ukraine, bao gồm 18 tỷ euro (19,09 tỷ USD) từ Liên minh châu Âu (EU).
Ngày 22/12, các Bộ trưởng Tài chính Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) cho biết các nước thành viên sẵn sàng nỗ lực nhiều hơn nữa để hỗ trợ Ukraine về mặt tài chính, đồng thời kêu gọi các nhà tài trợ khác tăng hỗ trợ.
Theo tuyên bố được thông qua tại hội nghị trực tuyến của các Bộ trưởng Tài chính G7, nhóm G7 đã huy động 32 tỷ USD để hỗ trợ kinh tế và ngân sách cho Ukraine, bao gồm 18 tỷ euro (19,09 tỷ USD) từ Liên minh châu Âu (EU).
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cho biết, với vai trò Chủ tịch G7 trong năm 2023, Nhật Bản sẽ phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên G7 để thực hiện các trách nhiệm của mình, nhằm đem đến tương lai tốt đẹp hơn cho nền kinh tế toàn cầu.
Trước đó, hôm 12/12, các nhà lãnh đạo Nhóm G7 cũng đã tiến hành họp trực tuyến thảo luận về việc phối hợp giải quyết các thách thức toàn cầu. Theo đó, các nước G7 cam kết sẽ tiếp tục huy động sự hỗ trợ quốc tế để giúp giải quyết các nhu cầu tài chính cấp bách của Ukraine và Quỹ Tiền tệ quốc tế sẽ là trung tâm của nỗ lực này.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng tham dự cuộc họp trên. Cuộc họp diễn ra ngay trước thềm một hội nghị thượng đỉnh về hỗ trợ tái thiết Ukraine hậu xung đột, dự kiến diễn ra tại Paris (Pháp).
Để đạt được mục tiêu này, các bộ trưởng tài chính G7 sẽ triệu tập họp ngay lập tức để thảo luận cách tiếp cận chung nhằm phối hợp hỗ trợ ngân sách trong năm 2023. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ là trung tâm của nỗ lực này. Theo đó sẽ thành lập "Nền tảng Điều phối tài trợ".
Nền tảng này sẽ được sử dụng để giám sát các hỗ trợ ngắn hạn và dài hạn, cụ thể là "hỗ trợ tài chính ngắn hạn - điều phối nguồn tài trợ và chuyên môn quốc tế, đồng thời khuyến khích chương trình cải cách của Ukraine cũng như kinh tế tư nhân dẫn dắt tăng trưởng.
Một ban thư ký cho nền tảng này sẽ được thành lập và các đại diện cấp cao của chính phủ sẽ được chỉ định giám sát việc thành lập nền tảng. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo G7 cũng cam kết đáp ứng các nhu cầu của Ukraine về tăng cường năng lực quân sự.
Phát biểu tại cuộc họp, Tổng thống Ukraine Zelensky đã đề xuất 3 bước để "đẩy nhanh quá trình tiến tới hòa bình" tại quốc gia này.
Bước đầu tiên ông Zelensky đề xuất là "lực lượng mới", trong đó đề cập sự hỗ trợ quốc phòng của các nước cho Ukraine, bao gồm xe tăng, pháo phản lực và tên lửa tầm xa. Bước thứ hai là "khả năng phục hồi mới", hướng tới sự ổn định về tài chính, năng lượng và xã hội của Ukraine trong năm 2023 thông qua những hỗ trợ tài chính quốc tế. Bước cuối cùng là "ngoại giao mới", với các biện pháp ngoại giao để chấm dứt khủng hoảng tại Ukraine.
Tổng thống Zelensky đề nghị triệu tập Hội nghị thượng đỉnh Công thức Hòa bình toàn cầu để thảo luận về kế hoạch 10 điểm mà Kiev đã đề xuất tháng trước nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine.
Hôm 20/12, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết đã thông qua gói cứu trợ mới trị giá 610 triệu USD cho Ukraine. Theo đó, khoản ngân sách này nhằm mục đích duy trì các dịch vụ thiết yếu và hỗ trợ các cơ quan y tế của Ukraine trong bối cảnh chiến sự vẫn tiếp diễn.
Đây là lần thứ ba WB thông qua gói ngân sách hỗ trợ Ukraine trong những tháng gần đây, với mỗi lần đều có giá trị lên tới 4,5 tỷ USD, cũng như một đảm bảo cho vay 530 triệu USD hồi tháng 9 vừa qua.
Thông báo của WB nêu rõ, trong ngân sách mới, 500 triệu USD sẽ được cung cấp thông qua một khoản cho vay để hỗ trợ chính phủ Ukraine trang trải chi phí liên quan đến phúc lợi cho trẻ em và hộ gia đình, lương của công viên chức cũng như thanh toán các dịch vụ công thiết yếu.
WB khẳng định duy trì những dịch vụ công quan trọng này có ý nghĩa quan trọng nhằm hạn chế tổn thất về người cũng như để tái thiết đất nước và nền kinh tế Ukraine sau xung đột.