Sống thử” cụm từ không còn quá xa lạ đối với các bạn trẻ. Không chỉ là các bạn sinh viên sống xa nhà, yêu nhau rồi “sống thử” mà không ít các bạn trẻ đã có công việc ổn định vẫn lựa chọn hình thức này như một cuộc trải nghiệm “tiền hôn nhân".
Tuy nhiên, tích cực thì ít mà bi kịch thì nhiều, những người nữ thường phải là người gánh hậu quả đau đớn nhất. Chính vì vậy các bạn trẻ hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi bước vào một mối quan hệ không kém phần “phức tạp” này.
“Sống thử” để trải nghiệm
Quỳnh Hương (25 tuổi) là nhân viên văn phòng của một công ty tư nhân tại Hà Nội cho biết: “Mình với bạn trai đã sống với nhau được 2 năm nay, cuộc sống tương đối ổn. Vì cả lương của mình và “chồng” đều hạn chế nên chuyển về sống cùng nhau sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Giảm thiểu tiền thuê nhà, tiền ăn uống và các khoản đưa đón hẹn hò.”
Bạn Vi Oanh (Hà Nội) lại có quan điểm: “Sống thử để hiểu nhau hơn, yêu nhau là như vậy nhưng khi về sống với nhau có quá nhiều điểm bất đồng. Vì vậy bọn mình quyết định về sống với nhau một thời gian. Nếu cảm thấy “ổn” thì sẽ tiến tới hôn nhân, nếu không thì “bye, bye” tránh trường hợp lấy nhau về rồi lại bỏ nhau, khổ con cái…”
Có thể nói, xã hội phát triển, việc thanh niên tiến hành “sống thử” với nhau trước hôn nhân không còn mới ở các nước phương tây và họ cũng công nhận những mối quan hệ đó như một sự tất yếu của xã hội.
Tuy vậy, ở Việt Nam, hình thức sống thử mới phát triển trong những năm gần đây và tồn tại trong một bộ phận nhỏ thanh niên, chủ yếu là sinh viên học xa nhà hoặc những người chưa có công việc ổn định, công nhân ở các khu công nghiệp. Điều kiện kinh tế còn khó khăn và thiếu thốn về tình cảm.
Khi được hỏi, đa phần các ý kiến đều thừa nhận rằng sống thử để tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Một bộ phận khác thì sống thử để tìm hiểu nhau trước hôn nhân. Tuy nhiên, hình thức này cũng đang tồn tại rất nhiều những hệ lụy mà chính phụ nữ là những người phải gánh chịu nhiều nhất. Họ phải chịu tổn hại cả thể chất lẫn tinh thần và các vấn đề đạo đức xã hội.
Tiềm ẩn nhiều yếu tố tiêu cực
Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái - Giảng viên trường ĐH KHXH&NV cho rằng: “Hiện tượng sống thử mang trong mình nhiều yếu tố tiêu cực hơn là tích cực, không thuận lợi cho sự phát triển của xã hội”.
Tiêu cực ở chỗ sống thử làm con người tự do phóng túng, tình cảm bị chai sạn và đặc biệt nó tàn phá tình yêu - món quà thượng đế ban tặng. Đó là chưa kể đến hậu quả về sức khỏe khi bạn nữ có bầu, phải sinh con hoặc nạo hút thai... Tích cực thì như bạn trẻ đã nói là thỏa mãn nhu cầu tình dục, tiết kiệm chi phí sinh hoạt. "Tuy nhiên, tiện ích do sống thử mang lại không thể bù đắp những tổn thất do nó gây ra", bà Thái nhấn mạnh.
Quả thật như vậy, theo ghi nhận của chúng tôi, đa phần các đôi sống thử thường “đường nấy đi” sau khi kết thúc thời sinh viên, hoặc sau một thời gian chung sống. Bởi sự khác biệt quá lớn giữa lúc yêu và lúc về sống với nhau.
Phương Anh (sinh viên Đại học HN) cho biết: “Bạn trai mình suốt ngày thích la cà quán nét và chơi lô đề. Thậm chí bỏ cả học để đi chơi game, mình cảm thấy rất chán nản. Tiền bố mẹ chu cấp cho không đủ để phục vụ nhu cầu của cả 2 đứa. Trước đây lúc chưa về sống với nhau, anh ấy quan tâm mình bao nhiêu thì bây giờ thờ ơ với mình bấy nhiêu. Mình cảm thấy bị ức chế và rất khó chịu”.
Trường hợp của Ngọc Hoa lại khác, cô bị chính “chồng” hờ của mình đánh đập tàn nhẫn mỗi khi uống rượu say với bạn bè. Nếu như cô không ngoan ngoãn phục vụ anh ta và đám bạn nhậu, sẵn sàng bị “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Nhiều hôm phải nghỉ học vì mặt mày bầm tím, không dám đến lớp, cũng chẳng dám gặp ai.
Không những thế, nguy cơ về tình trạng nạo phá thai trái phép và tổn hại đến sức khỏe thực sự trở nên đáng báo động khi mà Việt Nam là 1 trong số 5 quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới và dẫn đầu Châu Á.
Theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ của Hội kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, mỗi năm cả nước có khoảng 1,2 triệu đến 1,6 triệu ca nạo phá thai; trong đó 20% là ở lứa tuổi vị thành niên và khoảng 15% đến 20% số ca nạo phá thai là của thanh niên chưa lập gia đình, số thanh niên có quan hệ tình dục trước hôn nhân tăng.
Bác sỹ Nguyễn Thị Bích Vân – Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, hiện nay thực trạng phá thai to ở vị thành niên chiếm tỷ lệ khá cao, hơn 10% trong tổng số ca phá thai. Một vấn đề đáng lưu tâm là tỷ lệ phá thai trên 18 tuần trong nghiên cứu trên chiếm tới gần 84%. Các trường hợp phá thai to trên gặp nhiều nhất ở đối tượng học sinh, sinh viên.
Cá biệt có nhiều trường hợp phá thai nhiều lần dẫn đến nguy cơ vô sinh cao, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nhiều gánh nặng về vấn đề sức khỏe sinh sản khi việc chẩn đoán trước sinh còn nhiều hạn chế và tình trạng tỷ lệ các cặp vợ chồng vô sinh xu hướng tăng, hiện nay Việt Nam cũng là quốc gia có tỷ lệ các cặp đôi vô sinh cao.
Bên cạnh đó, “sống thử” cũng khiến nhiều phụ nữ phải chịu tổn thất về mặt tinh thần, trái với thuần phong mỹ tục của người phụ nữ Việt Nam trước khi kết hôn. Mặc dù quan niệm này ngày nay cũng đã “thoáng” hơn nhưng cũng không ít người sau khi kết hôn đã bị chồng chì chiết, đay nghiến mà là nguyên nhân gây bất hòa trong gia đình vì người vợ đã từng có thời gian sống thử trước đó. Chính vì vậy, các bạn trẻ cần cân nhắc, thận trọng trước khi lựa chọn lối sống cho mình.