Tháng Giêng có còn đủng đỉnh để vào chùa, vào đình cầu an, cầu may đúng như cái cách mà người xưa vẫn làm?
“Tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè". Đó là thói quen sinh hoạt đã ăn sâu bám rễ ở ta cả ngàn năm. Người người đi lễ chùa cầu bình an, cầu tài lộc, cầu may mắn cả năm nên gần như mọi công việc được tạm gác lại. Đó là khoảng thời gian tĩnh tâm nhất để suy nghĩ về cái được và chưa làm được cho một năm đã qua và một năm vừa đến.
Tưởng là được thảnh thơi suy ngẫm nhưng người Việt bây giờ lại phải "chạy" với đủ các thứ lễ lạt khiến cho việc đi lễ, đi hội trở nên ám ảnh với không ít người. Đó là cảnh chen nhau khấn vái, tranh cướp lộc....mặc dù mùa lễ hội năm nay được đánh giá là yên bình hơn so với mọi năm.
Cứ nhìn cái cảnh vắng lặng, yên bình đến lạ ở Đền Trần vào sáng 15 tháng Giêng hay cảnh mọi người dân chia nhau cành phát lộc ở lễ hội Đền Gióng mới hay năm nay ai cũng có ý thức hơn khi đi lễ. Đây cũng được xem là một nỗ lực rất lớn từ phía các nhà quản lý cũng như từ phía người tham gia lễ hội.
Hàng nghìn người chờ lễ khai ấn Đền Trần đêm 14 tháng Giêng
Nhưng mà “yên bình, suôn sẻ đến lạ”. Có gì lạ thế? Ngẫm ra thì việc người dân xếp hàng trật tự đi lễ, không có cảnh bạo lực, tranh cướp gây phản cảm là chuyện đương nhiên, có gì mà lạ đến vậy. Xưa các cụ ta chẳng phải cũng như thế. Khi khăn áo chỉnh tề, các cụ ta đủng đỉnh, thủng thẳng lên chùa, vào đình làm lễ, cầu bình an, cầu may mắn. Có gì lạ đâu. Còn bây giờ, thế hệ con cháu, cảnh ấy lại trở nên hiếm hoi đến thế. Nên mới có chuyện “cười ra nước mắt” rằng dừng đèn đỏ chỉ sợ người đi sau mắng, bảo mình dại. Hay như chuyện thấy họ làm việc tốt thì ngạc nhiên, còn khi gặp việc xấu lại tặc lưỡi rằng “chuyện cơm bữa”.
Có lạ thì phải là lạ việc người ta vào chùa, vào đình làm lễ cầu đủ thứ, chứ chẳng phải mang cái nghĩa, cái tình như các cụ ta ngày xưa. Ngày nay, họ tranh thủ giờ nghỉ trưa, tranh thủ lúc nghỉ làm để tạt vào một ngôi chùa nào đấy để cầu, để khấn. Ở đền, chùa nào cũng chật ních những người là người. Những mâm lễ chất đầy, họ thi nhau đặt kín trên các ban thờ, thậm chí còn phải chồng lên nhau vì “thiếu chỗ”. Rồi đến chỗ đứng để làm lễ cũng phải giành giật lẫn nhau. Người đến sau có khi khấn lưng người đứng trước. Mà họ lầm rầm những câu khẩn đại loại cầu danh, cầu lộc, cầu thăng quan, tiến chức, cầu giàu sang chứ đâu chỉ thuần cầu bình an. Thế nên mới có chuyện có văn bản chỉ đạo cấm lãnh đạo và công chức đi lễ trong giờ hành chính. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho ở một số lễ hội, trong giờ hành chính vắng hơn thường lệ. Và mới có chuyện, một cán bộ ở ngành nọ vừa bị đình chỉ công tác vì “đi lễ vào giờ hành chính”.
Các mâm lễ để kín trên các ban thờ
Hết chuyện đi lễ, đến chuyện đi hội. “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, thế nhưng ăn chơi chưa biết thì đã có nhiều người gặp xui xẻo đến nỗi gặp tai nạn. Chẳng hạn, khi vào chùa, vào đình, đền làm lễ, vì số lượng người quá đông, nhiều người bị mất ví, mất điện thoại,v.v… Thế nên có chuyện, trước khi đi nhiều người thường dặn nhau “đi cẩn thận, đừng mang theo điện thoại hay ví tiền, chỉ mang đủ tiền đi lễ thôi không thì bị móc”, “phải đeo túi trước ngực, đừng để ở sau nếu không bị móc mất”,…Trong lễ hội nào cũng thế, loa phát thanh thường phát ra rả để cảnh báo mọi người: “Đề phòng kẻ gian móc túi, cướp điện thoại. Người dân phải tự bảo vệ tài sản cá nhân”.
Chưa kể, ở phần hội hè, vì số lượng người quá đông mà nhiều người phải nhập viện, sứt xát, chảy máu tay chân còn nhẹ. Ở lễ hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ), năm nào cũng xảy ra tình trạng tranh nhau phết cầu may giữa một cánh đồng trũng. Năm nào lễ hội này cũng “vỡ trận”. Nhiều người nói đấy mới là không khí của lễ cầu may, nhưng may đâu chưa thấy, chỉ thấy nhiều người sau buổi tranh phết không bị thương mới lạ. Hàng trăm nghìn thanh niên trai tráng đuổi theo phết, vì quá đông mà giẫm đạp lên nhau, như thế đâu còn thể hiện hào khí đấu tranh anh dũng của nghĩa quân Hai Bà Trưng nữa, mà nó đã làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp mà cha ông để lại.
Tranh nhau phết cầu may ở Lễ hội Phết Hiền Quan
Hay như ở lễ hội Lồng Tồng ở huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, một nam thanh niên bị tai nạn trong trò chơi trèo cây chuối lấy lộc. Như thế thì đâu còn ý nghĩa cầu may, cầu lộc nữa.
Trong lễ cúng ông Tiêu ở huyện Châu Thành, Long An vừa diễn ra mới đây cũng vậy. Giữa đêm, hàng nghìn người xô đổ hàng rào để vào bên trong khuôn viên làm lễ cúng, tranh giành nhau đồ cúng mang về nhà cầu mắn đầu năm.
Có thể thấy, ở lễ hội nào cũng vậy, dù hình thức tổ chức khác nhau nhưng đều mang ý nghĩa về mặt tâm linh, thể hiện nét đẹp truyền thống của dân tộc được gìn giữ hàng nghìn năm lịch sử. Tất cả đều mong muốn một năm bình an, may mắn, công việc thuận lợi. Thế nhưng dù hiểu hay chưa hiểu, nhiều người vẫn chưa hiểu hết được ý nghĩa tốt đẹp của những phong tục tập quán, lễ hội đó khiến cho những nét đẹp không còn vẹn nguyên nữa. Và cũng không còn cái đủng đỉnh, thủng thắng, rất văn minh nhưng cũng rất trang trọng như cái cách mà ông bà ta xưa đã làm.
Đi lễ là để cầu an, cầu may vậy thì hà cớ phải tranh giành nhau đến cả chỗ đứng, chỗ đặt mâm lễ. Chỉ cần lòng thành, thành tâm thực sự thì thần linh sẽ chứng giám, may mắn, tài lộc tự khắc sẽ có. Còn đã đi hội, thì cứ vui chơi hết mình, hà cớ phải giành giật để đến nỗi nhập viện.