Đưa, nhận hối lộ tại chốt kiểm dịch COVID-19, bị xử lý như thế nào?

Kim Chiến| 31/08/2021 21:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mới đây, Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố, bắt tạm giam 04 người liên quan hành vi “đưa hối lộ” và “nhận hối lộ” với mục đích để lượng lớn công nhân chưa có giấy xét nghiệm COVID-19 qua chốt kiểm dịch. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, chuyên gia pháp lý cho rằng những hành vi trên rất đáng lên án và cần xử lý nghiêm làm gương.

Theo đó, Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 tháng đối với Phạm Việt Cường (29 tuổi, ở xã Hòa Tiến, Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) và Vũ Thị Lan (37 tuổi, ở xã Tân Lễ, Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) để điều tra về tội nhận hối lộ, theo quy định tại Khoản 2 Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015. Được biết, bị can Cường là cán bộ của Trung tâm Y tế huyện Hưng Hà, còn bà Lan là cán bộ Trạm Y tế xã Tân Lễ.

Đồng thời, cơ quan điều tra cũng đã khởi tố, bắt tạm giam 3 tháng đối với Nguyễn Duy Việt (38 tuổi), Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Thiên Sơn và Nguyễn Trọng Đạt (38 tuổi), nhân viên Ban Tuyển dụng lao động Công ty cổ phần Tiên Hưng (tỉnh Hưng Yên), để điều tra về tội đưa hối lộ, theo quy định tại Khoản 2 Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Các hành vi “đưa hối lộ” và “nhận hối lộ” trên diễn ra tại Chốt kiểm dịch COVID-19 tại cầu Triều Dương, huyện Hưng Hà với mục đích để đưa lượng lớn công nhân chưa có giấy xét nghiệm COVID-19 qua chốt kiểm dịch.

anh-1.jpeg
Chốt kiểm soát dịch Covid - 19 tại cầu Triều Dương

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết hành vi của các đối tượng trong vụ việc này là rất nghiêm trọng không những xâm phạm đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, làm mất niềm tin vào Đảng và Nhà nước mà còn làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch COVID-19 đang diễn ra hết sức phức tạp tại các địa phương trong đó có Thái Bình.

Theo quy định phòng chống dịch của tỉnh Thái Bình, người dân ra vào tỉnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime PCR trong vòng 72 giờ. Trường hợp vào tỉnh phải thực hiện cách ly y tế tạm thời tại khu cách ly tập trung theo quy định. Tuy nhiên, các đối tượng Nguyễn Duy Việt (38 tuổi), Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Thiên Sơn và Nguyễn Trọng Đạt (38 tuổi), nhân viên Ban Tuyển dụng lao động Công ty cổ phần Tiên Hưng (tỉnh Hưng Yên đã cấu kết với các cán bộ có trách nhiệm phân công làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 ở cầu Triều Dương để được qua chổt kiểm dịch mà không cần phải thực hiện các quy trình kiểm tra y tế theo đúng quy định. Để bỏ qua quy trình kiểm dịch, các đối tượng Nguyễn Duy Việt, Nguyễn Trọng Đạt đã “lo lót” số tiền cho ông Cường là 3,5 triệu và bà Lan là 5 triệu.

ls-thom.jpg
Luật sư Nguyễn Anh Thơm

Xét hành vi của 2 cán bộ kiểm dịch đã lợi dụng chức vụ quyền hạn nhận tiền của 2 đối tượng đã cấu thành tội Nhận hối hộ. Tội danh và hình phạt được quy định tại điểm b, Khoản 2 Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Đối với hành vi của các đối tượng Nguyễn Duy Việt, Nguyễn Trọng Đạt đưa tiền nhiều lần cho các cán bộ để không phải kiểm dịch ra vào tỉnh đã cấu thành tội Đưa hối lộ. Tội danh và hình phạt được quy định tại điểm đ, Khoản 2 Điều 364 Bộ luật hình sự.

Ngoài ra, trong vụ án này, do các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội trong thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp, các hành vi trên rất đáng lên án nên sẽ phải chịu thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm L, Khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự “Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa, nhận hối lộ tại chốt kiểm dịch COVID-19, bị xử lý như thế nào?