Các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu đã đạt được thỏa thuận về kế hoạch kích thích lớn đối với các nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tại hội nghị thượng đỉnh EU gặp mặt trực tiếp đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tại Brussels, Bỉ ngày 20 tháng 7, 2020.
Sáng sớm ngày 21/7, sau một hội nghị thượng đỉnh kéo dài bất thường, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã đạt được một thỏa thuận về kế hoạch kích thích lớn đối với các nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch của họ.
Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh Charles Michel đã đăng một tweet về Thỏa thuận này ngay sau khi 27 nhà lãnh đạo đạt được sự đồng thuận tại phiên họp toàn thể vào lúc 5 giờ 15 phút sáng (10 giờ 15 phút giờ Việt Nam).
Một quan chức khác có mặt tại hội nghị thượng đỉnh cũng cho biết trên twitter: “Thỏa thuận đã được thông qua!”
Các quan chức cho biết thỏa thuận, được đưa ra sau khi Chủ tịch Charles Michel giải thích rằng thỏa hiệp về quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ euro, là rất quan trọng để xua tan nghi ngờ về tương lai của khối. Chủ tịch Michel đề xuất rằng trong gói phục hồi 750 tỷ euro, 390 tỷ nên là các khoản tài trợ không hoàn trả, giảm từ 500 tỷ đề xuất ban đầu và phần còn lại là các khoản vay phải trả.
EU đã nhất trí về gói phục hồi 750 tỷ euro, nhằm trao các khoản vay và hỗ trợ cho các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19. Theo đó, mức hỗ trợ đã được giảm từ 500 tỷ euro xuống còn 390 tỷ trong tổng số 750 tỷ.
Trước đó, đề xuất liên quan tới gói phục hồi 750 tỷ euro vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nước thành viên chủ trương tiết kiệm chi tiêu như Hà Lan, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch. Trợ lý cấp cao của Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cho biết, nhóm "Frugals", gồm Hà Lan, Thụy Điển, Áo, Đan Mạch và Phần Lan, hiện chỉ sẵn sàng chấp nhận khoản hỗ trợ tối đa là 350 tỷ euro, thậm chí là có điều kiện đi kèm.
Nhằm phá vỡ thế bế tắc để tránh các cuộc đàm phán đổ vỡ, trong sáng 20-7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đưa ra một đề xuất được các nhà ngoại giao đánh giá là "con đường hướng tới một thỏa thuận". Theo đó, ông đề xuất khoản hỗ trợ 390 tỷ euro đi kèm một số khoản tiền nhỏ hoàn lại cho nhóm "Frugals".
Cuối cùng, đề xuất mới này đã nhận được sự nhất trí của 27 nước thành viên để sau đó trình lên Nghị viện châu Âu (EP) thông qua. Gói ngân sách dài hạn hơn 1.000 tỷ euro có vẻ dễ dàng hơn trong việc tập hợp tiếng nói chung của các nước EU.
EU đã chậm chạp trong việc phối hợp ứng phó ban đầu với đại dịch Covid-19 trong khi đang bị suy yếu do việc Anh rời khỏi khối. Do đó, một mặt trận thống nhất về viện trợ kinh tế sẽ chứng minh rằng họ có thể đẩy lùi khủng hoảng và củng cố sự thống nhất.
“Đây là một hội nghị thượng đỉnh dài và đầy thách thức của EU nhưng kết quả rất đáng để đàm phán”, Thủ tướng Ailen Micheal Martin cho biết khi hội nghị thượng đỉnh Brussels tiến gần đến kỷ lục về thời gian kéo dài 5 ngày của một cuộc họp năm 2000 tại thành phố Nice của Pháp.
Các quốc gia châu Âu đã thực hiện tốt hơn so với Hoa Kỳ trong việc đối phó với virus corona sau một vài tháng đầu khiến Ý và Tây Ban Nha đặc biệt vất vả, cũng như hợp tác tốt trên các mặt trận y tế, du lịch và kinh tế.
Ngân hàng Trung ương châu Âu đã bơm một lượng tiền lớn vào các nền kinh tế để duy trì hoạt động của nó, trong khi các quốc gia cũng có nhiều đóng góp vào quỹ phục hồi của EU.
Hy vọng một thỏa thuận giúp giải quyết được đợt suy thoái sâu sắc nhất của châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai đã đẩy đồng euro lên mức cao nhất trong 19 tuần.