Trong vụ, việc dân sự và vụ án hành chính, đương sự có quyền tự yêu cầu giám định tư pháp (GĐTP). Đó là nội dung được nhiều thành viên Uỷ ban Tư pháp và đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận Dự án Luật GĐTP trong ngày 15-11.
Theo quy định tại dự thảo Luật, ngoài trường hợp thực hiện GĐTP theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng như quy định hiện hành thì đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính cũng có quyền được trực tiếp yêu cầu tổ chức, cá nhân thực hiện việc GĐTP.
Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Tư pháp tán thành về nguyên tắc cần mở rộng quyền của đương sự được tự mình yêu cầu GĐTP. Tuy nhiên, việc quy định cụ thể nội dung này vào đạo luật nào và phạm vi mở rộng quyền này đến đâu, còn có ý kiến khác nhau, cụ thể: Nhiều ý kiến nhất trí với quy định quyền được trực tiếp yêu cầu giám định của đương sự trong vụ việc dân sự và vụ án hành chính cần được quy định vào Luật GĐTP.
Đại biểu Trần Du Lịch (trái): Lĩnh vực giám định này "sai một ly là đi một dặm". (Ảnh: Vietnamnet)
Ý kiến khác đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo Luật GĐTP. Bởi vì, quyền được trực tiếp yêu cầu cơ quan, tổ chức giám định, giám định viên thực hiện GĐTP là một trong những quyền cơ bản của đương sự trong tố tụng chưa được ghi nhận trong BLTTDS và Luật Tố tụng hành chính. Việc bổ sung quyền này sẽ làm thay đổi cơ bản quyền, nghĩa vụ của đương sự cũng như một số trình tự, thủ tục trong tố tụng dân sự và hành chính. Mặt khác, đối chiếu với quy định tại Điều 2 về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, thì nội dung quy định về quyền trực tiếp yêu cầu GĐTP của đương sự tại Điều 24 dự thảo Luật là không phù hợp. Do đó, việc mở rộng quyền yêu cầu GĐTP của đương sự cần phải đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS, Luật Tố tụng hành chính.
Về phạm vi mở rộng quyền yêu cầu GĐTP của đương sự, đa số ý kiến cho rằng, nếu chỉ mở rộng quyền yêu cầu GĐTP của đương sự trong vụ việc dân sự và vụ án hành chính như dự thảo Luật là không công bằng đối với các đương sự trong vụ án hình sự. Bởi vì, theo quy định tại Điều 28 BLTTHS, trong trường hợp vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được giải quyết cùng với vụ án hình sự thì các đương sự (người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) cũng có quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật để chứng minh cho các yêu cầu, đề nghị của mình. Do vậy, về nguyên tắc, ngoài đương sự là người bị hại thuộc trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng cần phải trưng cầu giám định, xác định mức độ thiệt hại về vật chất, tinh thần do hành vi phạm tội gây ra đối với họ để làm căn cứ xác định tội danh và quyết định hình phạt thì các nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác trong vụ án hình sự cũng có quyền yêu cầu giám định để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Ý kiến khác cho rằng, theo nguyên tắc tố tụng hình sự, việc xác định giá trị thiệt hại có ý nghĩa quan trọng. Đây là căn cứ để xác định tội danh, quyết định hình phạt và giải quyết việc bồi thường thiệt hại. Vì vậy, trường hợp vấn đề dân sự được giải quyết ngay trong vụ án hình sự thì cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm chứng minh mức độ, giá trị thiệt hại, nên việc trưng cầu giám định do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng quyết định. Hơn nữa, nếu quy định quyền trực tiếp yêu cầu giám định của đương sự trong vụ án hình sự thì có thể dẫn đến việc kéo dài thời gian giải quyết vụ án hình sự, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan. Do đó, chỉ nên quy định quyền yêu cầu GĐTP của đương sự trong vụ việc dân sự và vụ án hành chính như dự thảo Luật.
Trung Linh