Với sự xuất hiện và hoành hành của virus Zika, chưa bao giờ hệ thống y tế công cộng toàn cầu lại khủng hoảng như hiện nay. Ngăn chặn đường đi của virus Zika là nhiệm vụ tiên quyết nhằm giảm thiểu hậu quả nặng nề do loại virus này gây ra.
Hậu quả khó lường
Virus Zika đang hoành hành và trở thành nỗi ám ảnh ở khắp mọi nơi
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) virus Zika đã có mặt ở hơn 60 quốc gia và lãnh thổ. Con số này chắc hẳn sẽ còn tăng lên bởi tính chất lây lan cực nhanh của loại virus chưa có vắc xin cũng như thuốc đặc trị này. Chính vì vậy, các chuyên gia y tế hàng đầu thế giới đã không ngừng cảnh báo về mức độ nguy hiểm của virus Zika.
Đặc biệt, khi nghi vấn đề hội chứng đầu nhỏ và các dị tật khác ở trẻ sơ sinh đã được làm rõ là do virus Zika gây nên thì mức độ cảnh báo đã tăng lên gấp nhiều lần. Nhất là khi số lượng trẻ bị “ăn não” trên toàn thế giới do virus Zika gây nên càng lớn thì mối lo ngại về sức khỏe và tương lai của cả một thế hệ càng nhiều.
Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, hầu hết các trường hợp trẻ sơ sinh mắc chứng đầu nhỏ ở Brazil đều do người mẹ nhiễm virus Zika trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Ở Brazil từ tháng 3/2015 đến tháng 1/2016, các cơ quan chức năng đã xác định được hơn 3.500 trường hợp đầu nhỏ trong số trẻ sơ sinh được sinh ra từ những bà mẹ bị nhiễm virus Zika, tăng gấp 20 lần so với số trẻ mắc dị tật này trong những năm trước khi dịch Zika xảy ra. Người ta cũng đã tìm thấy ADN của virus Zika trong các thai nhi bị sảy thai khi bà mẹ bị nhiễm virus.
Sau Brazil virus Zika lần lượt tấn công các quốc gia ở khu vực Nam Mỹ, các nước lân cận khu vực này và nhanh chóng lan sang Châu Á. Các quốc gia láng giềng của Việt Nam như Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc…lần lượt lên tiếng xác nhận về những trường hợp đầu tiên nhiễm virus Zika.
Và, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ với virus Zika. Ngày 5/4, Bộ Y tế đã công bố thông tin về 2 trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên. Một trường hợp ở TP HCM, một trường hợp ở Nha Trang, Khánh Hòa. Ngay sau khi công bố thông tin trên, Bộ Y tế đã nâng mức cảnh báo với virus Zika trên toàn quốc.
Tại các địa phương có dịch và có nguy cơ lây lan dịch bệnh do virus Zika, Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương khẩn trương tiến hành công tác khoanh vùng dịch và triển khai các biện pháp phòng, chống lấy lan dịch bệnh trong cộng đồng. Mặc dù đã triển khai đồng bộ các biện pháp, nhưng Bộ Y tế vẫn không loại trừ khả năng virus Zika có thể lây lan trên diện rộng. Bởi, chủng muỗi Aedes - vật chung gian lây truyền bệnh sốt xuất huyết và virus Zika đang có mặt ở khắp nơi.
3 con đường lây lan chính của virus Zika
Virus Zika có thể lây truyền từ mẹ sang con
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chủng muỗi Aedes có thể lây truyền virus Zika bao gồm: A. africanus, A. aegypti, A. vitattus, A. furcifer, A. apicoargenteus, và A. luteocephalus. Khi muỗi hút máu người hay động vật bị nhiễm virus Zika, virus sẽ nhân lên trong cơ thể muỗi và ủ bệnh sau 10 ngày, có thể lây truyền virus cho người hoặc động vật khác. Một cá thể muỗi nhiễm virus Zika có thể truyền virus cho các thế hệ muỗi con cháu.
Ngoài lây truyền qua muỗi đốt là con đường chủ yếu, còn nhiều đường lây truyền khác có thể lan truyền virus Zika như lây truyền từ mẹ sang thai nhi, lây truyền qua quan hệ tình dục. ADN của virus Zika cũng đã được phát hiện trong máu, nước tiểu, tinh dịch, dịch não tủy, nước ối và sữa của các bệnh nhân nhiễm virus Zika.
Trước đó, Mỹ và các quốc gia khác đã lần lượt lên tiếng xác nhận về những trường hợp đầu tiên nhiễm virus Zika qua con đường tính dục. Các chuyên gia y tế khuyến cáo đàn ông nhiễm virus Zika nên ngưng quan hệ tình dục ít nhất 6 tháng trước khi quan hệ tình dục mà không có phương pháp bảo vệ; phụ nữ có chẩn đoán nhiễm virus Zika nên chờ ít nhất 8 tuần nếu có ý định mang thai. Đây là những khuyến cáo được đưa ra nhằm hạn chế tối đa tình huống xấu do virus Zika gây ra, đặc biệt là những rủi ro sinh nở.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo, khả năng lây truyền virus Zika chủ yếu vẫn là do muỗi truyền, bất cứ một người nào cũng dễ dàng bị nhiễm bệnh khi bị muỗi mang virus đốt, bệnh đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ có thai.
Ngoài nguy cơ lây truyền từ muỗi, từ quan hệ tình dục, thì truyền máu cũng là con đường ngắn nhất dẫn virus Zika đến với bạn.
4 trường hợp bắt buộc phải xét nghiệm virus Zika
WHO đã chỉ đích danh virus Zika là nguyên nhân gây nên chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh
Bệnh do virus Zika hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như không có vắc xin phòng bệnh. Các cơ quan nghiên cứu phát triển vắc xin cho biết, để phát triển một loại vắc xin phòng bệnh cần ít nhất từ 10-15 năm. Trong thời gian chờ đợi một loại vắc xin hoặc thuốc đặc trị nào đó thì để chống lại virus Zika cách tốt nhất là không để muỗi đốt, diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy…
Trước nguy cơ tiềm ẩn tác động của virus Zika gây chứng đầu nhỏ đối với trẻ sơ sinh, Bộ Y tế khuyến cáo những trường hợp sau cần phải đi xét nghiệm virus Zika ngay.
Trường hợp 1: Người dân nếu có dấu hiệu sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng như đau mỏi cơ, khớp, viêm kết mạc cần đến cơ quan y tế để được khám, tư vấn và chẩn đoán xác định bệnh.
Trường hợp 2: Người dân không nên tự xét nghiệm xác định virus Zika khi chưa có ý kiến tư vấn của cán bộ y tế. Việc xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Zika chỉ tiến hành khi có chỉ định của cơ quan y tế.
Trường hợp 3: Phụ nữ đang mang thai trong 3 tháng đầu, sống trong vùng có dịch hoặc đã từng đến vùng có dịch nếu có dấu hiệu sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng như đau mỏi cơ, khớp, viêm kết mạc nên đi xét nghiệm xác định virus Zika.
Trường hợp 4: Phụ nữ đang mang thai trong 3 tháng đầu có chồng hoặc bạn tình có xét nghiệm virus Zika dương tính nếu có dấu hiệu sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng như đau mỏi cơ, khớp, viêm kết mạc nên đi xét nghiệm xác định virus Zika.