Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi): Nội dung cô đọng, súc tích

Trần Quang Huy| 10/04/2014 21:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo báo cáo của Thường trực Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương thì Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã được chuẩn bị khá công phu trên cơ sở các quan điểm được khẳng định trong các văn bản của Đảng, các quy định của Hiến pháp năm 2013…

Trên cơ sở thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các góp ý của Chính phủ, các Bộ, ngành hữu quan ở Trung ương và địa phương, ý kiến của cán bộ, công chức TAND các cấp, ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia pháp lý… TANDTC đã tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện tiếp một bước đối với Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) được chuẩn bị khá công phu

Tại phiên họp toàn thể ngày 6/3/2014, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi); đồng thời trong phiên họp ngày 13/3/2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và đóng góp nhiều ý kiến đối với Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Theo đó, Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) được thẩm tra, xem xét đã thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách tư pháp, trong đó có yêu cầu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao; tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, bảo đảm nguyên tắc độc lập trong hoạt động của Tòa án. Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014 về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của TAND; qua đó nhằm kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị của đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh tư pháp khác trong TAND, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xét xử.

Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi): Nội dung cô đọng, súc tích

TANDTC tổ chức Hội thảo góp ý vào Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

Mặt khác, Dự thảo đã thể hiện được việc đổi mới tổ chức và hoạt động của TAND theo hướng hợp lý, khoa học, hiện đại về cơ cấu tổ chức và điều kiện, phương tiện làm việc, khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay trong tổ chức và hoạt động của Toà án; bảo đảm cho Tòa án thực hiện tốt chức năng xét xử, thực hiện quyền tư pháp của quốc gia; phục vụ có hiệu quả công cuộc đổi mới của đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Dự thảo Luật tổ chức TAND (sửa đổi) cũng nêu rõ việc bảo đảm chế độ, chính sách đãi ngộ đối với Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh tư pháp khác trong TAND tương xứng với vị trí, vai trò và đặc thù của công tác xét xử; bảo đảm để họ không bị chi phối bởi các quan hệ xã hội và sự tác động bởi các yếu tố lợi ích tiêu cực…

Theo báo cáo của Thường trực Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương thì Dự án Luật tổ chức TAND (sửa đổi) đã được chuẩn bị khá công phu trên cơ sở các quan điểm được khẳng định trong các văn bản của Đảng, các quy định của Hiến pháp mới được ban hành năm 2013 và tổng kết thực tiễn 10 năm thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2002, Pháp lệnh tổ chức TAQS năm 2002, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm TAND năm 2002. Dự án Luật Tổ chức TAND được soạn thảo cơ bản đáp ứng yêu cầu về trình tự, thủ tục theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bám sát quy định của Hiến pháp năm 2013

Trên cơ sở thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các góp ý của Chính phủ, các Bộ, ngành hữu quan ở Trung ương và địa phương, ý kiến của cán bộ, công chức TAND các cấp, ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia pháp lý… TANDTC đã tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện tiếp một bước đối với Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Dự thảo được xây dựng theo tinh thần nhất thể hóa Luật Tổ chức TAND năm 2002, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm TAND năm 2002 và Pháp lệnh Tổ chức TAQS năm 2002. Trước đây, bản Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) gồm 11 chương với 91 điều, hiện nay Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) có 11 chương với 80 điều (giảm 11 điều so với trước).

Với nội dung cô đọng, súc tích, Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã bám sát quy định của Hiến pháp năm 2013; Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị “về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra; Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI và Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW.

Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) kế thừa những quy định còn phù hợp, đồng thời tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về tổ chức và hoạt động của Tòa án, về chế định Thẩm phán; bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; bảo đảm tính khả thi; không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) cũng đồng bộ với việc đổi mới, kiện toàn tổ chức, hoạt động của Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra; bảo đảm sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng, sự giám sát của các cơ quan dân cử và nhân dân đối với tổ chức và hoạt động của Tòa án.

Theo kế hoạch, vào tháng 5/2014, Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2014. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi): Nội dung cô đọng, súc tích