Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, trong 5 năm (2017-2021), việc triển khai dự án đường Hồ Chí Minh chỉ đạt khoảng 8% tổng khối lượng và đã chậm gần 02 năm so với yêu cầu hoàn thành các dự án thành phần, nối thông toàn tuyến với quy mô 02 làn xe theo quy định tại khoản 4 Điều 2 của Nghị quyết Quốc hội và chưa rõ thời gian kết thúc.
Sáng nay (24/5), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.
171 km trong dự án đường Hồ Chí Minh chưa triển khai thực hiện
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, theo Nghị quyết đến năm 2020 hoàn thành nối thông tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) quy mô tối thiểu 2 làn xe với chiều dài khoảng 2.744 km. Đến nay, đã hoàn thành 2.362 km/2.744 km đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh; đang triển khai 211 km; còn lại khoảng 171 km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện.
Tổng mức đầu tư các dự án thành phần để nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 2 làn xe) là 99.170 tỷ đồng. Các dự án thành phần đã và đang đầu tư có tổng mức đầu tư 88.400 tỷ đồng. Căn cứ vào nhu cầu, nguồn vốn đã bố trí để đầu tư các dự án thành phần là hơn 79.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn đến năm 2020 đã bố trí hơn 62.300 tỷ đồng. Giai đoạn 2021 - 2025 đã cân đối bố trí hơn 16.700 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước phân bổ cho Bộ GTVT và 1.600 tỷ đồng ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương thực hiện đoạn Đoan Hùng - Phú Thọ.
Nêu khó khăn, vướng mắc về khả năng cân đối nguồn lực thực hiện dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, giai đoạn từ năm 2000 - 2011, dự án triển khai cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/2011 nên nhiều dự án phải dừng giãn tiến độ trong đó có các dự án thành phần thuộc đường Hồ Chí Minh.
Do đó, giai đoạn từ năm 2011 đến hết năm 2015 mặc dù đã được phê duyệt dự án đầu tư nhưng có rất ít các dự án giao thông nói chung và các dự án thành phần đường Hồ Chí Minh nói riêng được triển khai đầu tư. Trong bối cảnh quy mô nền kinh tế chưa đủ lớn, khả năng nguồn lực có hạn nên đến hết năm 2020 chưa cân đối bố trí đủ nguồn vốn để nối thông toàn tuyến như mục tiêu của Nghị quyết số 66 của Quốc hội. Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 cũng chỉ mới cân đối được 11.791 tỷ đồng và 7.343 tỷ đồng thanh toán cho dự án đầu tư theo hình thức BT, vẫn còn thiếu 10.770 tỷ đồng để đầu tư 3 dự án thành phần còn lại.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng nêu giải pháp thực hiện, cần ưu tiên tập trung nguồn lực nhà nước đầu tư tuyến đường theo quy hoạch, đây là tuyến đường đi qua vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, liên quan đến quốc phòng - an ninh, việc huy động các nguồn vốn khác hiệu quả thấp, do đó Chính phủ xác định nguồn vốn đầu tư công là chủ đạo. Trong tổ chức thực hiện, cần tiếp tục công khai quy hoạch tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong mọi tầng lớp nhân dân; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trong quá trình thực hiện quy hoạch giữa trung ương và địa phương, bảo đảm các quy hoạch địa phương phải tuân thủ các định hướng của quy hoạch đường Hồ Chí Minh; phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương để xử lý các vấn đề liên ngành, báo đảm tính thống nhất, đồng bộ.
Ngoài ra, về kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện, căn cứ kế hoạch triển khai dự án, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất quá trình triển khai dự án để kịp thời có phương án xử lý các khó khăn, vướng mắc nhằm đảm bảo tiến độ và các mục tiêu của dự án.
Cần phân tích rõ hơn một số nguyên nhân
Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, đối với phân kỳ đầu tư đến năm 2020, Dự án chưa đạt yêu cầu nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô 2 làn xe. Theo Tờ trình của Chính phủ, đến hết năm 2020 còn 06 đoạn với tổng chiều dài khoảng 279 km chưa triển khai, trong đó mới cân đối bố trí vốn cho 03 đoạn với tổng chiều dài 108 km, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025. Dự án đã triển khai hoàn thành khoảng 2.362 km/2.744 km, đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh; đang thực hiện 211 km; chưa bố trí vốn để triển khai thực hiện 171 km còn lại nhằm nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, trong 5 năm (2017-2021), việc triển khai Dự án chỉ đạt khoảng 8% tổng khối lượng và đã chậm gần 02 năm so với yêu cầu hoàn thành các dự án thành phần, nối thông toàn tuyến với quy mô 02 làn xe theo quy định tại khoản 4 Điều 2 của Nghị quyết và chưa rõ thời gian kết thúc.
Về nguồn vốn thực hiện Dự án, theo Tờ trình của Chính phủ, giai đoạn 2021 - 2025 đã cân đối bố trí 16.706 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước. Còn lại 3 đoạn với tổng chiều dài 171 km, tổng mức đầu tư là 10.770 tỷ đồng chưa được bố trí nguồn vốn.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị, Chính phủ chỉ đạo rà soát, tính toán kỹ lưỡng số liệu, đảm bảo thống nhất, tính chính xác trong việc cân đối bố trí nguồn vốn và chịu trách nhiệm về các số liệu báo cáo Quốc hội. Bên cạnh đó, cần làm rõ: cơ sở xác định tổng nhu cầu vốn đầu tư để nối thông toàn tuyến, trong khi Nghị quyết của Quốc hội không quy định tổng mức đầu tư của toàn bộ Dự án; thứ bậc ưu tiên bố trí vốn cho các dự án thành phần trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; đề xuất cụ thể về bố trí vốn cho đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến; việc tuân thủ các nguyên tắc theo quy định của Luật Đầu tư công và các Nghị quyết của Quốc hội.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo xem xét, cân đối nguồn lực, bố trí nguồn vốn thích hợp và quyết tâm chỉ đạo hoàn thành các dự án thành phần còn lại trong giai đoạn 2021-2025, trong đó bố trí đủ và kịp thời nguồn vốn để hoàn thành 2 dự án đoạn Chợ Chu - Ngã Ba Trung Sơn và Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận. Cần có đề xuất cụ thể về bố trí vốn, hình thức đầu tư cho đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đề nghị cần phân tích rõ hơn một số nguyên nhân: Có nhiều dự án quan trọng quốc gia được thực hiện trong cùng một thời điểm nên nguồn lực đầu tư hạn hẹp, khó khăn trong việc phân bổ, cân đối nguồn vốn cho Dự án; Vai trò, ý nghĩa của Dự án quan trọng quốc gia mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh có lúc, có nơi còn chưa được nhận thức thật sự sâu sắc, đầy đủ và toàn diện nên chưa có sự quan tâm đúng mức; Công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện còn chưa hết trách nhiệm, thiếu tập trung, quyết liệt và kịp thời; Chưa đề xuất được các giải pháp khả thi, hiệu quả để bố trí vốn ngân sách nhà nước, huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhằm thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết.
Đối với mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2022 – 2025, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ xem xét, cân đối, bố trí nguồn vốn thích hợp và quyết tâm hoàn thành các dự án thành phần, các đoạn còn lại trong giai đoạn 2022-2025. Cho biết việc thông toàn tuyến quy mô 2 làn xe theo đề xuất trong Tờ trình của Chính phủ vẫn chưa thật sự đúng với việc thông toàn tuyến theo tinh thần của Nghị quyết (do vẫn còn đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến chưa hoàn thành), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ làm rõ quan điểm, mục tiêu, tiến độ triển khai đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến thuộc quy hoạch được đầu tư với quy mô đường cao tốc 6 làn xe và hoàn thành trước năm 2030; nghiên cứu phương án chuẩn bị đầu tư đoạn tuyến này trong giai đoạn 2022 – 2025.