Trong vụ án hành chính, người khởi kiện thông thường luôn ở vị trí yếu thế hơn người bị kiện về nhiều phương diện. Dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) đã có những thay đổi như thế nào để bảo vệ người đi kiện?
Điều dễ nhận thấy dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) mà TANDTC đang chủ trì soạn thảo quy định về sự tham gia của luật sư trong tố tụng hành chính là điểm được cho rằng rất tiến bộ. Với quy định về việc luật sư tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự phải được Tòa án chấp nhận tại Điều 61 của dự thảo là một quy định hoàn toàn mới. Đồng thời, việc bổ sung quy định yêu cầu Đoàn Luật sư phân công Văn phòng Luật sư cử người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự, hoặc yêu cầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, cử người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự yếu thế như người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần, người nghèo cũng là vấn đề mới. Nhìn nhận về quy định này, bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng: “Việc quy định như vậy vừa đảm bảo việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người dân, vừa bảo đảm cho việc thực hiện tranh tụng trong tố tụng hành chính theo đúng tinh thần Hiến pháp”.
Đồng thời, dự thảo luật đã bổ sung quy định quyền của đương sự về việc đề nghị Tòa án tổ chức phiên họp và tham gia phiên họp xem xét việc thụ lý, xác minh, thu thập chứng cứ và giải quyết các yêu cầu khác về tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Đương sự cũng được đề nghị những vấn đề cần tranh tụng, tham gia tranh tụng tại phiên tòa bằng cách hỏi, đáp, đưa ra chứng cứ, lập luận, chứng cứ pháp lý để bảo vệ yêu cầu của mình hoặc bác yêu cầu của người khác, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong tranh tụng. Bổ sung quy định về việc đương sự có quyền đề nghị Tòa án xác minh thu thập chứng cứ của vụ án mà tự mình không thể thực hiện được, đề nghị Tòa án ra quyết định buộc cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ chứng cứ cung cấp chứng cứ. Bên cạnh đó, dự thảo đã bổ sung quy định về quyền tiếp cận trao đổi chứng cứ của đương sự tại Điều 98, việc tạo điều kiện các bên tiếp cận, trao đổi chứng cứ sẽ góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hiệu quả.
Có thể nói, quy định việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền xác minh, thu thập chứng cứ, có quyền yêu cầu cơ quan đang nắm giữ chứng cứ cung cấp thông tin, chứng cứ ở Điều 9 và Điều 10 của dự thảo luật nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho đương sự là một việc cần thiết, là một tiến bộ thể hiện sự dân chủ. “Tuy nhiên, cần quy định chế tài nghiêm khắc trong Luật Tố tụng hành chính đối với những trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu trữ quản lý chứng cứ, cung cấp chứng cứ mà cố tình không cung cấp, trì hoãn, gây khó khăn trong việc cung cấp tài liệu chứng cứ cho người bảo vệ quyền lợi của đương sự”, bà Lê Thị Nguyệt, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội góp ý.
Một điều dễ nhận thấy là dự thảo luật đã cụ thể hóa nguyên tắc tranh tụng, bổ sung quy định mới về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ về tranh tụng trong giai đoạn phúc thẩm, về thu thập, bổ sung tài liệu, chứng cứ trong thủ tục giám đốc thẩm, sửa đổi, bổ sung quy định về thủ tục phiên tòa giám đốc thẩm. Có thể nói rằng, những quy định được sửa đổi, bổ sung nêu trên là để đảm bảo cho việc thực hiện tranh tụng trong xét xử các vụ án hành chính, qua đó nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án.
Điều 33 và Điều 34 của dự thảo quy định về thẩm quyền của Tòa án các cấp. Với quy định TAND cấp tỉnh thụ lý, giải quyết các khiếu kiện, quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện và quy định trong trường hợp cần thiết TAND cấp tỉnh có thể lấy lên để giải quyết khiếu kiện thuộc thẩm quyền của TAND huyện. Đây là một quy định cần thiết, không chỉ vì lý do TAND huyện nhiều việc, cũng không phải vì lý do TAND huyện chưa có Tòa hành chính chuyên trách, mà quy định trên sẽ tháo gỡ được những khó khăn của Thẩm phán cấp huyện khó có thể khách quan, vô tư được khi được giao xử lý những vụ án có liên quan đến UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện. Việc quy định như trên là một biện pháp tất yếu, để đảm bảo tính khách quan, độc lập trong xét xử, vừa giải tỏa được tư tưởng của Thẩm phán, vừa đảm bảo cho người dân tin tưởng vào sự khách quan của Tòa án.
Tư pháp càng độc lập với hành pháp bao nhiêu thì càng tốt, nhất là đối với án hành chính, người dân thường yếu thế hơn. Nếu cho rằng Thẩm phán cấp huyện bị áp lực do áp lực của chính quyền thì cũng đúng nhưng Thẩm phán cấp tỉnh cũng chịu áp lực. Hơn nữa, hiện nay Tòa án cấp cao được thành lập theo luật mới thì Tòa án này hoàn toàn độc lập với chính quyền địa phương. Do vậy, với quy định giao cho Tòa án tỉnh thụ lý giải quyết đối với khiếu kiện về quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch hoặc của UBND huyện là một quyết định đúng đắn, Tiến sỹ Luật Đỗ Văn Đương bày tỏ.