Dự án đường 5 kéo dài: Chậm tiến độ 6 năm, đội vốn hơn 3 nghìn tỷ đồng

Tống Toàn| 24/06/2016 22:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chậm tiến độ 6 năm, làm tăng mức đầu tư từ 3.532 tỷ đồng lên trên 6.661 tỷ đồng, Dự án đường 5 kéo dài là một ví dụ đau xót về sự lãng phí, kém hiệu quả trong quản lý đầu tư công.

Trước đó, sau gần 2 năm tiến hành thanh tra (bắt đầu từ tháng 2/2014), cuối tháng 12/2015, Thanh tra Chính phủ đã hoàn tất Kết luận Thanh tra Dự án đường 5 kéo dài. Việc một công trình hạ tầng giao thông phải tốn một khoảng thời gian dài kỷ lục để thanh tra như vậy đã cho thấy tính chất phức tạp xét trên cả khía cạnh quy mô lẫn tính chất sai phạm tại dự án. Theo kế hoạch, Dự án này được triển khai trong 36 tháng và hoàn thành vào năm 2008. Tuy nhiên, phải đến tận năm 2014 (chậm 6 năm) tuyến đường này mới được thông xe.

Được biết, Dự án đường 5 kéo dài có tầm quan trọng đặc biệt trong mạng lưới giao thông của TP Hà Nội, với mục đích là gắn kết khu vực phía Bắc của Thủ đô và các tỉnh phía Bắc, với cạnh tam giác kinh tế Hải Phòng - Quảng Ninh, thông qua hệ thống đường vành đai II, III. Với ý nghĩa nói trên, công trình nhóm A đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương đầu tư và chấp thuận đưa dự án nằm trong danh mục các công trình chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010).

Đây là công trình do Ban quản lý Dự án hạ tầng Tả Ngạn (UBND TP Hà Nội) trực tiếp chuẩn bị và triển khai đầu tư theo hình thức chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án. Nguồn vốn đầu tư công trình được lấy từ nguồn thu các dự án đấu giá quyền sử dụng đất, khi chưa có nguồn thu từ đấu giá đất, tạm sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, công tác quản lý đầu tư xây dựng Dự án đường 5 kéo dài đã bộc lộ nhiều sai phạm, thiếu sót. Đến thời điểm thanh tra, tất cả các gói thầu đều chưa hoàn thành, chậm tiến độ tới 6 năm, mục tiêu đầu tư là hoàn thành kết nối giao thông khu vực trước Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã không thành.

Theo kế hoạch đấu thầu được UBND TP Hà Nội phê duyệt, Dự án gồm 13 gói thầu xây lắp được triển khai từ tháng 6/2005 và hoàn thành vào năm 2008. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác triển khai của chủ đầu tư bị đứt đoạn: năm 2005 khởi công được 2 gói thầu; năm 2006 triển khai 4 gói thầu, năm 2008 triển khai 2 gói thầu; các gói thầu còn lại phải sau 5 năm mới được khởi động tiếp.

Việc để tiến độ bị kéo dài gấp 2,5 lần tiến độ gốc đã khiến tổng mức đầu tư Dự án bị đội lên từ 3.532 tỷ đồng - theo Quyết định phê duyệt dự án 1881/QĐ - UBND ngày 15/4/2005 lên 6.661,75 tỷ đồng theo Quyết định điều chỉnh dự án số 909/QĐ - UBND ngày 7/2/2013. Đây là lý do khiến Dự án bị “lãng phí ngân sách Nhà nước” và hiệu quả đầu tư thấp.

Dự án đường 5 kéo dài: Chậm tiến độ 6 năm, đội vốn hơn 3 nghìn tỷ đồng

Đường 5 kéo dài

Kết luận Thanh tra cho thấy, việc tổ chức quản lý, điều hành Dự án có nhiều hạn chế, nhiều vi phạm xảy ra trong suốt cả quá trình đầu tư; một số nội dung chưa tuân thủ quy trình, trình tự thủ tục đầu tư. Vai trò trách nhiệm của cá nhân một số lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã được phân công trong chỉ đạo điều hành không xử lý kịp thời, vi phạm nguyên tắc, nhất là việc chỉ đạo trong công tác giải phóng mặt bằng, công tác quản lý tiến độ để dự án chậm, kéo dài nhiều năm. Đặc biệt là công tác quản lý giá thành đầu tư yếu làm tăng chi phí đầu tư, lãng phí ngân sách.

Trong khi đó, nhiều hạng mục công trình điều chỉnh dự toán không tuân thủ quy định để giá trị dự toán vượt quá cao. Về chất lượng dự án do Tổng công ty tư vấn Thiết kế giao thông vận tải TEDI thực hiện còn nhiều hạn chế, thiếu trách nhiệm; việc khảo sát mặt bằng, địa chất địa hình thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ, thiết kế cơ sở thiếu khoa học, thực tiễn. Mặt khác, nhiều hạng mục công trình liên quan đến dự án đã không được đề cập trong báo cáo nghiên cứu khả thi, dẫn đến việc phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần. “Những nguyên nhân trên là cơ bản, làm tăng tổng mức đầu tư từ 3.532 tỷ đồng lên 6.661 tỷ đồng”, kết luận nêu rõ.

Liên quan đến công tác đấu thầu, theo kế hoạch đấu thầu được UBND TP Hà Nội phê duyệt, 13 gói thầu xây lắp đều được triển khai trong năm 2005, nhưng kết quả thực hiện kéo dài từ năm 2005 đến năm 2009 và một số gói thầu điều chỉnh, bổ sung tới năm 2013 mới thực hiện, dẫn dến thời điểm thực hiện công tác đấu thầu có nhiều nội dung thay đổi phải điều chỉnh kế hoạch đấu thầu, như tăng giá trị gói thầu so với kế hoạch đối với gói thầu 17,16,24 là thực hiện không đúng quy định tại Luật Đấu thầu và Nghị định 58/2008/MĐ-CP của Chính phủ…

Bên cạnh đó, kế hoạch đấu thầu bổ sung, phát sinh nhiều gói thầu liên quan đến giải phóng mặt bằng, giá trị các gói thầu tăng lên nhưng không cân đối được chi phí đầu tư. Qua kiểm tra tại thời điểm năm 2012 với 7 quyết định điều chỉnh bổ sung kế hoạch đấu thầu của UBND thành phố Hà Nội giá trị các gói thầu điều chỉnh, bổ sung đã vượt tổng mức đầu tư 517,8 88 tỷ đồng, nhưng các gói thầu này vẫn triển khai.

Đáng chú ý, đối với gói thầu 13 xây dựng nhịp chính cầu Đông Trù, quá trình thực hiện kéo dài đến thời điểm thanh tra chưa hoàn thành, giá trị dự toán điều chỉnh tăng hơn 336 tỷ đồng so với dự toán duyệt, chậm tiến độ không đáp ứng được mục tiêu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Về công tác giải phóng mặt bằng, kết luận chỉ rõ việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư thực hiện không đúng, trong đó việc chi trả tiền hỗ trợ cho tổ chức, đơn vị, cá nhân sai quy định là hơn 77 tỷ đồng. Liên quan đến sai phạm tài chính tại dự án, Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý lên tới hơn 657,9 tỷ đồng, xấp xỉ 10% tổng mức đầu tư, trong đó số tiền 273,667 tỷ đồng đã phát hiện; số còn lại 384,274 tỷ đồng yêu cầu chủ đầu tư xác định số tiền sai phạm cụ thể để xử lý.

Trên cơ sở Kết luận thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, chỉ đạo kiểm điểm các tập thể, cá nhân  các thời kỳ có liên quan và có hình thức xử lý theo quy định; nhất là trách nhiệm trong chỉ đạo quản lý theo phân công, phân cấp trong cả quá trình triển khai dự án. “Trách nhiệm thuộc về Ban quản lý Dự án hạ tầng Tả Ngạn, tư vấn giám sát và các nhà thầu có liên quan, Thường trực UBND TP Hà Nội”, Phó tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh khẳng định.

Đồng ý với kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan có biện pháp khắc phục khuyết điểm, sai phạm và báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/6/2016.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án đường 5 kéo dài: Chậm tiến độ 6 năm, đội vốn hơn 3 nghìn tỷ đồng