Dự thảo BLTTDS (sửa đổi) : Bổ sung thêm các nguyên tắc về chứng minh và chứng cứ

Trần Quang Huy| 17/04/2015 07:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

BLTTDS là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức.

Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết các tranh chấp tại Tòa án cho thấy một số quy định về thủ tục tố tụng được mô phỏng từ pháp luật nước ngoài khi áp dụng tại Việt Nam lại không phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của nước ta, trong đó có những quy định về nghĩa vụ chứng minh, thủ tục cung cấp, thu thập chứng cứ.

Để khắc phục những bất cập của BLTTDS hiện hành, Ban soạn thảo Dự án BLTTDS (sửa đổi) đã dành hẳn Chương VII (từ Điều 85 đến Điều 104) để quy định cụ thể, chi tiết về chứng minh và chứng cứ nhằm hoàn thiện thủ tục TTDS.

Cung cấp chứng cứ, chứng minh là nghĩa vụ của đương sự

Trong vụ việc dân sự, các đương sự phải cung cấp chứng cứ và chứng minh cho yêu cầu của mình là một trong những nguyên tắc xuất phát từ quyền tự định đoạt của đương sự đối với việc khởi kiện của mình. Nguyên tắc này thể hiện tính đặc thù, vì nếu như trong TTHS, khi có tội phạm xảy ra thì việc thu thập chứng cứ là thẩm quyền tố tụng của Cơ quan điều tra hoặc các cơ quan, đơn vị khác được giao tiến hành một số hoạt động điều tra. Còn trong TTDS, khi cần khởi kiện để giải quyết tranh chấp và khẳng định việc khởi kiện, phản tố việc kiện có căn cứ và đúng pháp luật thì các đương sự phải tự mình thu thập, cung cấp và chuyển giao chứng cứ, tài liệu này cho Toà án.

Việc cung cấp chứng cứ, chứng minh cho các yêu cầu của mình vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của đương sự. Đương sự có yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, phải đưa ra chứng cứ chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp. Ngược lại, nếu đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình cũng phải chứng minh sự phản đối đó là có căn cứ và phải đưa ra chứng cứ để chứng minh. Như vậy, người đưa ra yêu cầu phải có nghĩa vụ chứng minh trước, họ phải xuất trình các chứng cứ, đưa ra lý lẽ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ, đồng thời họ phải chỉ ra quy định của pháp luật cho phép chấp nhận yêu cầu của họ (tính hợp pháp của yêu cầu). Khi bên đưa ra yêu cầu đã chứng minh được tính có căn cứ và tính hợp pháp cho yêu cầu của mình thì bên phản đối yêu cầu phải đưa ra chứng cứ, lý lẽ để chứng minh sự phản đối đó là có căn cứ.

Dự thảo BLTTDS (sửa đổi): Bổ sung thêm các nguyên tắc về chứng minh và chứng cứ

TANDTC tổ chức tọa đàm góp ý kiến vào Dự thảo Bộ luật TTDS (sửa đổi)

Theo quy định của BLTTDS hiện hành thì nghĩa vụ chứng minh không chỉ đặt ra với bên khởi kiện mà đặt ra với cả bên bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi không đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn, quy định này thể hiện sự bình đẳng, ngang hàng về nghĩa vụ chứng minh. Không có đương sự nào được miễn trừ nghĩa vụ chứng minh, dù đương sự đó khởi kiện bảo vệ lợi ích của mình hay lợi ích chung hoặc yêu cầu Toà án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác cũng không được miễn trừ nghĩa vụ này. Do đó, nếu bên đương sự có nghĩa vụ đưa chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì phải chịu hậu quả của việc không chứng minh được hoặc chứng minh không đầy đủ. Hậu quả đó là, nếu họ là nguyên đơn sẽ bị bác yêu cầu, nếu là bị đơn sẽ bị xử thua kiện, sẽ phải chấp nhận các yêu cầu đã được chứng minh của nguyên đơn.

Pháp luật TTDS đặt ra nghĩa vụ chứng minh cho đương sự vì quan hệ dân sự là quan hệ riêng tư của các bên, do các bên tự quyết định, tự giải quyết là chủ yếu. Khi các bên không tự giải quyết được thì họ cũng có quyền tự quyết định có yêu cầu nhà nước can thiệp, hỗ trợ hay không. Mặt khác, các bên đương sự là những người hiểu rõ vụ việc của mình nhất, biết rõ tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc của mình có những gì và đang ở đâu. Do đó, khi các bên đã đưa việc tranh chấp của họ ra Toà án thì Toà án chỉ là trọng tài, giúp các bên giải quyết tranh chấp một cách khách quan và đúng pháp luật, chứ không thể làm thay, chứng minh thay cho đương sự. Trong một số vụ án, có đương sự không hiểu đây là nghĩa vụ chứng minh của mình cho nên không cung cấp chứng cứ cho Toà án, không hợp tác với Toà án khi Toà án thu thập chứng cứ; không cho Toà án xem xét đối tượng tranh chấp, không cho định giá tài sản, xem xét thẩm định tại chỗ đối với nhà đất; triệu tập đến để lấy lời khai nhưng không đến... Vì vậy, có những trường hợp Toà án phải căn cứ vào các chứng cứ bên kia cung cấp và các tài liệu đã thu thập được để giải quyết vụ án; nên khi bản án đã tuyên, các đương sự thường có khiếu nại gay gắt, thậm chí không ít vụ án dân sự  phải xử đi, xử lại nhiều lần.

Sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện thủ tục TTDS

Để khắc phục những bất cập của BLTTDS hiện hành, Ban soạn thảo Dự án BLTTDS (sửa đổi) đã dành hẳn Chương VII (từ Điều 85 đến Điều 104) để quy định cụ thể, chi tiết về chứng minh và chứng cứ trong vụ việc dân sự. Theo đó, Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về nghĩa vụ chứng minh của đương sự; quy định rõ hậu quả của việc đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì Tòa án giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được. Việc sửa đổi này căn cứ vào tổng kết thực tiễn thi hành BLTTDS hiện hành, vì thực tiễn xét xử cho thấy nhiều Tòa án phản ánh vướng mắc là theo quy định tại khoản 4 Điều 79 của BLTTDS năm 2004 sửa đổi năm 2011 quy định nghĩa vụ đưa ra chứng cứ chứng minh nếu không đưa ra chứng cứ chứng minh thì phải chịu hậu quả nhưng hậu quả như thế nào thì lại không quy định rõ ràng, cụ thể.

Dự thảo BLTTDS (sửa đổi) cũng bổ sung trách nhiệm thu thập chứng cứ của đương sự, Tòa án chỉ thực hiện việc thu thập chứng cứ trong trường hợp xét thấy cần thiết. Điều 6 BLTTDS hiện hành quy định “Các đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp”. Tuy nhiên, điều này chỉ quy định về quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ của đương sự mà chưa làm rõ trách nhiệm của đương sự trong việc thu thập những chứng cứ cần thiết để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Ngoài ra, Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về xem xét, thẩm định tại chỗ chứng cứ; trưng cầu giám định chứng cứ; ủy thác thu thập chứng cứ; nguồn chứng cứ; trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đang lưu giữ, quản lý chứng cứ trong việc cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án, Viện kiểm sát…

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng quy định chặt chẽ về nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh; thủ tục cung cấp chứng cứ, chứng minh, trách nhiệm thu thập chứng cứ… Khi đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Toà án thì họ phải sao gửi tài liệu, chứng cứ đó cho đương sự khác có liên quan; hoặc thông báo cho đương sự khác về việc họ đã giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Toà án khi các tài liệu, chứng cứ đó không thể sao gửi cho đương sự khác được. Thời gian giao nộp chứng cứ do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án ấn định nhưng không được vượt quá thời hạn ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm. Trường hợp sau khi có quyết định đưa vụ việc ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, đương sự mới cung cấp, giao nộp chứng cứ mà Tòa án đã yêu cầu giao nộp trước đó thì đương sự phải chứng minh lý do của việc chậm giao nộp chứng cứ đó. Đối với chứng cứ mà trước đó Tòa án không yêu cầu đương sự phải giao nộp hoặc chứng cứ mà đương sự không thể biêt được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm thì đương sự có quyền giao nộp, trình bày tại phiên toà sơ thẩm hoặc các giai đoạn tố tụng tiếp theo của việc giải quyết vụ việc dân sự.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo BLTTDS (sửa đổi) : Bổ sung thêm các nguyên tắc về chứng minh và chứng cứ