Tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La ở Singapore năm 2014, Phó tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Vương Quán Trung cho rằng bản đồ với "Đường lưỡi bò" phản ánh 2.000 năm lịch sử Trung Quốc, bắt đầu từ thời Hán...
Do đó nó có trước Công ước LLHQ về Luật Biển, nên áp dụng Công ước này để việc giải quyết mọi tranh chấp là không phù hợp. “Đường lưỡi bò” là gì mà họ có thể nói ngang ngược như vậy?
Bịa đặt để chiếm 75% Biển Đông
“Đường lưỡi bò” hay còn gọi là “đường chín đoạn”, “đường chữ U” bao phủ gần hết Biển Đông không phải xuất hiện từ 2000 năm trước như tuyên bố trên đây. Điều này không cần tranh cãi vì chính những trí thức có lương tri của Trung Quốc cũng đã chỉ rõ xuất xứ bịa đặt của nó.
Rõ nhất là bài viết của tác giả có bút danh Lý Oa Đằng trong bài “Cửu đoạn tuyến đích tồn phế” (Đường 9 đoạn, giữ lại hay xóa bỏ) đăng trên Sina - diễn đàn mạng lớn nhất Trung Quốc và nhiều trang mạng cá nhân đăng lại bài viết này, cho biết: “Đường 9 đoạn” được chính thức vẽ vào bản đồ Trung Quốc là khi vẽ bản đồ Nam Hải lần thứ hai (lúc đó là đường 11 đoạn). Từ bấy đến nay, “đường 9 đoạn” cũng không có bất cứ định nghĩa nào, chẳng ai biết rốt cục nó là cái gì, chính phủ cũng chưa hề có sự giải thích chính thức.
Đại tá, Thạc sỹ Vũ Khanh, một chuyên gia nghiên cứu quốc tế của Việt Nam mới đây cho biết: “Đường 9 đoạn” hay còn gọi là “đường chữ U” (U-shaped line) ở Biển Đông được một người vẽ bản đồ tư nhân là Hồ Tấn Tiếp (Hu Jinjie) vẽ lần đầu tiên vào tháng 12 năm 1914. Các bản đồ của Trung Quốc xuất bản những năm 1920 và 1930 đều dựa trên bản vẽ của Hồ Tấn Tiếp về vùng biển này.
Sau đó “đường 9 đoạn” được Bạch Mi Sơ (Bai Meichu) một viên chức thuộc Bộ Địa chất và Khoáng sản Trung Hoa Dân quốc sử dụng lại vào năm 1947. Các vùng phía bên trong của đường này được coi là “vùng nước lịch sử”.
Như vậy thực sự “đường lưỡi bò” mới chỉ xuất hiện đầu thế kỷ XX.
Quả thật, trước đó lịch sử Trung Quốc không mang lại bằng chứng nào cho biết họ đã liên tục chiếm cứ Hoàng Sa, Trường Sa. Ngay đời Mãn Thanh bản đồ "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ" (Địa dư toàn đồ tới các tỉnh của Trung Quốc được thực hiện dưới thời nhà Thanh) xuất bản năm 1904 ghi rõ cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam, không hề bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa. Năm 1932, Trung Hoa dân quốc gửi tới chính phủ Pháp một bản ghi nhớ tranh cãi về chủ quyền của họ đối với Trường Sa, dựa trên bản dịch Công ước Pháp-Thanh 1887 kết thúc Chiến tranh Pháp-Thanh. Tuy nhiên, Trung Hoa dân quốc chỉ thực sự đưa quân tới đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa vào năm 1946 sau thế chiến II, đổ bộ xuống phá bỏ các mốc chủ quyền trước đó. Năm 1948, Nội chiến giữa Trung Hoa dân quốc với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Trung Hoa dân quốc buộc phải rút khỏi quần đảo Trường Sa.
Đường lưỡi bò trên Biển Đông mà Trung Quốc đưa ra
Các tài liệu đều cho thấy đường chín đoạn, xuất hiện công khai lần đầu tiên vào tháng 2 năm 1948 trong phụ đồ "Bản đồ vị trí các đảo Nam Hải" của "Bản đồ khu vực hành chính Trung Hoa dân quốc" do Cục Phương vực Bộ Nội chính Trung Hoa dân quốc phát hành. Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa sau khi thành lập vẫn xác định cương vực trên biển Đông theo "đường mười một đoạn", đến năm 1953 thì bỏ hai đoạn trong vịnh Bắc Bộ, trở thành "đường chín đoạn".
Đường chín đoạn bịa đặt đó bao trọn bốn nhóm quần đảo, bãi ngầm lớn trên biển Đông là quần đảo Hoàng Sa, Quần đảo Trường Sa, quần đảo Đông Sa và bãi Macclesfield với khoảng 75% diện tích mặt nước của biển Đông, chỉ còn lại khoảng 25% cho tất cả các nước Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, và Việt Nam, tức mỗi nước được trung bình 5%.
Biến không thành có
Trung Quốc đã có nhiều thủ đoạn để biến đường lưỡi bò vu vơ thành hiện thực. Trước hết, Trung Quốc trình tấm bản đồ 9 đường gián đoạn trên Biển Đông lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ngày 7 tháng 5 năm 2009. Tuy nhiên, ngay lập tức, chỉ một ngày sau Việt Nam, Malaysia và tiếp đó là Indonesia đã phản đối, bác bỏ.
Ngày 5 tháng 4 năm 2011, Philippines gửi thư ngoại giao lên Liên Hiệp Quốc phản đối yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông, theo đó tuyên bố chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc là "không có căn cứ theo luật quốc tế". Bản thân Trung Quốc cũng không thống nhất với chính họ về việc này.
Các sự kiện nổi lên trong quan hệ Việt Trung những năm qua đều phản ánh dã tâm của Trung Quốc biến đường 9 đoạn bịa đặt thành chủ quyền hiện thực trên Biển Đông. Đơn cử như cản trở hợp đồng của BP với Việt Nam tại khu vực bồn trũng Nam Côn Sơn (năm 2007), cản trở hợp đồng của Exxon Mobil với Việt Nam (năm 2008), vụ tàu Trung Quốc bắn ngư dân Việt Nam năm 2007, vụ căng thẳng giữa tàu thăm dò đại dương USNS Impeccable (T-AGOS-23) của Mỹ với một số tàu Trung Quốc đầu năm 2009.
Ngày 23/6/2012, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) công bố mời thầu quốc tế với 9 lô dầu khí. Các lô dầu khí này, chiếm diện tích tới 160.129 km2, thuộc nội vùng biển của đường chín đoạn nhưng nằm sâu trên thềm lục địa của Việt Nam. Chồng lên các lô từ 128 đến 132 và từ 145 đến 156 mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã và đang tiến hành các hoạt động dầu khí cùng đối tác của mình. Đặc biệt là từ đầu tháng 5/2014, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, gây căng thẳng trên biển Đông, bất chấp phản đối của Việt Nam.
Trong năm 2012, bãi cạn Scarborough- một bãi đá nằm cách bờ biển Philippines tầm 124 hải lý và hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này - đã trở thành mục tiêu tranh chấp căng thẳng và kéo dài giữa Trung Quốc và Philippines. Bãi cạn Scarborough cũng nằm trong vùng biển mà đường chín đoạn đã vẽ. Từ tháng 1 năm 2013, Philipines đã chính thức kiện Trung Quốc ra Tòa án Công lý Quốc tế và tháng 3 năm 2014 đã nộp hồ sơ chi tiết, tuy rằng Trung Quốc đã từ chối tham dự phiên tòa quốc tế này. Sáng kiến này của Philippines đã được sự ủng hộ của Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ.
Dư luận Trung Quốc
Dư luận Trung Quốc cũng chia thành hai nhóm, nhóm ủng hộ tuyên bố của nhà cầm quyền và nhóm có tinh thần khoa học và có lương tri không ủng hộ tuyên bố phi lý đó.
Sau vụ Hải quân Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988, một số học giả Trung Quốc nói rằng ranh giới chín đoạn là ranh giới biển lịch sử của Trung Quốc.
Phản đối quan điểm của nhóm các học giả trên, nhóm thứ hai cũng là những học giả Trung Quốc cho rằng yêu sách vùng nước lịch sử của Cộng hoà Trung Hoa khó có thể biện minh được cho tính chất tuỳ tiện, thiếu hệ thống tọa độ cũng như khái niệm vùng nước lịch sử đã trở nên lỗi thời, không thể sử dụng để trợ giúp cho yêu sách của chính quyền Trung Quốc và Đài Loan.
Theo một số học giả cả ở Trung Quốc và ở Đài Loan thì năm 1935, để đối phó với yêu sách của Pháp đối với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, Cộng hòa Trung Hoa (là nước cộng hòa do phái tả chống Tưởng trong Trung Quốc Quốc Dân Đảng thành lập ở Phúc Kiến năm 1933) đã cho xuất bản một bản đồ chính thức đầu tiên là Bản đồ các đảo trên Nam Hải, bản đồ này chưa thể hiện “đường lưỡi bò”.
Tại hội thảo “Chủ quyền quốc gia và quy tắc quốc tế” do Viện nghiên cứu kinh tế và mạng Weibo của báo mạng Tân Lãng tổ chức ngày 14/6/2012, một số học giả nổi tiếng trong giới nghiên cứu biển Đông của Trung Quốc cũng đã chỉ ra những sai trái và vô lý của nước này trong việc tuyên bố về “đường lưỡi bò”. Mở đầu cuộc hội thảo, Giáo sư Thịnh Hồng (ĐH Sơn Đông, kiêm viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Thiên Tắc) cho rằng, cách nhìn của một bộ phận người dân Trung Quốc còn thiên lệch về chủ quyền lãnh thổ. “Trung Quốc hãy có trách nhiệm với những diễn biến và hòa bình vĩnh cửu của toàn thể thế giới. Bắc Kinh không nên chỉ nghĩ lợi ích cho mình mà cần phải quan tâm đến lợi ích của toàn thể thế giới bằng việc tuân thủ những quy tắc quốc tế” - Giáo sư Thịnh kêu gọi.
Cùng tham vấn tại hội thảo, Giáo sư Lý Lệnh Hoa thuộc Trung tâm Tin tức hải dương Trung Quốc cho rằng rất nhiều học giả Trung Quốc khẳng định về “đường 9 đoạn”, song nó không có thật. Theo Giáo sư Lý, tính không thật của nó nằm ở chỗ dù nó chiếm 80% biển Đông song Trung Quốc khi vẽ lại không có kinh độ vĩ độ cụ thể, cũng chẳng có chứng cứ pháp lý.
Giáo sư ĐH Nhân dân Trung Quốc Thời Đoạn Hồng cũng đã phủ nhận về tính pháp lý quốc tế của “đường 9 đoạn” do Trung Quốc đưa ra: “Chủ quyền Trung Quốc ở đâu, toàn bộ biển Đông thuộc về Trung Quốc? Gần đây báo chí Trung Quốc cũng đã lập lờ về cách nói này. Nếu nói toàn bộ biển Đông là của Trung Quốc thì toàn thế giới này sẽ không đồng ý”.
Chúng ta là con người chứ không phải là loài dã thú
Lấy chữ “Nhân” để nói về việc Trung Quốc ứng xử vô lý trong vấn đề “đường 9 đoạn”, Giáo sư Viện triết học ĐH Nhân dân Trung Quốc Hà Quang Hộ đã phát biểu: “Là người phải có nhân tính, chúng ta là con người chứ không phải là loài dã thú sống trong rừng sâu. Trong mối quan hệ giữa người với người, nhất định liên quan đến lợi ích của người khác là vấn đề lớn mà chúng ta cần chú ý. Nếu theo cái gọi là “đường 9 đoạn” mà chúng ta đang nhìn thấy thì đường giới tuyến trên biển của Trung Quốc sẽ liếm tới đường bờ biển của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Tôi không dám tin là các quốc gia này sẽ chấp nhận bản đồ đó”.
|
(Còn nữa)