Đưa huyết thanh từ Hà Nội vào TP.HCM để điều trị bệnh nhân mắc bạch hầu

Chí Tâm| 26/06/2020 20:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau khi xác định bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu, bệnh viện đã liên hệ tìm huyết thanh tận Hà Nội, gửi theo đường hàng không về để sử dụng cho bệnh nhân.

Ngày 26/6 BS Trần Quốc Việt - Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cho biết, nam thanh niên 20 tuổi đến viện khám 10 ngày trước trong tình trạng sốt, đau họng. Thời điểm tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ thăm khám theo quy trình bình thường. Sau quá trình sàng lọc, bệnh nhân được chuyển đến khoa tai mũi họng kiểm tra.

Tại đây, bác sĩ phát hiện bệnh nhân có giả mạc vùng hầu họng nên tiến hành lấy mẫu gửi khoa vi sinh vật. Sau khi soi mẫu bệnh phẩm thấy bất thường, bệnh viện đã mời bác sĩ nhiều kinh nghiệm kiểm tra thì ghi nhận có sự xuất hiện của vi khuẩn đùi trống - đặc trưng của vi khuẩn gây bệnh bạch hầu trong mẫu bệnh phẩm.

Cùng với việc xét nghiệm tại bệnh viện, mẫu bệnh phẩm được chuyển tới Viện Pasteur TP.HCM kiểm tra. Cả 2 đơn vị xét nghiệm đều khẳng định bệnh nhân dương tính với bệnh bạch hầu.

Đưa huyết thanh từ Hà Nội vào TP.HCM để điều trị bệnh nhân mắc bạch hầu

Khoa Truyền nhiễm, nơi nam bệnh nhân mắc bạch hầu ở TP.HCM đang điều trị. Ảnh: HL

Hiện, bệnh nhân được dùng kháng sinh, huyết thanh kháng độc tố bạch hầu. Đây là huyết thanh rất hiếm, khi bệnh viện liên hệ không có. May mắn, huyết thanh được gửi từ máy bay từ Hà Nội vào TP.HCM.

Nói về tình hình hết thuốc kháng độc tố điều trị bạch hầu, BS Việt cho biết từ lâu, TP.HCM và bệnh viện này chưa ghi nhận ca mắc bạch hầu. Do đó, hầu như thuốc kháng độc tố bạch hầu tại các cơ sở y tế TP.HCM đều quá hạn sử dụng. Bệnh viện phải liên hệ với cơ sở y tế tại Hà Nội để chuyển thuốc vào TP.HCM sau một ngày.

Khi huyết thanh mới về tới, bệnh nhân được sử dụng ngay một liều và đáp ứng tốt. Hiện bệnh nhân âm tính vi khuẩn bạch hầu, hết sốt, hết đau, họng còn sót ít giả mạc. Các chỉ số sinh tồn bệnh nhân ổn định, diễn biến bệnh trong tầm kiểm soát. Dự kiến sẽ xuất viện trong tuần tới.

Về nguyên nhân bệnh nhân mắc bạch hầu, bác sĩ Hiếu cho rằng khó để xác định. Hiện tại, ở TP.HCM bệnh nhân là ca duy nhất, có thể bệnh nhân mang sẵn mầm bệnh trong cơ thể. 

Bệnh nhân cũng không nhớ khi còn nhỏ đã tiêm vắc xin hay chưa. Nếu có tiêm thì nguy cơ mắc bệnh vẫn còn, có thể do thời gian dài, kháng thể bệnh suy giảm hoặc bệnh nhân có khiếm khuyết về hệ miễn dịch.

BS Hiếu cũng khuyến cáo, tiêm phòng vắc xin bạch hầu vẫn là giải pháp hiệu quả nhất để tránh nguy cơ nhiễm bệnh. Vắc xin phòng bệnh bạch hầu đã có trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, trẻ sẽ được chích 3 mũi trong năm đầu đời và tiêm nhắc sau 5 năm. Khi tỷ lệ chủng ngừa đạt được độ bao phủ trong cộng đồng thì nguy cơ bùng phát dịch không thể xảy ra.

Mọi đối tượng chưa được tiêm phòng đều có nguy cơ bị bệnh bạch hầu tấn công, ngoài việc tiêm phòng cho trẻ, người trưởng thành cũng nên đi tiêm phòng để tránh nguy cơ mắc bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa huyết thanh từ Hà Nội vào TP.HCM để điều trị bệnh nhân mắc bạch hầu