Dùng ánh sáng dẫn dụ để xử lý hung thủ hại ngao

Thanh Phương| 13/03/2019 21:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhà chức trách khuyến cáo, các hộ nuôi ngao cần chủ động tích cực diệt sâu biển bằng các phương pháp thủ công. Sử dụng nguồn thắp sáng để kích thích dẫn dụ sâu biển nổi lên mặt nước, tập trung ở một số điểm, sau đó dùng lưới/vợt bắt.

Kết quả phân tích của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I cho thấy, loài sinh vật ăn sạch hàng chục ha ngao giống của người dân huyện Kim Sơn (Ninh Bình) là một loại rết biển (hay sâu biển) thuộc ngành giun đốt, lớp giun nhiều tơ.

Loài “sâu lạ” có tên khoa học là Chloeia sp, tên tiếng Việt thường gọi là rết biển (hay còn gọi là sâu biển). Một số đặc điểm chính dễ nhận dạng của loài sâu biển đó là: Cơ thể dài khoảng 5 - 10cm, có nhiều lông chạy dọc theo hai bên thân (có tài liệu nói các lông tiết độc tố). Dọc theo sống lưng từ đầu đến cuối cơ thể có các hình tam giác và đốm tròn màu sắc khác nhau. Loài sâu biển có thể được tìm thấy trên hoặc dưới đáy cát và bùn, chúng đặc biệt thích bò lên bề mặt nước biển và thường bị thu hút bởi ánh sáng vào ban đêm.

Dùng ánh sáng dẫn dụ để xử lý hung thủ hại ngao

Xử lý sâu biển bằng các biện pháp thủ công, dùng ánh sáng dẫn dụ

Sâu biển là một loài săn mồi, ăn các san hô, bọt biển, hải quỳ, thủy tức, hải tiêu. Mặc dù sâu biển không có hàm, chúng có thể nuốt con mồi vừa cỡ miệng. Tại Kim Sơn đã ghi nhận được những trường hợp sâu biển ăn thịt ngao giống cỡ nhỏ (ngao tấm và ngao cúc).

Ở Việt Nam, sâu biển đã từng xuất hiện tại các vùng nuôi hải sản lồng bè ở khu vực vịnh Cát Bà (Hải Phòng), Vân Đồn (Quảng Ninh) và trên một số bãi nuôi ngao, bãi biển ở miền Nam và miền Trung. Thời gian xuất hiện sâu biển nhiều thường vào mùa sinh sản của chúng (ở miền Trung thường xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm). Vùng biển có nhiều rết thường là bãi ven bờ có nhiều mùn bã hữu cơ, vùng nước có độ mặn cao.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Bình khuyến cáo, các hộ nuôi không thả giống ngao cỡ nhỏ (<500-800 con/kg) mà nên thả ngao giống có kích thước lớn để tránh bị rết biển ăn thịt. Người dân cần chủ động tích cực diệt rết bằng các biện pháp thủ công như dùng lưới đăng để bắt, diệt trừ; thắp điện sáng để kích thích dẫn dụ rết nổi lên mặt nước tập trung ở một điểm sau đó dùng vợt bắt. Nghiêm cấm sử dụng hóa chất diệt rết sẽ gây nguy hại đến ngao cũng như môi trường biển. Khi điều kiện phù hợp, người dân hãy nên thả giống lại bình thường.

Như đã đưa tin trước đó, người nuôi ngao giống ở vùng bãi triều ven biển huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đứng ngồi không yên vì bị đàn sinh vật lạ tấn công ăn sạch hàng chục ha ngao giống. Nhiều người dân cho biết, đàn sâu từ đâu đến xuất hiện dày đặc, chúng chui xuống bãi cát bùn sau đó ăn hết ngao. Loài sâu này nuốt cả con ngao vào bụng, hút hết nước sau đó thải vỏ ngao ra ngoài. Hàng chục ha ngao giống với số tiền hàng tỷ đồng chỉ trong thời gian ngắn đã bị ăn sạch khiến nhiều hộ dân trắng tay.

Loài sâu kỳ lạ này không chỉ gây hại cho ngao, các loài sinh vật biển khác mà chúng còn gây hại cho người khi tiếp xúc. Theo đó, người dân không may đụng phải loài này sẽ bị mẩn ngứa, đau rát, thậm chí bị sưng tấy mưng mủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dùng ánh sáng dẫn dụ để xử lý hung thủ hại ngao