Dự án Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi): Cần xác định lại thẩm quyền của Viện kiểm sát trong hoạt động tố tụng

Quốc Huy| 12/03/2014 09:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dự thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) vừa được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (UBTP) họp thẩm tra mới đây. Theo đó, một số nội dung quan trọng đã được các Ủy viên UBTP cho ý kiến đóng góp và đồng tình cao.

Tuy nhiên, quy định về thẩm quyền của VKSND trong hoạt động tố tụng còn chưa phù hợp với thực tế hiện nay, không đảm bảo tính “độc lập của Tòa án” theo tinh thần Hiến pháp hiện hành.

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật trình cơ quan thẩm tra lần này là quy định nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND khi kiểm sát hoạt động xét xử. Tại khoản 2 Điều 29, dự thảo Luật quy định: VKSND khi kiểm sát xét xử có thẩm quyền “kiểm sát việc tuân theo pháp luật của người tham gia tố tụng”. Lý giải vấn đề này, VKSNDTC cho rằng, quy định như vậy là căn cứ theo quy định của Hiến pháp mới ban hành, VKS có chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp.

Dự án Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi): Cần xác định lại thẩm quyền của Viện kiểm sát trong hoạt động tố tụng

Đại diện VKS trong một phiên tòa hình sự

Tuy nhiên, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cho rằng, quy định như vậy là không phù hợp và đề nghị cân nhắc lại vì hoạt động của người tham gia tố tụng không phải là hoạt động tư pháp nên không thuộc phạm vi kiểm sát. Đồng thời cân nhắc quy định chức danh Công tố viên trong VKSND để thực hiện chức năng công tố trong vụ án hình sự với những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể, tránh hiểu sai về việc KSV tham gia phiên tòa hình sự vừa thực hiện quyền công tố, vừa thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong xét xử. Đây cũng là phương thức để tách bạch chức năng công tố và chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp. Theo đó, chỉ Công tố viên mới được thực hiện quyền tư pháp.

Việc quy định địa vị pháp lý của KSV như hiện nay là vừa thực hiện quyền công tố, vừa thực hiện kiểm sát hoạt động tư pháp, trong đó có hoạt động xét xử dẫn đến tình trạng gây áp lực đối với HĐXX và người tham gia tố tụng khác trong vụ án hình sự. Nếu tiếp tục xác định VKS chỉ có chức danh KSV vừa thực hiện quyền công tố, vừa kiểm sát xét xử là vi phạm nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Đồng thời, không đảm bảo yêu cầu tranh tụng bình đẳng, công khai, dân chủ tại phiên tòa giữa KSV và bên bị buộc tội theo đúng tinh thần cải cách tư pháp và quy định tại khoản 5 Điều 103 của Hiến pháp về “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo”.

Đồng quan điểm, đại diện Bộ Quốc phòng cũng cho rằng, quy định như vậy không đảm bảo tính độc lập của Tòa án. VKS kiểm sát việc tuân theo pháp luật của người tham gia tố tụng trong xét xử là không hợp lý vì hoạt động của người tham gia tố tụng không phải là hoạt động tư pháp nên không thuộc phạm vi kiểm sát của VKSND.

Với quy định, VKSND có thẩm quyền “kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật…” (Điều 36 và khoản 5 Điều 37) đối với vụ án dân sự, hành chính, đại diện TANDTC đề nghị làm rõ phạm vi kiểm sát và phương thức kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính. Theo quan điểm của đại diện TANDTC thì VKS chỉ kiểm sát và phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán và HĐXX mà không kiểm sát việc xác định nội dung, đường lối giải quyết vụ việc của các đương sự và Tòa án. Như vậy mới đảm bảo nguyên tắc tự định đoạt của các bên đương sự trong vụ việc dân sự, các vụ án hành chính, đảm bảo sự độc lập xét xử của Tòa án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi): Cần xác định lại thẩm quyền của Viện kiểm sát trong hoạt động tố tụng