Từ ngày 25/11/2014, vùng dân tộc thiểu số sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu tiên để phát triển du lịch miền núi như hỗ trợ quảng bá, xúc tiến du lịch theo mô hình bền vững.
Đây là một cú hích và một cơ hội để du lịch miền núi có bước phát triển mới, phát huy được tiềm năng to lớn và đầy hấp lực.
Hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá
Theo Thông tư 12/2014/TT-BVHTTDL vừa được ban hành, vùng dân tộc thiểu số sẽ được ưu tiên hỗ trợ hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch các vùng dân tộc thiểu số; nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho các vùng dân tộc thiểu số; phát triển mô hình du lịch miền núi có sự tham gia của cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Cụ thể, chính sách sẽ hỗ trợ việc lựa chọn và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của các vùng dân tộc thiểu số có tiềm năng du lịch phát triển, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của vùng, khu vực, địa phương; ưu tiên xây dựng, phát triển loại hình du lịch dựa trên địa hình miền núi, có sự tham gia của cộng đồng các dân tộc thiểu số; hỗ trợ việc bảo vệ, gìn giữ môi trường tự nhiên, môi trường nhân văn tại nơi có các hoạt động du lịch; hỗ trợ công tác quảng bá, xúc tiến các điểm đến, các sản phẩm du lịch của vùng dân tộc thiểu số...
Hiện nay, thị trường du lịch mới lạ, những sản phẩm văn hóa, du lịch còn nguyên sơ, chưa có sự tham gia, tác động của bàn tay con người - đó là một thế mạnh của ngành du lịch Việt Nam, đặc biệt là du lịch miền núi trong cuộc cạnh tranh với các nước lân cận. Du khách nước ngoài thích đi du lịch tới những bản, làng xa xôi, nơi có đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống vì cảnh quan ở đây còn hoang sơ, những phong tục tập quán của đồng bào còn được lưu truyền, chưa bị mai một. Ở một số nơi như Sa Pa (Lào Cai), bản Lác, Giang Mỗ (Hoà Bình), khách du lịch nước ngoài thường thích đi bộ ngắm cảnh quan thiên nhiên ở những bản làng vùng sâu, vùng xa, sinh hoạt với người dân và khám phá cuộc sống của họ. Người dân có thể cung cấp những dịch vụ khác nhau như: phòng trọ, nấu ăn, dẫn đường, vác đồ, hướng dẫn thực hiện các công việc nhà nông, hoặc bán những sản phẩm lưu niệm như: thổ cẩm, đồ mây tre đan, các sản phẩm mỹ nghệ hoặc biểu diễn các loại hình văn hoá dân gian. Điều hấp dẫn du khách chính là vẻ đẹp nồng hậu, chân chất, giữ chữ tín của người dân ở các bản làng nơi đây.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch ra thị trường trong nước và quốc tế còn hạn hẹp. Ngoài phong cảnh thiên nhiên, con người và văn hóa thì sản phẩm du lịch nói chung còn nghèo nàn.
Tiến sĩ Dương Đình Hiển- Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam phân tích: “Du lịch miền núi có rất nhiều thế mạnh. Thứ nhất, chúng ta khai thác được các giá trị văn hóa bản địa. Thứ hai, góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống của cộng đồng và có ý nghĩa lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Nhưng để khuyến khích phát triển du lịch miền núi, trước hết, phải quan tâm đến lợi ích cộng đồng đầu tiên, từ đó mới phát huy giá trị của văn hóa bản địa để phục vụ du khách”.
Người dân cùng hưởng lợi từ du lịch
Theo Thông tư 12/2014/TT-BVHTTDL, vùng dân tộc thiểu số cũng sẽ được hỗ trợ phát triển du lịch theo mô hình bền vững, có trách nhiệm, bảo đảm cộng đồng vùng dân tộc thiểu số có quyền tham gia và hưởng lợi từ hoạt động du lịch. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại các bản, làng của đồng bào dân tộc thiểu số theo mô hình lưu trú tại nhà dân (homestay); xây dựng cơ chế thu hút đầu tư vào điểm du lịch và các bản, làng theo mô hình du lịch cộng đồng, ưu tiên dự án hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ; ưu tiên tổ chức các sự kiện du lịch tại vùng dân tộc thiểu số...
Ngoài ra, vùng dân tộc thiểu số còn được ưu tiên hỗ trợ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn phát triển nguồn nhân lực du lịch tại khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi có tiềm năng phát triển du lịch theo hướng bảo đảm về số lượng, chất lượng và cơ cấu nhân lực du lịch, sử dụng hiệu quả và có đãi ngộ thỏa đáng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch tại vùng dân tộc thiểu số có du lịch phát triển hoặc có tiềm năng phát triển; ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi cho con em các dân tộc thiểu số được đào tạo đồng bộ về cơ cấu ngành nghề du lịch với các trình độ từ sơ cấp nghề đến đại học và sau đại học; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, sử dụng nhân lực du lịch là dân tộc thiểu số...
Con người và phong cảnh miền núi luôn thu hút sự quan tâm của du khách - Ảnh Bảo Thư
Một vấn đề không kém phần quan trọng đó là giữ gìn vốn văn hóa bản địa để thu hút khách du lịch. TS Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai từng nói: “Du khách đến với chúng ta vì vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa tiềm ẩn, chính vì thế, vẻ đẹp thiên nhiên hoặc vẻ đẹp văn hóa mà bị suy giảm thì khó thu hút được họ. Ở một số điểm du lịch miền núi của nước ta như Sa Pa đã bị tác động mạnh bởi kinh tế thị trường, nếu người dân không giữ được nếp sống văn hóa, xuất hiện tệ nạn chèo kéo du khách thì sẽ giảm lượng du khách trong nay mai”.
Việc người dân tự ý thức được nguồn lợi kinh tế từ du lịch giúp họ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình và giữ chữ tín với du khách. Do vậy, phải tuyên truyền để họ giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá bản địa của mình. Đồng thời, khuyến khích nhân dân củng cố, sưu tầm và phát triển rộng hơn nền nghệ thuật dân ca, dân vũ của mình để phục vụ khách du lịch.
***
Một nhà quản lý cho rằng, để làm du lịch miền núi có hiệu quả, cần phải hỗ trợ cộng đồng về vốn, về kỹ năng nghề nghiệp du lịch và có hành lang pháp lý rõ ràng đối với hoạt động du lịch, với khách du lịch... Chính vì vậy, để phát triển du lịch miền núi, điều mà ngành Du lịch Việt Nam cần hướng tới là bảo tồn nền văn hoá bản địa, kết hợp giữa Nhà nước, nhân dân và các nhà kinh doanh du lịch, tổ chức đầu tư phát triển sản phẩm; quản lý khai thác và quảng bá, xúc tiến sản phẩm. Kinh nghiệm cũng cho thấy, để có sản phẩm du lịch đa dạng, cần phải có sự liên kết giữa các địa phương. Các địa phương cần khai thác các thế mạnh khác nhau, các nguồn tài nguyên khác nhau để xây dựng các chương trình du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách.