Dự án tỉ đô trên sông Hồng: Đáng lo?

Huy Hùng| 07/05/2016 07:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mặc dù chỉ là ý tưởng nhưng dự án đang gặp nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận về tính khả thi, hiệu quả kinh tế, tác động môi trường...thậm chí một vấn đề rất nhạy cảm là an ninh-quốc phòng.

Siêu công trình thuỷ điện, giao thông giá tỉ đô

Thông tin về siêu dự án 1,1 tỉ USD (tương đương 24,5 ngàn tỉ đồng) đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội, là sự kiện “nóng” được nhiều chuyên gia, nhà quản lý thảo luận những ngày gần đây.

Cụ thể, Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức hợp đồng BOO (Xây dựng - Sở hữu - Vận hành), chủ đầu tư là Công ty TNHH Xuân Thiện (Ninh Bình), có vốn pháp định trong đăng ký kinh doanh là 1.200 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án, theo hồ sơ của chủ đầu tư, là cải tạo, nâng cấp tuyến vận tải đường thủy xuyên Á trên tuyến sông Hồng, kết nối đồng bộ với tuyến vận tải thủy Hải Phòng - Việt Trì, tuyến Hà Nội - Lạch Giang (đã và đang đầu tư theo dự án WB 6 của Bộ GTVT)

Dự án sẽ xây dựng 6 đập dâng nước và âu tầu, nạo vét luồng trên toàn tuyến đường thủy nội địa đoạn Việt Trì - Lào Cai (chiều dài 288 km); kết hợp xây dựng 6 nhà máy thủy điện nhỏ kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp với tổng công suất thiết kế khoảng 228 MW, cung cấp điện lượng hàng năm khoảng 912 triệu kWh/năm. Bên cạnh đó, xây dựng thêm 7 cảng dọc tuyến, bao gồm Cảng Phố Mới, Apatit, Quý Xa (Lào Cai), cảng Văn Phú (Yên Bái), cảng Ngọc Tháp, Cổ Tiết (Phú Thọ), cảng phía Bắc (Hà Nội).

Về địa điểm đầu tư, tuyến công trình giao thông thủy kết hợp xây dựng thủy điện sẽ thuộc địa bàn các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai và Hà Nội.

Dự án tỉ đô trên sông Hồng: Đáng lo?

Công ty TNHH Xuân Thiện đề xuất xây 6 công trình thủy điện trên sông Hồng (ảnh minh hoạ)

Về nhu cầu sử dụng đất và tài nguyên, Dự án sử dụng đất xây dựng các công trình đường thủy, công trình cảng thủy nội địa, công trình thủy điện, công trình phụ trợ phục vụ quản lý khai thác. Bên cạnh đó, Dự án sử dụng nguồn nước mặt sông Hồng để điều tiết phục vụ giao thông thủy kết hợp chạy máy phát điện.

Về tiến độ, Dự án dự kiến được thực hiện trong 6 năm (2016 - 2021), chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (3 năm): Xây dựng đợt 1 các công trình nạo vét chỉnh trị sông giai đoạn 1 - thuộc tiểu dự án 1 (đoạn Việt Trì - Yên Bái). Xây dựng các công trình đầu mối Yên Bái, Lâm Giang I, Lâm Giang II; nâng cấp báo hiệu đường thủy, xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết bị quản lý; xây dựng hệ thống cảng.

Để Dự án thành công, Cty Xuân Thiện xin Chính phủ cho hưởng hàng loạt ưu đãi, chính sách đặc thù. Cụ thể, cho phép được tổ chức nạo vét luồng tàu kết hợp tận thu sản phẩm. Cho áp dụng giá bán điện đặc thù với các nhà máy phát điện trong dự án, có lộ trình tăng giá bán điện để hỗ trợ bù giá thu phí vận tải thủy, chi phí quản lý, duy tu bảo dưỡng công trình. Theo đó, mức giá bán điện 5 năm đầu là 1.900 đồng/kWh; 5 năm tiếp theo là 2.380 đồng/kWh; các năm tiếp theo tối thiểu là 2.970 đến 3.560 đồng/kWh và theo quy định của ngành điện.

Đồng thời, đơn vị đề xuất dự án cũng đề nghị được miễn 4 loại thuế gồm: Thuế sử dụng đất, thuế tài nguyên nước, thuế dịch vụ môi trường rừng, thuế thu nhập doanh nghiệp đến thời điểm hoàn vốn. Ngoài ra, việc thu phí với phương tiện được thay đổi 3 năm/lần. Mức phí tàu thuyền dự kiến từ 10 - 15 nghìn đồng/tấn đoạn Việt Trì - Yên Bái, và 40 - 45 nghìn đồng/tấn đoạn Yên Bái - Lào Cai.

Theo tính toán của đơn vị đề xuất, các lợi ích của dự án ước tính khoảng 2.700 tỷ đồng/năm, gồm: Tiết kiệm chi phí vận tải hàng hóa đường bộ (khoảng 600-750 tỷ đồng/năm); góp phần tăng GDP các tỉnh trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của dự án (khoảng 5% GDP, tương đương 2.100 tỷ đồng/năm).

Còn nhiều điều đáng lo?

Theo kế hoạch đề xuất của Công ty Xuân Thiện, Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng sẽ xây dựng tối thiểu 3 và tối đa 6 công trình thủy điện dọc theo chiều dài đoạn sông Yên Bái - Lào Cai. Đồng thời, dự án sẽ tạo ra tuyến vận tải đường thủy thông suốt quanh năm từ Hải Phòng, Nam Định tới Lào Cai và thông thương với Trung Quốc.

Trước thông tin Dự án giao thông đường thuỷ này sẽ kết nối thủy lộ với Trung Quốc, một số chuyên gia cho rằng đây là dự án nhạy cảm về mặt an ninh-quốc phòng. Và khi dự án hoàn thành sẽ mở ra một “cửa ngõ“ thông ra biển với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, một tỉnh lớn miền núi của nước láng giềng vốn rất khó khăn về đường ra biển.

Dự án tỉ đô trên sông Hồng: Đáng lo?

Dự án này chưa làm rõ được các lợi ích về kinh tế - xã hội, trong khi rất nhiều nhà khoa học đang cảnh báo tác động tiêu cực về môi trường đối với sông Hồng

Chưa nói đến những lợi ích sẽ được tạo ra từ dự án này nhưng vấn đề tác động tới tự nhiên, tới sinh thái của sông Hồng là chắc chắn xảy ra. Nhiều câu hỏi về dự án này sẽ tác động ra sao đối với mức độ ngập lụt thượng lưu, khả năng thoát lũ, sạt lở, an toàn đê điều...đều chưa được trả lời.

Ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Vụ Giám sát thẩm định đầu tư (Bộ KH-ĐT) tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ đã khẳng định dự án này chắc chắn có những ảnh hưởng đến môi trường. Thế nhưng ảnh hưởng như thế nào thì cần phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường chi tiết trình Bộ TN-MT và các Bộ, ngành liên quan thẩm định mới biết được.

Ông Tự cho biết, đây là dự án mới ở bước rất sơ khai, ý tưởng đề xuất ban đầu, và bước đầu dự án đã nhận được các ý kiến có sự đồng thuận khá cao của các Bộ ngành và các địa phương. Tuy nhiên sự đồng thuận ở đây mới chỉ ở bước báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho chủ đầu tư nghiên cứu tiếp dự án, còn nếu muốn đầu tư được thì dự án này ít nhất phải qua hai bước nữa.

"Cần tính rất kỹ vấn đề thủy văn, thủy lợi, vấn đề xói lở hai bờ sông ra sao, xây dựng những đập dâng nước ở vị trí nào, địa chất ra sao, vấn đề mua bán điện thế nào… tất cả những vấn đề đó còn bỏ ngỏ. Tất cả những vấn đề như vậy hiện nay dự án mới đề xuất ý tưởng ban đầu", ông Nguyễn Xuân Tự nhấn mạnh.

Trái với những sự đồng thuận bước đầu của các bộ, ban, ngành, các chuyên gia thủy lợi đầu ngành của Việt Nam lại bày tỏ thái độ thận trọng đối với dự án này, thậm chí kiến nghị không nên “động” vào sông Hồng.

GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam bày tỏ: “Tôi cho rằng nếu động vào sông Hồng thì nhiều vấn đề quan trọng chưa chắc các nhà khoa học đã tính được. Hiện, lòng sông Hồng đã tụt xuống 1m so với trước đây. Nếu chúng ta làm tiếp mấy cái đập nữa, lòng sông sẽ tụt xuống bao nhiêu? Khi lòng sông tụt xuống, hai bên bờ bị phá, cửa sông bị phá, nước biển xâm lấn vào thì cả vùng Đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Nam Định sẽ bị xâm nhập mặn tác động, hậu quả là khôn lường”.

Đặc biệt, theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, không thể lường được dòng sông Hồng sẽ bị phá như thế nào ở hạ du nếu xây dựng 6 đập dâng như dự án của Công ty Xuân Thiện. Nếu làm đập ở thượng nguồn thì chắc chắn ở hạ nguồn, tức là từ Hà Nội trở xuống, sẽ bị phá hai bên bờ. Hà Nội sẽ đối mặt với nguy cơ bị dòng chảy khoét, dòng sông sẽ ăn sâu vào đất liền và việc phải di chuyển dân là khó tránh khỏi.

Còn GS.TS Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng, cần nghiên cứu thấu đáo về Dự án này vì đã có nhiều chuyên gia cho rằng, vị trí địa lý, địa hình của sông Hồng không phù hợp cho việc xây dựng đập, rất dễ gây ra ngập lụt.

Mặc dù chỉ là ý tưởng nhưng dự án đang gặp nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận về tính khả thi, hiệu quả kinh tế, tác động môi trường... Đây được coi là một dự án lớn lao và táo bạo chưa từng có mà nhiều người còn “giật mình” khi nghĩ tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án tỉ đô trên sông Hồng: Đáng lo?