Lãnh đạo Liên đoàn cầu lông TP HCM cho biết không nên đòi hỏi nhiều ở Tiến Minh khi anh đã xấp xỉ 30 tuổi.
Rơi khỏi top 10 thế giới không phải là thảm họa đối với Nguyễn Tiến Minh bởi ở tuổi 29, thật khó đòi hỏi tay vợt số một Việt Nam thể hiện tốt hơn được nữa.
Nếu không bất ngờ bị chấn thương hoặc một sự cố đáng tiếc nào khác, Tiến Minh sẽ là đại diện duy nhất của cầu lông Việt Nam dự Olympic London. Có nhiều ý kiến lo ngại cho tương lai của Tiến Minh sau sự kiện anh lần đầu rơi khỏi top 10 thế giới sau 112 tuần giữ được thành tích này, tuy nhiên, bà Huỳnh Ngọc Liên, Phó chủ tịch Liên đoàn cầu lông TP HCM, lại tỏ ra không bất ngờ.
Tiến Minh vừa văng khỏi top 10 thế giới. Ảnh Châu Thành.
Bà cho biết bản thân Tiến Minh cũng không đặt nặng vấn đề này. Theo bà Liên, ở tuổi xấp xỉ 30, chúng ta không thể đòi hỏi hơn nữa ở Tiến Minh. Là một trong những lãnh đạo Liên đoàn cầu lông TP HCM từng theo dõi Tiến Minh ở một số giải quốc tế, bà nhận xét: “Đi thi đấu, ai không muốn giành chiến thắng.
Vấn đề là khi sức khỏe chỉ còn là yếu tố phụ, buộc phải dùng kinh nghiệm để thi đấu với những đối thủ trẻ khỏe hơn thì thật khó yêu cầu Tiến Minh phải giành được danh hiệu này, thành tích nọ. Những cống hiến, nỗ lực bản thân của Tiến Minh đã được xã hội, ngành thể thao ghi nhận. Tự tay vợt này rất trân trọng điều đó nên khi ra sân luôn thi đấu hết mình, còn kết quả không chỉ phụ thuộc vào tinh thần mà còn liên quan đến nhiều thứ khác”.
Tiến Minh từng có lúc vươn đến hạng 5 thế giới (ngày 12/2/2010), tuy nhiên phong độ trong hơn một năm trở lại đây của Tiến Minh không tốt. Khi được hỏi liệu có biện pháp nào có thể hỗ trợ Tiến Minh ngăn được đà sa sút, bà Liên cho biết: “Chúng ta không thể đòi hỏi Tiến Minh phải thể hiện tốt hơn được nữa. Tiến Minh đâu còn trẻ để được đầu tư trọng điểm hay phát triển thêm năng lực được nữa.
Việc cố gắng thi đấu đỉnh cao, nếu may mắn giành được một, hai danh hiệu nữa, cũng có thể xem là điều mãn nguyện với bản thân tay vợt này. Gia đình Tiến Minh và lãnh đạo ngành thể thao thực tế cũng chẳng muốn yêu cầu cao ở Tiến Minh vì chúng tôi hiểu, với đà phát triển của hàng loạt tay vợt trẻ đến từ Malaysia, Trung Quốc, Nhật Bản, Đan Mạch, Indonesia hay thậm chí là Thái Lan... dù Tiến Minh có cố sức thêm bao nhiêu đi chăng nữa, cùng lắm cậu ấy cũng chỉ trụ được trong top 20 hoặc 30 thêm một, hai năm nữa mà thôi”.
Dự đoán về khả năng tiến xa của Tiến Minh ở lần thứ hai Tiến Minh dự Olympic sắp tới, Phó chủ tịch Liên đoàn cầu lông TP HCM nói: “Hiện BTC Olympic vẫn chưa thông báo cụ thể thời gian bốc thăm chia bảng đấu. Tuy nhiên, sẽ chỉ có 8 tay vợt hàng đầu thế giới được xếp làm hạt giống, số còn lại sẽ bốc thăm ngẫu nhiên, nếu may mắn rơi vào nhánh nhẹ thì Tiến Minh có khả năng tiến xa”.
Cơ hội tập luyện với quân xanh chất lượng cao của Tiến Minh không có. Ảnh ĐH.
Hiện Tiến Minh vẫn nỗ lực dự tranh nhiều giải đấu để tích lũy điểm với hy vọng trở lại top 10. Sắp tới, lãnh đạo Liên đoàn cầu lông TP HCM và bộ môn sẽ tìm một vài “quân xanh” để Minh có thể chuẩn bị tốt cho Olympic. Những người bạn đánh tập với Minh sẽ là các tay vợt người nước ngoài, có thể là Indonesia, Malaysia hoặc Singapore. Vấn đề là còn tùy vào nguồn kinh phí mà chất lượng “quân xanh” sẽ cao hay ở mức trung bình.
Trước nhận xét là cầu lông Việt Nam quá đơn độc so với bạn bè trong khu vực khi ra đấu trường Olympic, bà Liên thừa nhận: “Thế hệ kế thừa không có, không đặt niềm tin vào Tiến Minh thì còn biết trông chờ ai. Hãy xem Thái Lan, họ có hai tay vợt đơn nam trong top 50 thế giới đủ chuẩn dự Olympic là Boonsak Ponsana và Suppanyu Avihingsanon.
Nội dung đơn nữ và đôi nam nữ họ cũng có những tay vợt giỏi, có khả năng giành huy chương Olympic cao. Vì vậy khi đi thi đấu, họ dễ dàng làm quân xanh cho nhau, san sẻ nhau lúc khó khăn... Còn Việt Nam chỉ có mỗi mình Tiến Minh đủ chuẩn dự Olympic, khi gặp khó khăn cũng chẳng biết kêu ai, trông cậy ai ngoài HLV. 4 năm trước thi đấu Olympic còn có Nguyên Nhung, giờ có lẽ Tiến Minh phải tự thân vận động mà thôi”.