Từ năm 2013 trở lại đây, tỷ lệ thanh toán tiền điện qua các ngân hàng và các tổ chức trung gian của EVNNPC năm sau luôn cao hơn năm trước.
Nhằm thực hiện hóa Đề án của Chính phủ về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020, những năm qua, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã tích cực phối hợp với các ngân hàng, tổ chức trung gian trong việc triển khai công tác thu hộ tiền điện và coi đây là một trong những mũi đột phá trong giao dịch thanh toán tiền điện, ứng dụng công nghệ thông tin để khách hàng trả tiền điện thuận tiện, nhanh chóng và an toàn nhất.
Ông Lê Quang Thái, Phó Tổng giám đốc EVNNPC
Từ năm 2013 đến nay, hàng năm, Tập đoàn điện lực Việt Nam đều có những chỉ thị chỉ đạo EVNNPC tăng cường công tác triển khai hình thức thu tiền điện qua ngân hàng và các tổ chức trung gian nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí, tạo thuận lợi cho khách hàng. Thời gian đầu, việc triển khai thanh toán tiền điện qua ngân hàng của Tổng công ty còn gặp nhiều khó khăn, bởi đa phần người dân vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt. Nhóm đối tượng khách hàng là người lớn tuổi phần đông đều chưa có thói quen sử dụng các thiết bị công nghệ như: Điện thoại Smartphone, máy tính… để vào các trang thanh toán điện tử. Ngoài ra, địa chỉ giao dịch của ngân hàng và tổ chức trung gian trên địa bàn các tỉnh khu vực phía Bắc đều tập trung ở khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, trong khi nhóm khách hàng sử dụng điện là các gia đình ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa lại chiếm tỷ lệ lớn. Mặt khác, công tác truyền thông của ngành Điện, ngân hàng và các đối tác vẫn chưa thực sự phát huy được tính hiệu quả, chưa có nhiều các chương trình khuyến mãi để thu hút và kích thích khách hàng sử dụng dịch vụ…
Để đẩy mạnh hình thức thanh toán tiền điện qua ngân hàng và các tổ chức trung gian, những năm qua, EVNNPC đã vận động CBCNV-LĐ trong toàn Tổng công ty tích cực hưởng ứng hình thức thanh toán mới; Tổ chức nhiều hội nghị bàn về các giải pháp nâng cao tỷ lệ thanh toán qua ngân hàng và cử các đoàn công tác đến làm việc cụ thể với từng ngân hàng nhằm thống nhất các phương thức tuyên truyền đến người dân để triển khai có hiệu quả. Bên cạnh đó, EVNNPC đã tiến hành nhiều đợt quảng bá về các tiện ích thanh toán tiền điện qua ngân hàng dưới nhiều hình thức như: Treo băng rôn, cổ động tuyên truyền, đăng thông tin trên website, thông báo trên email, zalo, facebook, qua các dịch vụ tin nhắn SMS và vận động khách hàngtrực tiếp khi đến giao dịch. Đặc biệt, Tổng công ty đã chỉ đạo các Công ty Điện lực thành viên cử nhân viên đi đến nhiều khu phố, hộ dân để phát tờ rơi, giúp khách hàng làm thủ tục đăng ký và vận động trực tiếp các hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia thực hiện.
EVNNPC hướng tới không sử dụng tiền mặt trong thanh toán tiền điện
Đến nay, EVNNPC đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 12 ngân hàng như: Agribank; BIDV; Viettinbank;Vietcombank; ABB Bank; HD Bank; LienVietPostBank; Techcombank; VIB; MBBank … và 07 tổ chức trung gian gồm: VNPost, Viettel, Ecpay; Payoo; VNPay, VTC, VED để triển khai dịch vụ thu hộ tiền điện. Theo đó, các đối tác đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách hàng thanh toán bằng nhiều phương thức như: Trích nợ tự động tài khoản; Thanh toán qua Internet Banking/Mobile banking; Thanh toán tại phòng giao dịch các ngân hàng bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản; Thanh toán qua ví điện tử; Thanh toán tại phòng giao dịch khách hàng của Công ty Điện lực…
Kết quả là từ năm 2013 trở lại đây, tỷ lệ thanh toán tiền điện qua các ngân hàng và các tổ chức trung gian của EVNNPCnăm sau luôn cao hơn năm trước. Đặc biệt, tính đến hết quý I/2019, tỷ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt trên toàn Tổng công ty đã đạt 8,96%, tương ứng với 881.064 khách hàng sử dụng điện và chiếm 60,9% tổng doanh thu tiền điện. Qua đó, đã tạo nên sự thay đổi căn bản về phương thức tổ chức thu tiền điện tại khu vực phía Bắc.
Là một trong những đơn vị thành viên trực thuộc EVNNPC triển khai tốt công tác hướng khách thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt, thời gian qua, Công ty Điện lực Lạng Sơn đã tích cực mở nhiều hội nghị trao đổi với các ngân hàng và tổ chức trung gian đóng trên địa bàn tỉnh để phối hợp thực hiện tuyên truyền về dịch vụ thu hộ tiền điện. Ngoài ra, Công ty cũng đã tổ chức hỗ trợ các ngân hàng về ứng dụng phần mềm, thiết bị và đưa nhân viên của ngành Điện tới hướng dẫn Đối tác các thao tác tìm kiếm thông tin sử dụng điện của khách hàng để tạo thuận lợi trong việc thu tiền điện. Do đó, tính đến hết năm 2018, tỷ lệ khách hàng sử dụng điện trên địa bàn tỉnh thông qua qua ngân hàng và các tổ chức trung gian đã lên tới 41,3% .
Bà Nông Thùy Dung, sống tại thôn Khắc Đeng, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn cho biết: Kể từ khi ngành Điện thực hiện đa dạng hóa các hình thức thanh toán tiền điện, gia đình tôi đã lựa chọn phương thức thanh toán qua mạng internet. Hàng tháng, sau khi nhận được tin nhắn của Điện lực thông báo chỉ số công tơ điện đã sử dụng và số tiền phải thanh toán thì bất cứ lúc nào rảnh tôi cũng có thể mở điện thoại để thanh toán tiền điện thông qua dịch vụ Internet Banking. Sử dụng hình thức thanh toán này, gia đình tôi không phải mất công và thời gian đến các địa điểm thu tiền điện như trước đây mà lại không hề mất một chi phí dịch vụ nào.
Hết năm 2019, EVNNPC đặt ra mục tiêu tỷ lệ khách hàng thanh toán qua ngân hàng và tổ chức trung gian sẽ đạt hơn 40%, tương ứng với 3,5 triệu khách hàng. Để đạt được mục tiêu đó, Tổng công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền đến khách hàng sử dụng điện thông qua các kênh phương tiện truyền thông đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về văn hóa tiêu dùng, chi tiêu không dùng tiền mặt. Đồng thời, Tổng công ty sẽ phối hợp với các ngân hàng và đối tác trung gian để đưa ra những chính sách nhằm khuyến khích khách hàng thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt như: Hỗ trợ chi phí giao dịch; Tặng tiền khi đăng ký tham gia giao dịch; Nhắn tin quảng bá đến các khách hàng có tài khoản ngân hàng để thực hiện thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt… Đặc biệt, Tổng công ty sẽ giao chỉ tiêu cụ thể cho từng Công ty Điện lực thành viên về tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt.
Ngoài ra EVNNPC nghiên cứu và kết hợp với Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel áp dụng ví điện tử ViettelPay vào chương trình thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt.Viettel Pay với nhiều tiện ích, tính năng như một ví điện tử tích hợp không chỉ riêng đối với các thuê bao của nhà mạng Viettel mà những thuê bao của các nhà mạng viễn thông khác cũng có thể sử dụng dịch vụ này để thanh toán hóa đơn tiền điện một cách dễ dàng. Nếu là điểm giao dịch thì người dùng có thể ra hàng ngàn điểm giao dịch trên toàn quốc để thực hiện giao dịch, Viettel có một mạng lưới phủ rộng khắp, kể cả vùng nông thôn. Đây là một trong những lợi thế mà EVNNPC quan tâm với địa bàn quản lý rộng khắp các tỉnh thành phía Bắc, đặc biệt là những địa bàn vùng sâu vùng xa, đồi núi vẫn có thể áp dụng tiện ích này.
Thu tiền điện qua hệ thống ngân hàng và các tổ chức trung gian không chỉ mang lại sự tiện ích cho khách hàng mà còn giúp ngành Điện tối ưu hóa nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, tạo ra sự minh bạch hóa và chống thất thu thuế cho nhà nước. Với những tiện ích vượt trội, tin tưởng rằng thanh toán tiền điện qua ngân hàng sẽ ngày càng trở nên thông dụng đối với khách hàng sử dụng điện và trở thành xu thế phát triển tất yếu của xã hội hiện đại ngày nay.