Dự thảo BLTTHS (sửa đổi): Nên giữ nguyên trình tự xét hỏi như quy định hiện hành

Mai Thoa| 16/07/2015 16:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tố tụng hình sự là hoạt động thực thi quyền lực Nhà nước, có nhiệm vụ đấu tranh và xử lý các hành vi phạm tội liên quan đến danh dự, nhân phẩm, tài sản của người dân.

Do vậy, việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) lần này phải đáp ứng yêu cầu của Hiến pháp 2013, của cải cách tư pháp về tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo đảm các thủ tục tố tụng công khai, minh bạch, dân chủ…

Vì vậy, nội dung liên quan đến tranh tụng trong xét xử và vấn đề bảo vệ quyền lợi cho bị can, bị cáo được quy định như thế nào cho phù hợp là vấn đề được quan tâm hiện nay. Dự thảo BLTTHS có tổng số 486 điều, bổ sung 172 điều mới, sửa đổi 294 điều, giữ nguyên 20 điều, bãi bỏ 26 điều.

Thay đổi trình tự xét hỏi là không hợp lý

Việc bảo đảm tranh tụng trong xét xử chính là bảo đảm sự công bằng trong quá trình chứng minh sự thật vụ án; bảo đảm điều kiện để các chủ thể thực hiện đúng, đủ chức năng tố tụng của mình. Trên cơ sở đó, dự thảo Bộ luật đã quy định: Đổi mới trình tự và trách nhiệm xét hỏi theo hướng việc xét hỏi trước tiên phải thuộc về cơ quan buộc tội; khẳng định rõ nguyên tắc bản án, quyết định của Tòa án chỉ được căn cứ trên cơ sở kết quả thẩm vấn, tranh tụng và những chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa...

Đây là những quy định được đánh giá là phù hợp, riêng về trình tự xét hỏi tại phiên tòa vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến đồng tình với việc đổi mới trình tự và trách nhiệm xét hỏi nhằm thực hiện việc tranh tụng tại phiên tòa và trách nhiệm xét hỏi thuộc về Kiểm sát viên - cơ quan buộc tội thay vì do Hội đồng xét xử hỏi trước như hiện nay. Với việc quy định rõ bản án, quyết định của Tòa án chỉ được căn cứ trên cơ sở kết quả thẩm vấn, tranh tụng tại phiên tòa, các ý kiến cho rằng, quy định như vậy sẽ tạo không khí dân chủ và công bằng tại phiên tòa. Vì một trong những yêu cầu của tranh tụng là phải bảo đảm sự khách quan của Tòa án. Tòa án chủ yếu đóng vai trò xem xét chứng cứ của các bên để ra phán quyết, chấp nhận chứng cứ của bên buộc tội hay của bên gỡ tội.

Tuy nhiên, khi thảo luận tại Quốc hội, đa số ý kiến cho rằng, dự thảo Bộ luật hiện nay tiếp tục được xây dựng trên nền tảng mô hình tố tụng thẩm vấn, kết hợp với tranh tụng nhưng việc thay đổi cơ bản trình tự xét hỏi là không hợp lý. Nếu quy định cho Kiểm sát viên hỏi trước, Chủ tọa phiên tòa chỉ điều khiển việc xét hỏi và chỉ hỏi khi cần thiết sẽ làm đảo lộn toàn bộ trật tự xét xử. Tại phiên tòa, nếu giao cho Kiểm sát viên tiến hành hầu hết công việc từ đọc cáo trạng, hỏi, luận tội và tranh luận sẽ làm cho Hội đồng xét xử bị động trong việc xét hỏi để thẩm tra chứng cứ, dẫn đến không bảo đảm tính khả thi và phiên tòa sẽ kéo dài không cần thiết.

Dự thảo BLTTHS (sửa đổi): Nên giữ nguyên trình tự xét hỏi như quy định hiện hành

Một phiên tòa xét xử lưu động vụ án hình sự (Ảnh: Xuân Thước)

Thực tiễn cho thấy, quy định hiện hành giao cho Chủ tọa phiên tòa hỏi ngay sau khi Kiểm sát viên đọc bản cáo trạng rồi đến các Hội thẩm, sau đó đến Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự đang phát huy tác dụng, tạo điều kiện cho Hội đồng xét xử chủ động thẩm tra, làm rõ các tình tiết của vụ án, bảo đảm việc xét xử vụ án được nhanh chóng, kịp thời. Vì vậy, đề nghị cơ bản giữ quy định về trình tự xét hỏi như hiện hành; đồng thời bổ sung quy định về trách nhiệm của Kiểm sát viên phải hỏi những vấn đề chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn liên quan đến cáo trạng.

Khắc phục tiêu cực từ giai đoạn điều tra

Dự thảo Bộ luật hiện hành quy định theo hướng mở rộng trường hợp bắt buộc phải mời người bào chữa cho bị can, bị cáo về tội mà BLHS quy định hình phạt tù chung thân, tử hình thay vì chỉ có tử hình như hiện hành (dự kiến, số luật sư chỉ định sẽ tăng gấp hai lần so với hiện nay) bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện của nước ta. Dự thảo cũng đã sửa đổi quy định về phạm vi người bào chữa, trong đó quy định người bào chữa có thể là “người đại diện theo pháp luật của người bị buộc tội”.

Phát biểu tại Quốc hội, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) băn khoăn: Mở rộng người đại diện hợp pháp, tức là chấp nhận người đại diện theo ủy quyền của bị can, bị cáo là người bào chữa, như vậy rất rộng. Bào chữa viên nhân dân, hiện nay không có quy định và phải xây dựng ngay từ đầu, chúng ta đã đưa vào không biết chừng nào mới có. Thực tế, những người không phải luật sư thì không có chuyên môn bào chữa, trong khi luật sư mất 4 năm đại học, 2 năm học nghề, tập sự và phải thi đậu thì mới được công nhận luật sư. Luật sư chịu sự quản lý của Nhà nước và Đoàn luật sư, nếu mở rộng quá thì có nhiều người bào chữa không có chuyên môn và khó kiểm soát hành vi bào chữa của họ, về trợ giúp pháp lý thì nên khuyến khích và nhân rộng.

Về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, có ý kiến đề nghị người bào chữa được gặp riêng và tư vấn riêng vì nghi can vẫn là người vô tội, không mất quyền được luật sư tư vấn pháp luật. Do đó, người bào chữa không chỉ gặp và hỏi mà còn được tư vấn. Nghĩa vụ của luật sư là cấm mớm cung, cấm xúi giục khai gian đã có quy định của Luật Luật sư, Luật Hình sự và Luật Tố tụng hình sự.

Thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng, dự thảo Bộ luật quy định người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, quy định như vậy sẽ tạo một khoảng trống và hạn chế rất nhiều vì tố tụng hình sự đã bắt đầu từ khi có tin báo tố giác, khi khởi tố vụ án. Trong hai giai đoạn này tuy chưa có bị can, chưa bị bắt hay tạm giữ nhưng những người dân, doanh nghiệp có liên quan lại bị hạn chế phiền hà không kém và làm ảnh hưởng đến cuộc sống. “Bị can bị mời thường xuyên bất cứ lúc nào và buộc phải khai báo rất nhiều thứ, thậm chí bị cấm xuất cảnh không những không có tờ giấy, quyết định, không biết lý do, không biết chừng nào kết thúc. Những hành vi hù dọa, mớm cung, bức cung, khai báo oan sai, tiêu cực, nhũng nhiễu diễn ra trong giai đoạn này”, ĐB Nghĩa nhấn mạnh.

Vì vậy, để khắc phục sự lạm quyền, tiêu cực trong giai đoạn này, ĐB Nghĩa  đề nghị bổ sung vào Điều 11 quy định "trong giai đoạn xử lý tin báo tố giác tội phạm và khởi tố vụ án, những người được yêu cầu làm việc với cơ quan tiến hành tố tụng được quyền có luật sư tư vấn và tham dự các buổi làm việc. Trường hợp đối với các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia chỉ được có người bào chữa từ khi kết thúc điều tra". 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo BLTTHS (sửa đổi): Nên giữ nguyên trình tự xét hỏi như quy định hiện hành