Do quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ vẫn chưa gỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng thông thường; Thái Lan, quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai cũng cho biết sẽ cắt giảm lượng gạo xuất khẩu nhằm để đảm bảo an ninh lương thực trong nước, do đó nguồn cung gạo thương mại dự báo sẽ giảm mạnh trong năm 2024 này.
“Cung” giảm nhưng “cầu” tăng
Hàng năm Ấn Độ cung cấp trên 20 triệu tấn gạo cho thị trường, tuy nhiên, kể từ tháng 7/2023 đến nay, quốc gia này đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng, làm cho thi trường gạo thiếu hụt nguồn cung rất lớn.
Thị trường gạo Thái Lan cũng khá yên ắng nhưng giá chào bán duy trì ở mức cao. Theo số liệu của Bộ Thương mại Thái Lan, năm 2023, quốc gia này đã xuất khẩu 8,76 triệu tấn gạo các loại, tăng 13,7% so với năm 2022.
“Trước diễn biến của hiện tượng thời tiết nắng nóng El Nino ảnh hưởng đến sản xuất, giảm khoảng 6% sản lượng gạo. Do đó, năm 2024, Thái Lan đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 7,5 triệu tấn gạo, giảm 14,4% so với năm 2023”, Bộ Thương mại Thái Lan đưa ra dự báo.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 có khả năng đạt gần 518 triệu tấn, trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn. Như vậy, dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2024. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.
Giá lúa gạo trong nước giảm có đáng lo?
Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), chỉ trong ngày 20/2, giá gạo trắng 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đã giảm đến 10 USD/tấn so với ngày trước đó. Gạo 25% tấm xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm 8 USD/tấn; gạo 100% tấm giảm đến 25 USD/tấn.
Trong xu hướng chung, gạo Thái Lan, Pakistan cũng điều chỉnh giá bán giảm mạnh trong ngày 20/2.
Giá gạo xuất khẩu giảm đã kéo theo giá lúa, gạo nguyên liệu cũng giảm theo. Giá lúa tươi được doanh nghiệp và thương lái mua ngoài đồng hiện nay với giá khoảng 8.000 - 8.700 đồng/kg, lúa thường tại kho giá dưới 10.000 đồng/kg, giảm khoảng 1.000 đồng so với tuần trước đó và giảm khoảng 2.000 đồng so với thời điểm trước Tết Nguyên đán.
Giá gạo lức loại 1 được giao dịch với mức giá dưới 13.000 đồng/kg; gạo trắng xay xát giá quanh mức 15.000 đồng/kg, giảm khoảng 1.000 đồng/kg so với ít ngày trước đó.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, hiện nay nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang bắt tay thu hoạch rộ vụ lúa Đông xuân 2023 – 2024 với diện tích hơn 1,4 triệu ha, sản lượng dự kiến khoảng hơn 10 triệu tấn. Với việc đồng loạt thu hoạch vụ lúa Đông xuân, sản lượng tăng cao trong khi đơn hàng xuất khẩu ký kết chưa nhiều nên giá lúa, gạo trong những ngày qua sụt giảm là điều khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, theo nhận định của VFA, vụ lúa Đông Xuân có chất lượng gạo tốt nhất trong năm nên thường được doanh nghiệp mua dự trữ chế biến, đáp ứng cho các đơn hàng giao từ nay đến giữa năm.
Mặt khác, do trình độ sản xuất lúa gạo được nâng lên, chất lượng gạo Việt Nam đã được cải thiện, đã thiết lập được mặt bằng giá mới nên giá gạo trong mấy ngày gần đây có sụt giảm nhưng đó là theo quy luật thị trường không đáng lo ngại.
Theo ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, doanh nghiệp vừa ký được đơn hàng xuất khẩu gạo với giá 785 - 860 USD/tấn. Điều đó cho thấy khách hàng vẫn sẵn sàng chi trả giá cao để mua nếu hạt gạo đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Nhận định về thị trường xuất khẩu gạo năm 2024, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phước Thành IV cho rằng, diễn biến của hiện tượng thời tiết nắng nóng El Nino làm cho sản lượng lương thực ở nhiều quốc gia bị sụt giảm. Trong bối cảnh chung đó nếu Việt Nam vẫn đảm bảo giữ vững được sản lượng lương thực thì sẽ có nhiều cơ hội chiếm lĩnh thị trường.
“Ngay từ đầu năm, nhu cầu nhập khẩu gạo ở Trung Quốc, Indonesia và các quốc gia Trung Đông dự báo tăng, đây là tín hiệu khởi sắc đối với thị trường xuất khẩu gạo trong năm 2024 này”, ông Thành nhận định.
Năm 2024, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu gieo trồng 7,1 triệu ha lúa, với sản lượng trên 43 triệu tấn; đảm bảo mục tiêu xuất khẩu từ 8 triệu tấn gạo trở lên.