Ngày 23/5 vừa qua, Tổng thống Vladimir Putin đã ký một đạo luật gây tranh cãi: Cấm các tổ chức phi chính phủ (NGO) "không mong muốn" hoạt động tại nước này.
Theo tuyên bố của Điện Kremlin, đạo luật cho phép nhà chức trách cấm các nhóm xã hội dân sự nước ngoài được cho là đe dọa "các năng lực phòng thủ" hoặc "nền tảng hiến pháp" của Nga, đồng thời sẽ bắt giữ các nhà hoạt động sở tại làm việc với những nhóm này.
Những người ủng hộ đạo luật mới của Tổng thống Putin cho rằng, đây là “một biện pháp ngăn ngừa” cần thiết sau một loạt lệnh trừng phạt mà phương Tây và Mỹ áp đặt cho Nga với cáo buộc có liên quan đến cuộc xung đột ở miền đông Ukraine.
Washington "quan ngại sâu sắc" đạo luật mới của Tổng thống Putin
Tuy nhiên, cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều liên tiếng chỉ trích hành động này của “người đàn ông thép” Vladimir Putin.
Hôm qua (24/5), EU bình luận, Tổng thống Putin đã thực hiện “một bước đi đáng lo ngại” khi ban hành động luật cấm những tổ chức NGO mà Moscow xem là “không mong muốn” tại Nga.
Thông báo của một phát ngôn viên cho tổ chức nước ngoài của EU cho rằng, đạo luật mới là “một bước đi đáng lo ngại với một loạt hạn chế đối với xã hội dân sự, truyền thông độc lập và những nhóm đối lập về chính trị”.
“Nó sẽ hạn chế quyền tự do ngôn luận và báo chí cũng như sự đa dạng về quan điểm”, phát ngôn viên này nói thêm.
EU cũng lưu ý, nó được gọi là "quan điểm tiêu cực" của Hội đồng Tổng thống Nga về quyền con người, bởi vì đạo luật này cũng đi ngược lại với Hiến pháp Nga, theo AFP.
AFP cũng dẫn lời nhận định của các nhà phê bình cho rằng, những từ ngữ mơ hồ của luật pháp, và một quy trình không cần qua hệ thống tòa án, có nghĩa là bất kỳ nhóm hoặc doanh nghiệp cũng có thể trở thành mục tiêu (của đạo luật này).
Trong khi đó, cũng ngày hôm qua, Mỹ đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” sau khi Tổng thống Nga chính thức thông qua đạo luật gây tranh cãi nói trên.
Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf nêu rõ: "Chúng tôi quan ngại rằng, quyền hạn mới này sẽ gia tăng hạn chế hoạt động xã hội dân sự ở Nga. Đồng thời, nó là ví dụ tiếp theo của việc Chính phủ nước này tăng cường đàn áp những tiếng nói độc lập, đồng thời là bước đi có chủ ý nhằm cô lập người dân Nga với thế giới", AFP cho biết.
“Những người Nga, cũng giống như người dân ở khắp mọi nơi, xứng đáng là một Chính phủ ủng hộ sự cởi mở về ý tưởng, một Chính phủ minh bạch và có trách nhiệm, xử lý hợp lý và bình đẳng theo luật pháp và có khả năng thực hiện các quyền của mình mà không sợ bị trả thù”, bà Marie Harf nói.
Moscow hiện chưa đưa ra phản ứng trước những lời chỉ trích của Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, với quan điểm và lập trường cứng rắn của Điện Kremlin, chúng ta hãy chờ đợi bước đi tiếp theo của Tổng thống Vladimir Putin.