Chủ nhiệm UB Tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, đã bổ sung quy định về giải quyết khiếu nại, khởi kiện đối với hoạt động kiểm toán vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Kiểm toán.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo
Sáng ngày 13/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước.
Nhiệm vụ giám định tư pháp sẽ theo quy định pháp luật
Trình bày Báo cáo một số nội dung lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng quy định rõ trách nhiệm phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với các cơ quan thanh tra và ngược lại trong quá trình lập, thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm toán; giao Kiểm toán Nhà nước chủ trì trong công tác phối hợp để xử lý chồng chéo, trùng lắp.
Dự thảo Luật cũng không quy định về bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp cho Kiểm toán Nhà nước để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Việc thực hiện nhiệm vụ này của Kiểm toán Nhà nước sẽ theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp.
Quy định rõ chỉ cho phép Kiểm toán Nhà nước truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu điện tử để thu thập thông tin trực tiếp liên quan đến nội dung kiểm toán; chỉ Trưởng đoàn kiểm toán được phép truy cập dưới sự giám sát và thống nhất về phạm vi truy cập của đơn vị được kiểm toán hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; đồng thời, Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm bảo vệ bí mật, bảo mật, an toàn theo quy định của pháp luật.
Đồng thời dự án Luật được rà soát, chỉnh lý để bảo đảm thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Phòng, chống tham nhũng.
Bổ sung quy định về giải quyết khiếu nại, khởi kiện
Tại kỳ họp thứ 7, thảo luận về dự án Luật này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng Luật Kiểm toán Nhà nước đã có quy định về giải quyết khiếu nại của đơn vị được kiểm toán đối với báo cáo kiểm toán nhưng chưa thực sự đầy đủ, đặc biệt là chưa bảo đảm quyền khởi kiện ra tòa khi đơn vị được kiểm toán không đồng ý với đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị trong báo cáo kiểm toán. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán cũng chưa có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với kết luận, kiến nghị Kiểm toán Nhà nước.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định rõ đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán được quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán Nhà nước về hành vi của Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán và các thành viên của Đoàn kiểm toán. Đơn vị được kiểm toán được quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán Nhà nước về các đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong báo cáo kiểm toán. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán có quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán Nhà nước về kết luận, kiến nghị trong Thông báo kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về trình tự, thủ tục, thời gian khiếu nại và giải quyết khiếu nại; quy định hết thời hạn giải quyết khiếu nại, Tổng Kiểm toán Nhà nước phải ban hành quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động Kiểm toán Nhà nước.
Đồng thời, quy định rõ nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng Kiểm toán Nhà nước thì đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán có quyền khởi kiện ra tòa.
Làm rõ khái niệm cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến kiểm toán
Về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán, có ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo Luật là mở rộng đối tượng kiểm toán, trái với Luật Kiểm toán Nhà nước và Hiến pháp. Ý kiến khác cho rằng, đối tượng kiểm toán theo dự thảo Luật là rất rộng, cần thu hẹp lại. Có ý kiến đề nghị làm rõ thế nào là “cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán”; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán.
Qua quá trình nghiên cứu, tiếp thu, Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng, dự thảo Luật quy định khái niệm “cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán” chưa rõ, dẫn đến cách hiểu khác nhau, khi áp dụng dễ dẫn đến mở rộng đối tượng kiểm toán.
Vì vậy, “xin tiếp thu bỏ điểm 1, điểm 2a khoản 10 Điều 1 trong dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, đồng thời, bổ sung vào phần giải thích thuật ngữ để làm rõ khái niệm cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán là các cơ quan, tổ chức, cá nhân được kiểm toán viên xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán là có dấu hiệu vi phạm liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của đơn vị được kiểm toán”.
Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải nêu rõ: Việc quy định rõ “có dấu hiệu vi phạm” là cần thiết và có thể thực hiện được khi kiểm toán viên kiểm tra, xem xét hồ sơ, tài liệu tại đơn vị được kiểm toán. Nội dung tiếp thu được thể hiện tại khoản 1 Điều 1 (bổ sung khoản 3a Điều 3) dự thảo Luật.
Đồng thời, bổ sung quyền được nhận thông báo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, quyền được khiếu nại kết luận, kiến nghị kiểm toán, khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng Kiểm toán Nhà nước, thể hiện tại khoản 13, khoản 14 Điều 1 dự thảo Luật để khách quan, công bằng và bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng này.