Dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi): Cần thiết mở rộng thẩm quyền của TAND cấp tỉnh

Mai Thoa| 12/03/2015 23:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 12/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi).

Tham dự phiên họp có Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa; Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã chủ trì phiên họp.

Qua thảo luận, các ý kiến tán thành với nhiều nội dung được nêu trong các quan điểm chỉ đạo và yêu cầu của việc xây dựng dự án Luật này. Tuy nhiên, một số vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật đã được các đại biểu tập trung thảo luận.

Mở rộng thẩm quyền TAND cấp tỉnh

Về những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa cho biết, tại phiên họp thẩm tra, đa số ý kiến tán thành với việc quy định về những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án tại Điều 32 dự thảo Luật. Tuy nhiên, về quy định quyết định xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án, các ý kiến cho rằng đây không phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính. Vì trong trường hợp Toà án đã ra quyết định xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng rồi lại giao cho Toà án giải quyết theo thủ tục tố tụng hành chính khi có đơn khởi kiện đối với loại quyết định này là không khả thi; nếu cho phép khởi kiện loại quyết định này thì thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính lại do Toà án giải quyết và Toà án là một bên đương sự. TANDTC đồng tình và thể hiện dự thảo theo quan điểm này.

Thẩm tra dự thảo Luật, UBTP cũng tán thành với quan điểm loại trừ việc khởi kiện quyết định xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND ra Tòa Hành chính. Bởi vì, nếu giao thẩm quyền cho TAND giải quyết khiếu kiện quyết định xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính của TAND, thì sẽ dẫn đến tình trạng Tòa án vừa ra quyết định xử lý hành chính, vừa tiến hành xét xử vụ án hành chính đối với chính quyết định của mình.

Về phân định thẩm quyền của TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương, dự thảo quy định mở rộng thẩm quyền cho TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện.

Dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi): Cần thiết mở rộng thẩm quyền của TAND cấp tỉnh

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình phát biểu ý kiến  (Ảnh: An Đăng - TTXVN)

Qua thảo luận, nhiều ý kiến đồng tình với quy định này. Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh đề xuất, đối với khiếu kiện các quyết định của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh cần giao cho Tòa án cấp cao hơn giải quyết để đảm bảo tính thống nhất. Bên cạnh đó, cần phân định thẩm quyền giữa Tòa cấp tỉnh và huyện trong việc giải quyết các khiếu kiện hành chính thuộc nhóm các cơ quan không thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính Nhà nước.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ cũng cho rằng như vậy là phù hợp, vì với tình hình hiện nay, nếu để Tòa án cấp huyện xét xử những khiếu kiện các quyết định hành chính của UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện là không khả thi.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện lại cho rằng, nếu quy định Tòa cấp cao hơn giải quyết các khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp tỉnh thì không phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức TAND 2014. Do vậy, phải nghiên cứu quy định sao cho phù hợp.

Địa vị pháp lý của VKSND trong tố tụng hành chính

Về địa vị pháp lý của VKSND trong tố tụng hành chính, có rất nhiều ý kiến khác nhau. UBTP đề nghị giữ nguyên như quy định của Luật hiện hành (VKSND thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp). Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng hành chính; VKSND có quyền đề nghị TAND áp dụng các quy định của pháp luật để giải quyết vụ án hành chính, đề nghị Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận khởi kiện…

Ông Nguyễn Doãn Khánh cho rằng, trong tố tụng hành chính, VKS không thể đóng vai trò công tố, nhưng có vai trò kiểm sát hoạt động tư pháp. Song, cần phải chia làm hai giai đoạn: Ở giai đoạn sơ thẩm, VKS phát biểu liên quan đến chấp hành tố tụng chứ không phát biểu về nội dung vụ án. Đến giai đoạn 2 từ phúc thẩm trở lên, thì tại các phiên tòa, VKS có quyền phát biểu về quan điểm giải quyết vụ án hành chính...

Về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính, UBTP tán thành với ý kiến đề nghị có quy định trong dự thảo Luật TTHC (sửa đổi) về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính của TAND, nhằm xác định rõ hành vi vi phạm nào được coi là cản trở hoạt động tố tụng hành chính của TAND và bị xử lý hành chính cũng như hình thức xử lý, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013. Còn trình tự, thủ tục, thẩm quyền, mức tiền phạt… thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Giải trình thêm một số nội dung dự thảo Luật, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết, để tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền của mình, Luật TTHC đã mở rộng thẩm quyền giải quyết tất cả các quyết định, hành vi hành chính, chỉ loại trừ một số loại quyết định mang tính nội bộ... Riêng đối với quyết định kỷ luật thôi việc đối với viên chức, liên quan đến quyền con người, sẽ nghiên cứu đưa vào dự thảo.

 Về lệ phí giám đốc thẩm, tái thẩm, dự thảo Luật cũng quy định, đương sự có đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải nộp lệ phí. Việc quy định như vậy nhằm xác định nghĩa vụ của đương sự khi đề nghị Toà án, Viện kiểm sát giải quyết yêu cầu của họ.

Liên quan đến vấn đề thi hành án hành chính, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, Luật TTHC trước đây cũng chưa giải quyết được vấn đề này. Hiện nay, chúng ta chưa có Luật Thi hành án hành chính. Vậy nên, cần có những bổ sung cho phù hợp như: Việc ra quyết định thi hành án; các chế tài kèm theo để đảm bảo thi hành án hiệu quả. Bên cạnh đó, cũng cần có thiết chế Thẩm phán theo dõi thi hành án, như vậy mới đảm bảo tính khả thi.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận xét, phân định thẩm quyền xét xử theo hướng vẫn tiếp tục giao cho Tòa án trên 1 cấp xét xử quyết định thuộc thẩm quyền của Tòa cấp dưới là phù hợp. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm thẩm quyền Tòa án cấp tỉnh đối với những khiếu kiện thuộc các Bộ, ngành tương đương trên địa bàn tỉnh vẫn được thụ lý, giải quyết liệu có đảm bảo được tính khách quan hay không? Về địa vị pháp lý của VKS, hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Cần xác định rõ VKS là cơ quan tiến hành tố tụng hay tham gia tố tụng, như vậy mới có thể xác định được thẩm quyền của VKS trong tố tụng hành chính.

Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cũng đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi): Cần thiết mở rộng thẩm quyền của TAND cấp tỉnh