Mới đây, dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đặc xá do Bộ Công an chủ trì xây dựng đã hoàn thành; dự thảo gồm 03 chương 09 điều.
Điều kiện của người được đề nghị đặc xá
Theo dự thảo, điều kiện của người được đề nghị đặc xá quy định tại Điều 11 Luật Đặc xá như sau: Người bị kết án phạt tù có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 Luật Đặc xá là người đã chấp hành nghiêm Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, tích cực học tập, lao động, cải tạo và tất cả các quý đã đủ thời gian xếp loại trong suốt quá trình chấp hành án phạt tù đều được xếp loại khá hoặc tốt.
Người bị kết án phạt tù đã thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác quy định tại điểm d, điểm đ khoản 1 Điều 11 Luật Đặc xá là một trong các trường hợp sau: Đã thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác theo bản án, quyết định của Tòa án; có quyết định đình chỉ thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền; có thỏa thuận bằng văn bản của người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại về việc không phải thi hành nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác theo bản án, quyết định của Tòa án.
Người bị kết án phạt tù đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù quy định tại điểm a khoản 3 Điều 11 Luật Đặc xá là người đã có hành động giúp trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự phát hiện, truy bắt, điều tra, xử lý tội phạm; cứu được tính mạng người khác hoặc tài sản lớn (có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên) của Nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hỏa hoạn; có những phát minh, sáng kiến có giá trị lớn hoặc thành tích đặc biệt xuất sắc khác được trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xác nhận. Trường hợp lập công lớn trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam mà chưa được Tòa án ghi nhận là tình tiết giảm nhẹ khi xét xử hoặc lập công lớn trong thời gian chờ đưa đến trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để chấp hành án phạt tù cũng được coi là lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù.
Người chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện đang ốm đau thường xuyên mà không tự phục vụ bản thân quy định tại điểm c khoản 3 Điều 11 Luật Đặc xá là người đang phải nằm điều trị tại bệnh xá, bệnh viện liên tục trong một thời gian dài, từ ba tháng trở lên hoặc không liên tục nhưng nhiều lần phải nằm điều trị tại bệnh viện, mỗi lần không dưới một tháng, không lao động, không tự phục vụ bản thân được và không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội, có kết luận của Hội đồng giám định y khoa hoặc bệnh viện cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên.
Ảnh minh họa
Người bị kết án phạt tù có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân là lao động duy nhất trong gia đình quy định tại điểm e khoản 3 Điều 11 Luật Đặc xá là trường hợp gia đình người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, không còn tài sản gì đáng kể, không có thu nhập hoặc thu nhập dưới mức hộ nghèo hoặc có bố đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con ốm đau nặng kéo dài, không có người chăm sóc mà người đó là lao động duy nhất trong gia đình, được Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi gia đình người đó cư trú xác nhận là đúng.
Thực hiện Quyết định đặc xá đối người nước ngoài
Khi có Quyết định đặc xá đối với người nước ngoài, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao thực hiện việc thông báo theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Đặc xá.
Sau khi công bố Quyết định đặc xá, các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện trả tự do cho người nước ngoài có nơi cư trú rõ ràng tại Việt Nam theo Quyết định đặc xá và thông báo cho Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao để thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người được đặc xá là công dân biết.
Trong thời gian làm các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh đối với người nước ngoài được đặc xá không có nơi cư trú rõ ràng tại Việt Nam, Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định chỉ định người nước người ngoài được đặc xá lưu trú tại cơ sở lưu trú.
Quyết định chỉ định người nước ngoài được đặc xá lưu trú tại cơ sở lưu trú phải gửi tới Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người được đặc xá là công dân và được thực hiện ngay.
Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm bàn giao người nước ngoài được đặc xá cho cơ sở lưu trú theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự và quyết định chỉ định người nước ngoài được đặc xá lưu trú tại cơ sở lưu trú.
Việc tổ chức quản lý và các chế độ đối với người nước được đặc xá lưu trú tại cơ sở lưu trú được thực hiện theo Nghị định số 09/2012/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ quy định về tổ chức quản lý và các chế độ đối với người lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.
Khi đã đầy đủ các thủ tục xuất cảnh, Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chủ trì với Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao hoặc Sở Ngoại vụ nơi có cơ quan lãnh sự của nước mà người được đặc xá là công dân thông báo và đề nghị cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người được đặc xá là công dân tiếp nhận người được đặc xá để đưa họ xuất cảnh trở về nước.