Môi trường

Dự kiến kiểm soát khí thải xe máy và ô tô tại TP.HCM sau năm 2025

Minh Đức 05/06/2024 - 16:01

Sở GTVT TP.HCM đề xuất 2 giai đoạn chọn xe buýt thí điểm kiểm soát khí thải từ năm 2025, sau đó áp dụng đại trà đối với các phương tiện còn lại.

Mới đây, Sở GTVT TP.HCM vừa báo cáo UBND TP.HCM về tổ chức xây dựng đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố.

xe-ca-nhan-tphcm-01.jpg
Phương tiện cá nhân tại TP.HCM tăng lên hơn 9,2 triệu chiếc. (Ảnh: M.Q)

Theo đó, Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sác đặc thù phát triển TP.HCM cho phép HĐND TP.HCM được ban hành các chính sách như khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi đối với các cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch.

Đồng thời HĐND TP.HCM ban hành lộ trình thực hiện, thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông mới sử dụng năng lượng sạch; đầu tư phát triển phương tiện giao thông công cộng kết hợp lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để hạn chế ùn tắc giao thông.

Do đó, Sở GTVT TP.HCM đề xuất UBND TP.HCM giao Sở này tổ chức triển khai xây dựng đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông, thực hiện theo 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 xây dựng và tham mưu UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM ban hành chính sách chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng xanh để áp dụng từ năm 2025. Thời gian hoàn thành trong tháng 10/2024.

Giai đoạn 2 xây dựng đề án và tham mưu UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM ban hành chính sách giảm khí thải các phương tiện giao thông đường bộ còn lại. Thời gian hoàn thành trong quý II/2025.

Ở giai đoạn này, Sở GTVT TP.HCM sẽ thuê tư vấn xây dựng đề án, bao gồm các loại phương tiện giao thông đường bộ; các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, ưu đãi và lộ trình thực hiện chuyển đổi, các giải pháp triển khai thực hiện có phân vùng kiểm soát khí thải. Đề án sẽ lấy ý kiến các sở ngành, các cơ quan trung ương, chuyên gia và tổ chức phản biện, đánh giá tác động.

Trước đó, tháng 7/2023, UBND TP.HCM đã giao Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM chủ trì tham mưu, xây dựng đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông, làm cơ sở trình HĐND TP.HCM.

Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM chưa xây dựng đề án mà mới xây dựng chuyên đề giải pháp phát triển giao thông xanh trên địa bàn huyện Cần Giờ.

Qua rà soát chuyên đề này, Sở GTVT TP.HCM nhận thấy kết quả nghiên cứu chưa đủ cơ sở báo cáo UBND TPHCM trình HĐND TP.HCM ban hành chính sách chuyển đổi xe điện trên địa bàn huyện Cần Giờ.

Theo đó, báo cáo nghiên cứu chưa đủ luận cứ thuyết phục chọn huyện Cần Giờ thí điểm chuyển đổi xe điện bởi các khu vực trung tâm TP.HCM, sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái được đánh giá có mức độ phát thải CO2 cao hơn.

Kinh nghiệm tại các quốc gia có nền công nghiệp phát triển phương tiện xe điện như Thụy Điển, Đức, Anh, Trung Quốc đều chọn triển khai phân vùng kiểm soát khí thải phương tiện giao thông ở vùng lõi (ở một khu vực nhỏ) để lan tỏa ra các khu vực xung quanh. Đồng thời, loại hình được chọn chuyển đổi đầu tiên là xe công cộng, còn xe cá nhân sẽ triển khai sau cùng.

Ngoài ra, báo cáo cũng chưa đánh giá công tác tổ chức và kết nối giao thông khi triển khai thực hiện. Chưa đánh giá về hệ thống hạ tầng cho xe điện, trạm sạc, nguồn điện, nguồn nhân lực sửa chữa xe điện,…

Theo thống kê đến cuối năm 2023, TP.HCM quản lý hơn 9,2 triệu phương tiện, trong đó hơn 940.000 ôtô, gần 8,3 triệu xe máy (so với cùng kỳ năm 2022, lượng phương tiện tại thành phố tăng 4,64%).

Tại Hội thảo khoa học Tính toán phát thải và xây dựng bản đồ phát thải khí thải do Viện MT&TN (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức ngày 3/12/2021, nhiều chuyên gia đã chia sẻ, thảo luận những vấn đề liên quan đến kiểm kê khí thải, nghiên cứu tính toán phát thải và xây dựng bản đồ phát thải các chất gây ô nhiễm ở một số địa phương.

GS-TS Lê Thanh Hải cho biết, Bộ TN&MT đã phê duyệt thực hiện đề tài khoa học và công nghệ về “Nghiên cứu xây dựng bản đồ phát thải các chất gây ô nhiễm không khí, phục vụ dự báo và kiểm soát ô nhiễm không khí vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ”.

Dự án trên do Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ TN&MT quản lý; Viện MT&TN là đơn vị chủ trì thực hiện với sự phối hợp của ĐH Bách khoa Hà Nội, Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu.

Mục tiêu của đề tài là thống kê được các nguồn có tiềm năng phát thải cao đối với các chất gây ô nhiễm như SO2, CO, NOx, PM10, PM2,5. Đồng thời, dự án cũng xây dựng bản đồ phân bố phát thải các chất ô nhiễm không khí theo không gian.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự kiến kiểm soát khí thải xe máy và ô tô tại TP.HCM sau năm 2025