Ngày 5/3, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã thẩm tra Dự án BLTTDS (sửa đổi) và cho ý kiến đối với Dự án này nhằm sửa đổi, bổ sung các quy định của BLTTDS hiện hành.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự; tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để TAND thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đặc biệt là Luật Tổ chức TAND năm 2014 và các đạo luật có liên quan.
Thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp
Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, TANDTC được giao chủ trì và phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng Dự án BLTTDS (sửa đổi). Chánh án TANDTC đã thành lập Ban soạn thảo Dự án BLTTDS (sửa đổi); tổ chức nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng Dự án BLTTDS (sửa đổi); tiến hành tổng kết thực tiễn thi hành BLTTDS hiện hành. Bên cạnh đó, Ban soạn thảo đã nghiên cứu pháp luật của một số quốc gia về TTDS; tổ chức các hội thảo, hội nghị, tọa đàm về các nội dung có liên quan; đánh giá tác động của Dự án BLTTDS (sửa đổi)... Sau khi xây dựng Dự thảo 1 BLTTDS (sửa đổi), TANDTC đã đăng tải Dự thảo, bài viết trên Cổng thông tin điện tử TANDTC, Báo Công lý, Tạp chí TAND và lấy ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia pháp lý, các cơ quan, tổ chức, cá nhân; ý kiến của Chính phủ, các Bộ, ngành hữu quan, các thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC để xây dựng Dự thảo 2.
Ban soạn thảo Dự án BLTTDS (sửa đổi) tổ chức lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật
Dự thảo BLTTDS (sửa đổi) lần 2 được bố cục thành 8 phần, 37 chương, với tổng số 472 điều. So với BLTTDS hiện hành, Dự thảo 2 BLTTDS (sửa đổi) giữ nguyên 257 điều, sửa đổi 154 điều, bổ sung 61 điều, bãi bỏ 13 điều. Dự thảo BLTTDS (sửa đổi) lần 2 đã được sửa đổi, bổ sung cơ bản và toàn diện nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức TAND năm 2014 cũng như các luật có liên quan. Dự thảo cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp; có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; bảo đảm tranh tụng trong xét xử để TAND thực sự là chỗ dựa của nhân dân về công lý, góp phần tích cực vào việc bảo vệ và khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị xâm phạm.
Về tổng thể, Dự thảo 2 đã thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, đặc biệt là Nghị quyết số 48-NQ/TW; Nghị quyết số 49-NQ/TW; Kết luận số 79-KL/TW; Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị và Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI. Trong đó, xác định yêu cầu đổi mới tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng; đẩy mạnh và coi việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa là khâu đột phá của hoạt động xét xử; tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Dự thảo 2 từng bước hoàn thiện thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; xây dựng cơ chế xét xử theo thủ tuc rút gọn đối với những vụ án có đủ một số điều kiện nhất định; khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; Tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó.
Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự
Dự thảo BLTTDS (sửa đổi) lần 2 quy định những nguyên tắc cơ bản trong TTDS; trình tự, thủ tục khởi kiện để Tòa án giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và trình tự, thủ tục yêu cầu để Tòa án giải quyết các việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Dự thảo quy định trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự, việc dân sự tại Tòa án; thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, qụyết định của Trọng tài nước ngoài, thi hành án dân sự. Dự thảo quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, của cá nhân, cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội… có liên quan nhằm bảo đảm cho việc giải quyết các vụ việc dân sự được nhanh chóng, chính xác, công minh và đúng pháp luật. BLTTDS (sửa đổi) sẽ góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; giáo dục mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.
BLTTDS (sửa đổi) được áp dụng đối với mọi hoạt động TTDS trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam và mọi hoạt động TTDS do cơ quan Lãnh sự của Việt Nam tiến hành ở nước ngoài. Bộ luật được áp dụng đối với việc giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài; trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó. Cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài thuộc đối tượng được hưởng các quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao hoặc các quyền ưu đãi, miễn trừ lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập thì vụ việc dân sự có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức đó được giải quyết bằng con đường ngoại giao.
Khi BLTTDS (sửa đổi) được Quốc hội thông qua thì mọi hoạt động TTDS của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan phải tuân theo các quy định của Bộ luật này. Cá nhân, cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác. Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.