Mấy ngày nghỉ vừa qua, những biểu hiện nghiệp dư của công nghệ du lịch Việt lại bộc lộ rõ nét, chặt chém vô tội vạ, thiếu phòng nghỉ, sản phẩm du lịch không có gì mới, nhiều người đã mất những ngày nghỉ đúng nghĩa vì những phiền hà, bực bội...

Bài viết “Tại sao tôi không bao giờ trở lại Việt Nam” của Matt Kepnes, một blogger hoạt động khá tích cực trên các trang mạng xã hội, được website Huffington Post đăng lại hôm 30/1/2012, phần lớn kể về những kinh nghiệm không mấy vui vẻ, sau một tháng du lịch ở Việt Nam vào năm 2007. Du khách này than thở là thường gặp phải những phiền toái như bị người bán hàng rong quấy rối; hay phải trả gấp 2/3 lần giá thường; bị tài xế taxi lừa gạt tính tiền gấp bội đôi khi không được trả lại tiền thừa; tàu ở Hạ Long chật, phải ngủ chung và gặp một số người Việt thô lỗ.

Du lịch nghiệp dư

Bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hoá)

Dù không vui khi đọc những thông tin này nhưng quả thật chúng ta không bất ngờ. Ngay cả  người Việt Nam cũng không mặn mà với du lịch trong nước bởi chi phí quá cao, tour nội địa đắt hơn tour ngoại, trong khi đó giá tour và chất lượng gói dịch vụ du lịch của nhiều tour nước ngoài khá hấp dẫn và phong phú hơn nhiều. Cụ thể, giá tour nội địa đi miền Trung lên đến 5 - 6 triệu đồng/khách, đắt hơn đi Campuchia với giá chỉ từ 3,6 - 3,7 triệu đồng. Giá tour đi Hà Nội lắm lúc còn đắt hơn đi Singapore.

Trong mấy ngày nghỉ vừa qua, những biểu hiện nghiệp dư của công nghệ du lịch Việt lại bộc lộ rõ nét, chặt chém vô tội vạ, thiếu phòng nghỉ, sản phẩm du lịch không có gì mới, nhiều người đã mất những ngày nghỉ đúng nghĩa vì những phiền hà, bực bội do chuyến du lịch mang lại. Lướt qua một số tựa đề các bài báo, ta dễ dàng hình dung ra bức tranh du lịch Việt Nam hiện nay: “Du lịch 30-4: Suýt bị '“tẩn” vì dám kêu đắt!”; “Những du khách sập bẫy du lịch 30-4”; “Từ bún cháo "chửi" nghĩ đến văn hóa lạ lùng của Hà Nội”;  “Đi chơi lễ 30-4 và 1-5: “Chặt chém" từ nước uống đến phòng nghỉ”; “Cẩn thận khi đi du lịch trong các ngày nghỉ lễ”… Rõ ràng tâm trạng “Tôi chỉ không muốn đi đâu tôi cũng bị coi như một cái máy rút tiền ATM di động” không chỉ là của riêng Matt Kepnes.

Tuy nhiên, bên cạnh nỗi niềm của Matt Kepnes và dự báo “khoảng 95% những người đã từng đến du lịch Việt Nam nói họ sẽ không quay trở lại” thì cũng không ít du khách có những kỷ niệm đẹp trong những ngày du lịch tại Việt Nam. Vì vậy, lắng nghe những lời phàn nàn, chê trách của du khách trong và ngoài nước để khắc phục là một cách làm chuyên nghiệp, nhằm phát huy được thế mạnh của du lịch Việt Nam. Việt Nam, một đất nước có nhiều lợi thế như phong cảnh thiên nhiên đẹp, bờ biển dài, nhiều di tích và nền văn hóa phong phú mà du lịch không phát triển, không thu hút du khách như Thái Lan, Singapore lân cận là điều không thể chấp nhận được.

Bảo Thư

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch nghiệp dư