Du lịch ảo, trải nghiệm thật: Nội lực của ngành du lịch trong bão Covid-19

Kim Truyền| 14/07/2021 13:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đại dịch Covid-19 gây thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch trên toàn cầu, thậm chí “đóng băng” ngành du lịch thế giới và du lịch Việt Nam cũng không ngoại lệ. Song, cũng chính sự đóng băng của du lịch truyền thống đã mở ra cơ hội để du lịch số phát triển, trong đó hình thức du lịch ảo được xem là xu hướng đầy tiềm năng để thúc đẩy sự phát triển cho ngành du lịch.

Cái khó ló cái khôn

Trước năm 2019, du lịch Việt Nam đã được thế giới đánh giá cao và được Tổ chức Du lịch thế giới (UNTWO) xếp hạng thứ 6 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Tính chung trong giai đoạn 2015-2019, ngành du lịch đạt tốc độ tăng trưởng cao 22,7%, đóng góp trên 9,2% vào GDP cả nước; tạo ra 2,9 triệu việc làm, trong đó có 927 nghìn việc làm trực tiếp.

Việc bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 trong những năm 2020 và 2021, ngành du lịch thế giới nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng đã bị “đóng băng”. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2020, do việc đóng cửa biên giới để ngăn chặn Covid-19, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 79,5% so với 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%; tổng thu du lịch đạt 312 nghìn tỷ đồng, giảm 58,7% - mức giảm tương đương 19 tỷ USD. Khoảng 40-60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công. Khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động. Nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%. Khó khăn trong ngành du lịch là điều hiển nhiên mà ai cũng nhìn thấy, nhưng bằng sự nỗ lực chủ động thích ứng và quyết tâm khôi phục hoạt động trong tình hình mới, ngành du lịch đã có bước chuyển mình mạnh mẽ để thu hút khách hàng.

anh1.jpg

Trải nghiệm du lịch ảo bằng kính thực tế ảo

Trong bối cảnh du lịch quốc tế chưa thể mở cửa vì dịch bệnh, ngành du lịch buộc phải tập trung khai thác du lịch nội địa. Đẩy nhanh chuyển đổi số để tăng khả năng tiếp cận, tương tác và bảo đảm an toàn cho du khách trong tình hình dịch bệnh đang được các doanh nghiệp lữ hành chú trọng, đẩy mạnh. Bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ với các ban ngành khác để kiểm soát dịch bệnh Covid, ngành du lịch cũng quyết tâm thực hiện mục tiêu kép để phục hồi kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.

Cụ thể, ngành đã xác định cơ cấu lại thị trường du lịch, lấy du lịch nội địa làm mũi nhọn, nhanh chóng triển khai các chương trình kích cầu du lịch nội địa gồm: “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” đã được đẩy mạnh triển khai. Các chương trình kích cầu nội địa không chỉ nhắm tới đối tượng là người Việt Nam mà cả những người nước ngoài đang sinh sống lâu dài tại Việt Nam đã thu hút được sự hưởng ứng của các công ty lữ hành, doanh nghiệp hoạt động du lịch và cả của các địa phương trên cả nước.

Nhưng diễn biến Covid-19 đang diễn ra thật sự phức tạp, nhiều địa phương có lúc phải thực hiện việc giãn cách xã hội để đảm bảo sự an toàn chung, hướng đến việc ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh. Một lần nữa, du lịch nội địa cũng chỉ là biện pháp cứu cánh nhất thời nhằm đảm bảo tính duy trì của ngành du lịch. Chưa bao giờ có tiền lệ ảnh hưởng nặng nề như vậy đối với ngành, việc tìm ra một hướng đi mới tiềm năng để hướng tới phục hồi và phát triển ngành du lịch đúng là một bài toán nan giải.

Khó khăn lại là tiền đề để tạo ra “cú huých” mạnh mẽ để các doanh nghiệp trong ngành du lịch phải nhanh chóng triển khai chuyển đổi số nhằm tiếp cận nhiều khách hàng hơn, chăm sóc khách hàng tốt hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh. Trong đó, hình thức du lịch ảo được xem là xu hướng đầy tiềm năng, là nội lực mới để thúc đẩy sự phát triển cho ngành du lịch.

Du lịch ảo, trải nghiệm thật

Nắm bắt được xu hướng, ngành du lịch đã tăng cường ứng dụng công nghệ để thay đổi cách thức hoạt động và phát triển sản phẩm mới. Các công ty du lịch lớn, nhỏ đều áp dụng thực hiện việc chuyển đổi số trong công tác quản lý, xây dựng sản phẩm, quảng bá tour, giao dịch với khách hàng thông qua các ứng dụng. Các điểm đến du lịch trên khắp đất nước cũng ứng dụng công nghệ để xây dựng sản phẩm du lịch thông minh, quảng bá du lịch. Có thể kể đến Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò, Làng gốm sứ Bát Tràng, Dinh Độc Lập, Bưu điện TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, Hang Múa, vườn chim Thung Nham ... đã ứng dụng thành công hệ thống thuyết minh tự động, ra mắt trang web tra cứu thông tin điểm đến, triển khai tour thực tế ảo.

anh2.jpg
Hoàng Thành Thăng Long

Bên cạnh việc triển khai các hoạt động trực tuyến, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch quốc gia, kết nối liên thông với các Bộ, ngành liên quan và từ Trung ương đến địa phương. Thì thời gian qua ngành du lịch đã dành sự nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ cho du lịch ảo. Theo đó, du khách sẽ được tiếp đón với đồ ăn, nước uống và thông qua kính thực tế ảo, họ được đặt chân tới những thành phố du lịch tuyệt vời … tận hưởng một chuyến du lịch sống động.

Du khách được tự do trải nghiệm những hình ảnh chân thực, cảm giác sống động y như thật của điểm đến đã được số hóa trên môi trường 3D mà không phải di chuyển, thông qua sự trợ giúp của công nghệ, đặc biệt là công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality-VR) với những công cụ hỗ trợ như điện thoại thông minh, máy tính, kính thực tế ảo, tai nghe, ghế tạo hiệu ứng… với những hình ảnh đẹp mắt, kết hợp tính an toàn cao là những ưu điểm vượt trội mở đường cho du lịch ảo phát triển.

Việc số hóa trong ngành du lịch là việc làm cần thiết với xu hướng thời đại 4.0, mà có nhiều ứng dụng không chỉ mang tính du lịch như: Việc số hóa các cổ vật, hiện vật, di tích, bảo tàng nhằm lưu trữ bản gốc, tái bản sẽ nhanh chóng và chính xác. Hay sách Tô màu 4D thực tế ảo là sản phẩm mang tính giáo dục công nghệ cao, giúp trẻ em học tập và trải nghiệm thực tế ảo. Ngoài ra còn rất nhiều ứng dụng khác như trong game thực tế ảo, thăm quan nhà với nội thất đầy đủ bên trong…

Tuy nhiên, dù hấp dẫn đến dâu thì du lịch ảo cũng không thể thay thế được du lịch thực tế. Bởi du lịch thực tế là sự trải nghiệm văn hóa trong quá trình khám phá trực tiếp những địa danh, con người cụ thể không thể có từ những mô hình mô phỏng, còn là những kỉ niệm gắn với vui buồn của tập thể, cá nhân khi trực tiếp du lịch thật… Du lịch ảo là xu hướng của thời đại, nhưng trước sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chúng ta cần phải chung sức, đồng lòng để đẩy lùi dịch bệnh. Chắc chắn rằng một ngày nào đó, chúng ta sẽ cùng được tận hưởng những chuyến du lịch thật với du lịch ảo cùng một địa danh để thấy sự khác biệt và tinh tế của các hình thức du lịch.


(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch ảo, trải nghiệm thật: Nội lực của ngành du lịch trong bão Covid-19