Dù ở xa quê hương, nhưng các du học sinh Việt Nam vẫn hướng về ngày Tết truyền thống của dân tộc. Tết Nguyên đán Kỷ Hợi vào thứ 3, không được nghỉ nhưng các du học sinh vẫn tranh thủ chuẩn bị một cái Tết đầm ấm và rất Việt Nam.
Không thể nằm ngoài không khí đón năm mới rộn ràng của cả dân tộc, du học sinh Việt khắp năm châu cũng đã quây quần bên nhau, cùng nhau tổ chức những bữa tiệc giao thừa ấm cúng để phần nào với đi nỗi nhớ quê hương, nhớ gia đình ở Việt Nam.
Tết Nguyên đán Kỷ Hợi là năm thứ 3 Phạm Thị Thanh Mai, sinh viên Đại học Quốc gia Changwon (Hàn Quốc) không được đón Tết cùng gia đình. Hàn Quốc cũng đón Tết Nguyên đán nhưng cả nước chỉ được nghỉ 4 ngày. Với du học sinh như Mai, 4 ngày đó "vừa lạnh vừa buồn", không khác gì đêm đông Hà Nội.
“Ở Việt Nam, 30 Tết là mọi người xúng xính váy áo đi chơi Tết, nhưng ở đây sáng 30 vẫn làm việc bình thường”, Mai nói và cho biết sáng mùng 1 muốn đi chùa, nhưng chùa còn đóng cửa.
Cùng cảnh xa quê, những sinh viên Việt Nam ở trường Changwon tụ tập làm bữa tất niên, trò chuyện cuối năm, canh thời khắc giao thừa. Ăn xong bữa tất niên, hội du học sinh rủ nhau ra đường đốt pháo bông rồi tự chúc nhau. "Đêm 30 ở xứ sở kim chi, ngoài đường không một bóng người. Chắc chỉ có sinh viên Việt Nam ra đường chơi với nhau cho vơi nỗi nhớ nhà”, Mai chia sẻ.
Nhóm du học sinh Việt đã gặp mặt, cùng ăn tất niên, dành cho nhau những lời chúc năm mới, mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến với họ trong thời gian sống ở Hàn Quốc
Thúy Hằng (Elizabeth college, du học sinh Mỹ) đã có đến hơn 3 năm “kinh nghiệm” có lẻ cho việc đón Tết một mình. Cô bạn sang Mỹ du học từ cấp 3 và đã phần nào học cách làm quen với cuộc sống tự lập xa nhà.
“Mới đầu mình cũng bỡ ngỡ nhưng dần dần đã học cách tự tìm niềm vui cho mình. Mình chơi thân với một nhóm bạn Việt Nam và bọn mình cùng tổ chức đón Tết từ tết dương bởi lúc đó mọi người được nghỉ nhiều và không khí tết bên này cũng náo nhiệt. Mọi người phân công nhau mua sắm đồ làm tiệc tất niên nhẹ và sắm sửa quần áo, làm tóc cho nhau. Bận rộn là cách hay nhất khiến mình vơi đi nỗi nhớ nhà”, Hằng nói.
Vũ Thị Diệu Thúy là một du học sinh Trung Quốc chuyên ngành Văn hóa, nhớ lần đầu tiên ăn Tết xa quê hương, Thúy cảm thấy cho dù mọi thứ có đủ đầy, có sung túc nhưng vẫn rất thiếu cảm giác thân thuộc của Việt Nam: “Bên này, bạn bè người Việt vẫn tụ tập, quây quần ăn với nhau bữa cơm sum họp như ở quê. Chỉ khác, đó là khoảnh khắc không ai nhìn vào mâm cơm, mỗi người quay đi một góc gọi điện về cho gia đình, là những giọt nước mắt rơi vì nhớ nhà. Chúng tôi chỉ chuẩn bị một mâm cơm tươm tất, chu toàn cho ngày Tết để chụp gửi cho bố mẹ ở nhà”.
Du học sinh Việt cùng nhau gói bánh chưng đón Tết xa nhà
Hòa trong không khí đón Xuân Kỷ Hợi 2019, cộng đồng sinh viên, thanh niên Việt Nam tại thủ đô Canberra (Australia) đã cùng nhau tổ chức Chương trình “Canberra: Tết không xa đâu!” kéo dài từ 28 âm lịch đến hết Tết Nguyên đán.
Anh Hà Ngọc Minh Quân - Chủ tịch ACT-VYSA cho biết, Ban chấp hành Hội đã họp, lên kế hoạch tổ chức chương trình một cách chi tiết từ trước Tết hai tuần với mong muốn tổ chức một cái Tết xa nhà thật ấm cúng, đủ đầy, tươi vui.
Xuyên suốt chương trình là những hoạt động ấn tượng. Đến với “Tết Show 2019 ” các bạn sinh viên được tham gia vào nhiều hoạt động như: gói bánh chưng, bánh tét, sinh viên mới sang nhập học giới thiệu và làm quen với mọi người, các tiết mục văn nghệ do các bạn sinh viên trình diễn, thưởng thức các đồ ăn đúng hương vị Tết…
Chương trình đón Tết của Hội sinh viên Việt Nam tại Đại học Tây Anh Quốc (UWE Viet) là sự kiện văn hóa thường niên với tên gọi Tết Show
Và dự kiến sẽ kéo dài đến hết Tết nguyên đán.