Dùng tiền của dân, phải có trách nhiệm với dân!

Kiến Giang| 13/10/2014 07:42
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Có đồng nào “ăn hết” đồng đó, rồi lại đi vay nợ, đảo nợ làm mất cân đối thu - chi; không có tiền chi lương cho người dân, không có tiền chi đầu tư phát triển".

Đó là phát biểu thẳng thắn, trực diện của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại phiên họp Thường vụ Quốc hội (TVQH) vừa qua. Cũng theo lời ông, bức tranh thu - chi ngân sách đang rất xấu, việc thu được đồng nào đem xài hết đồng đó là rất nguy hiểm. 

Vấn đề này không mới, thậm chí đã được đưa ra mổ xe nhiều lần. Nguyên nhân của tình trạng mất cân đối thu chi có nhiều. Tất nhiên cũng có nhiều giải pháp. Nhưng giải pháp căn cơ nhất là phải triệt tiêu được tư duy sử dụng tiền ngân sách một cách thiếu trách nhiệm.

Ví dụ điển hình nhất là việc một loạt tỉnh thành đầu tư xây dựng trung tâm hành chính hoành tráng. Trước đó, trung tâm hành chính đã xây của các tỉnh, thành khác như Bình Dương, Đà Nẵng... cũng đều “ngàn tỉ”, cá biệt như Khánh Hòa, vốn đầu tư dự kiến từ 5.000-7.000 tỉ đồng.

Tất nhiên, để có được những công trình “tầm cỡ” như vậy, phần lớn số vốn sẽ được chi từ ngân sách hoặc trợ vốn của Chính phủ. Đó là những tỉnh có nguồn thu khá tốt. Vẫn còn những địa phương “trắng vốn” vẫn muốn có trung tâm hành chính hoành tráng. Ví dụ như tỉnh Hải Dương. Theo báo cáo của Sở Tài chính tỉnh này, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm nay đạt gần 4.054 tỷ đồng và tổng chi đạt  4.126 tỷ đồng. Tức là cứ nửa năm, Hải Dương “âm” 72 tỷ đồng. Thế nhưng tỉnh này vừa xin chủ trương xây dựng Trung tâm hành chính 2.000 tỷ đồng.

Tương tự là Lai Châu, một tỉnh nghèo cũng muốn xây dựng trung tâm hành chính hàng trăm tỷ đồng. Ngân sách Trung ương vốn dĩ phải “gánh” các khoản bội chi hàng năm của các địa phương như vậy, lại phải cáng thêm những món nợ khổng lồ sau những công trình hoành tráng ấy.

Vấn đề chính là không thể khẳng định những công trình ấy sẽ có khả năng cải tạo năng lực hành chính, thuận lợi cho dân. Thực tế ở tỉnh Bình Dương cho thấy, sau khi đưa vào sử dụng công trình tháp đôi hiện đại, ngoài vẻ hào nhoáng bên ngoài, thủ tục hành chính vẫn không có nhiều cải thiện. Thậm chí, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Bình Dương còn bị sút giảm. Trong bối cảnh điều kiện sống của người dân đang bức bách, thiếu thốn. Việc đầu tư những công trình hoành tráng chỉ để “làm đẹp” bộ mặt của địa phương không chỉ là một sự lãng phí lớn mà còn thiếu trách nhiệm, gây bức xúc cho dân.

Một vấn đề khác gây bức xúc khi một lần nữa Chính phủ đề xuất sử dụng ngân sách để giải quyết nợ xấu cho doanh nghiệp nhà nước. Dù đã nhiều lần khẳng định không sử dụng ngân sách trả nợ cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhưng động thái mới nhất càng cho thấy sự không dứt khoát trong việc xử lý DNNN. Càng cho thấy, dù có nhiều cuộc “đại phẫu”, “cú đấm”, “tối hậu thư” nhưng cuối cùng, ngân sách vẫn được xem như là cứu cánh, chỗ dựa của  DNNN thua lỗ.

 Những con số thống kê cho thấy hiệu quả đóng góp của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ. Khu vực DNNN hiện đang sử dụng 70% đất đai và 70% viện trợ chính thức ODA trong khu vực sản xuất kinh doanh, 60% tín dụng của nền kinh tế nhưng chỉ đóng góp 32% tổng GDP cả nước.

Nhiều chuyên gia nhận định DNNN đang được hưởng những đặc quyền hiếm có và đặc biệt ít bị kiểm tra giám sát cũng như  không sợ phá sản cho dù thua lỗ kéo dài; biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp; tận dụng cơ chế xin - cho; ưu đãi tiếp cận vốn, vay không lo trả. Nếu cứ để DNNN hoạt động không hiệu quả vay vốn rồi sử dụng ngân sách chi trả thì sẽ gây ra một hiệu ứng xấu, không chỉ cho môi trường kinh tế mà còn lan rộng ra cả xã hội. Điều này, nôm na cũng như việc một gia đình đông con nhưng cha mẹ chỉ chiều chuộng một đứa con duy nhất, được ăn sung mặc sướng, làm gì tùy thích, không phải lo nghĩ. Thì những thành viên còn lại phải hy sinh quyền lợi cho đặc ân ấy. 

DNNN muốn phát triển thì cần cải thiện tính minh bạch, cạnh tranh sòng phẳng. Phải thu hút được vốn huy động trực tiếp trong dân, không thể dùng tiền dân một cách gián tiếp thông qua ngân sách. 

Chúng ta là một nước nghèo, ngân sách chủ yếu từ nguồn thu thuế của dân. Người dân đang phải đóng rất nhiều thứ thuế trong khi phúc lợi xã hội được nhận lại rất èo uột. Từ y tế, giáo dục đến văn hóa giải trí đều gây bức xúc. Thậm chí nhiều nơi, một con đường tử tế để đi, một nơi để rác tử tế bảo đảm vệ sinh cũng chưa giải quyết được.  Trong bối cảnh như vậy, việc xem ngân sách là “bầu sữa” là một tư duy nguy hiểm. Dùng tiền của dân một cách lãng phí, không minh bạch sòng phẳng thì không thể yêu cầu dân đóng góp giải quyết nợ xấu được. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dùng tiền của dân, phải có trách nhiệm với dân!