Di tích Cột cờ Phai Vệ là địa điểm du lịch mà khách thập phương sẽ không thể bỏ qua khi du xuân đến thành phố Lạng Sơn trong dịp năm mới này. Nó không chỉ lung linh bởi những ánh đèn hiện đại mà ẩn trong đó còn là chiều sâu văn hóa hằng nghìn năm.
Tại những nơi địa đầu Tổ quốc hay những vùng giáp ranh biên giới, hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới trên tầm cao nâng đỡ của chiếc cột cờ vững chãi, uy nghi là lời khẳng định chắc chắn cho chủ quyền tối thượng của quốc gia, dân tộc. Vì vậy, việc xây dựng cột cờ tại các tỉnh biên giới như Lạng Sơn là công việc có ý nghĩa biểu tượng chính trị quan trọng.
Trên thực tế, thì tại thành phố Lạng Sơn từ lâu nay cũng đã có cột cờ ở trên di tích núi Phai Vệ. Tuy nhiên, sau nhiều năm sử dụng cột cờ cũ đã xuống cấp nghiêm trọng. Thể theo nguyện vọng của nhân dân địa phương, vào năm 2014, Lạng Sơn đã quyết định cải tạo, sửa chữa cột cờ cũ và coi đây là một công trình trọng điểm có ý nghĩa chính trị quan trọng của tỉnh.
Cuối năm 2014, cột cờ mới, được khánh thành và đi vào sử dụng với chiều cao 80m tính từ chân núi, thân đài cột cờ cao 25m, gồm 4 tuyến đường lên xuống với 535 bậc xây đá và lát đá xanh tự nhiên, lan can được đắp mỹ nghệ giả thân cây tre. Toàn bộ thân đài cột cờ được làm bằng kết cấu bê tông, ốp đá và có hệ thống đường lên trên đỉnh cột cờ để ngắm toàn bộ thành phố...Đặc biệt, trên toàn di tích cột cờ núi Phai Vệ được gắn hơn 1.000 bóng đèn led chiếu sáng quanh núi, trong hang đá và chiếu sáng các gầm bậc. Nhờ hệ thống "ánh sáng khủng" và các bài trí phối màu hợp lý mà khi lên đèn, nhìn từ xa cột cờ như bức tranh 3D huyền ảo, lung linh sắc màu.
Chính từ quy mô và ý nghĩa biểu tượng chính trị của công trình mà kể từ khi khánh thành và đưa vào sử dụng Cột cờ Phai Vệ đã trở thành niềm tự hào mới của người dân thành phố Lạng Sơn. Hàng ngày, có hàng trăm lượt người lên núi Phai Vệ ngắm nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay cùng mây trời. Tuy nhiên đối với mỗi công dân của thành phố Lạng Sơn di tích Cột cờ núi Phai Vệ không chỉ đẹp ở tầm vóc chính trị, sự hoàng tráng hiện đại của công trình mà sự tự hào còn đến từ cả chiều sâu văn hóa hàng nghìn năm ẩn chứa bên trong núi Phai Vệ.
Qua khai quật từ năm 1906, 1966 và 1998, tại di tích này đã thu thập được nhiều thạch động, thực vật, công cụ đá, vỏ nhuyễn thể…Di tích núi Phai Vệ gồm hai điểm di chỉ là: Hang Phai Vệ I và hang Phai Vệ II, di chỉ văn miếu. Qua nhiều nghên cứu và xác định hang Phai vệ I là di chỉ cổ sinh có niên đại cách đây khoảng 10.000 năm (giai đoạn hậu Canh tân), hang Phai Vệ II là di chỉ khảo cổ có niên đại cách đây khoảng 4.700- 5.000 nằm trong giai đoạn cuối của văn hóa Bắc Sơn cho tới giai đoạn đầu của văn hóa Mai Pha (giai đoạn hậu Kỳ đá mới Sơ kỳ kim khí). Các di chỉ khảo cổ đã khẳng định đây là nơi cư trú của người cổ đại, là địa điểm quan trọng trong quá trình phát sinh, phát triển con người thời kỳ tiền sử.
Ngoài giá trị là di tích khảo cổ học, Núi Phai Vệ còn mang giá trị là chứng tích lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, là nơi bộ đội ta trú ẩn trong hai cuộc kháng chiến và là di tích văn hóa, nghệ thuật, là điểm thờ cúng mới của văn miếu mới Lạng Sơn. Ngày nay núi Phai vệ tọa lạc tai trung tâm thành phố Lạng Sơn, với đỉnh núi cũng chính là chân cột cờ, biểu tượng về văn hóa, chính trị của tỉnh Lạng Sơn và là một địa điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến với mảnh đất xứ Lạng.
Du xuân đến khắp mọi miền của Tổ quốc, hãy cùng phóng viên Báo Công lý chiêm ngưỡng "niềm tự hào mới của người dân xứ Lạng" từ những hình ảnh về di tích Cột cờ núi Phai Vệ:
Cột cờ khi đang thi công trên đỉnh núi Phai Vệ
Và Cột cờ Phai Vệ khi đã hoàn thành
Cột cờ cao 80m tính từ chân núi, thân đài cột cờ cao 25m, gồm 4 tuyến đường lên xuống với 535 bậc xây đá và lát đá xanh tự nhiên
Nhờ hệ thống "ánh sáng khủng" và các bài trí phối màu hợp lý mà khi lên đèn cột cờ trông khá lung linh đầy sắc màu
Hang núi Phai Vệ bên dưới cột cờ không chỉ lung linh bởi ánh đèn mà còn giàu giá trị khảo cổ, văn hóa
Cột cờ với lá cờ Tổ quốc luôn tung bay trong sương gió là biểu tượng chính trị, văn hóa của tỉnh Lạng Sơn, là niềm tự hào mới của người dân thành phố Lạng Sơn