Dự án Chợ văn hóa - Bến xe khách Sa Pa: Người dân bao giờ hết khổ?

Trung Thành| 22/11/2015 19:52
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhằm thúc đẩy sự phát triển về kinh tế, xã hội của huyện Sa Pa, năm 2005, UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt dự án xây dựng khu Chợ văn hóa - Bến xe khách Sa Pa.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, chính quyền huyện Sa Pa đã để xảy ra rất nhiều sai phạm trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, gây bức xúc cho nhân dân.

Sai phạm chồng chất

Dự án Chợ văn hóa - Bến xe khách Sa Pa, nằm trong tổng thể quy hoạch chung Khu du lịch Sa Pa, có tổng diện tích là 300ha. Chủ đầu tư là UBND huyện Sa Pa. Nhà đầu tư được giao cho Công ty TNHH Xây lắp Cương Lĩnh, thời gian thực hiện từ năm 2005 đến 2008. Tuy nhiên, do năng lực tài chính yếu kém, năm 2007, Công ty TNHH Xây lắp Cương Lĩnh đã phải nhượng lại cho Công ty Cổ phần Đầu tư VIDFI Lào Cai (VIDIFI Lào Cai). Tổng diện tích riêng Dự án Khu chợ văn hóa, bến xe Sa Pa sau khi điều chỉnh là 109,2 ha.

Theo ông Nguyễn Tiến Đức, 70 tuổi, ở tổ dân phố 3B, thị trấn Sa Pa, cho biết, trong quá trình thu hồi đất của dân, đã phát sinh sai phạm gian lận đất đai so với thực địa, kiểm đếm tài sản trên đất không đủ số lượng, hoa mầu, cây các loại. Chính quyền địa phương đã "nhập nhèm” đất ở sang đất nông nghiệp… từ đó áp giá đền bù giá rẻ. Bên cạnh đó, việc thanh toán, chi trả tiền bồi thường cũng không đúng theo quy trình, quy định của pháp luật. Khi người dân đòi hỏi quyền lợi, chính quyền không giải quyết triệt để, gây khiếu kiện kéo dài.

Dự án Chợ văn hóa - Bến xe khách Sa Pa: Người dân bao giờ hết khổ?

Ông Nguyễn Tiến Đức trình bày sự việc với PV

Ông Đức cho biết, gia đình ông mua mảnh đất này từ năm 1973, Ban quản lý nhà đất Sa Pa đã xác nhận đơn đề nghị xây dựng nhà trên khu đất, năm 2010, UBND Thị trấn Sa Pa cũng đã xác nhận đây là ngôi nhà và đất ở. Hàng năm gia đình ông đều đóng thuế đầy đủ. Vậy mà khi dự án vào, lại áp giá sai, thậm chí tổ chức cưỡng chế. Khi gia đình khiếu kiện lên các cấp, chính quyền huyện Sa Pa ngày 11/4/2013 mới có quyết định hủy cưỡng chế thu hồi đất. Tuy nhiên, từ đó đến nay, những đòi hỏi chính đáng của gia đình ông về giá cả đền bù vẫn không được giải quyết thấu tình đạt lý.

Tại báo cáo kết quả điều tra số 275/BC, ngày 26/6/2013, Công an huyện Sa Pa cũng đã xác định: Hồ sơ thu hồi đất của hộ gia đình ông Nguyễn Tiến Đức, tổ 3B, thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về làm giả tài liệu để lừa dối các cơ quan tổ chức, lừa dối công dân. Đồng thời, qua công tác điều tra, xác minh, Công an huyện Sa Pa còn phát hiện ra nhiều sai phạm của Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Sa Pa trong việc lập hồ sơ thu hồi đất của một số hộ gia đình khác.

Trong kết luận thanh tra số 09/KL-TT, ngày 13/6/2013, Thanh tra tỉnh Lào Cai cũng chỉ rõ: Công tác thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng đối với hộ gia đình ông Nguyễn Tiến Đức thiếu công khai, dân chủ, không đảm bảo theo quy trình, quy định của Nhà nước làm phát sinh nhiều thắc mắc, bức xúc trong nhân dân. Việc lưu trữ, bàn giao, quản lý hồ sơ của các đơn vị, cá nhân không đảm bảo theo các quy định của pháp luật như: làm mất hồ sơ tài liệu, trong quá trình bàn giao không lập danh mục, không lập biên bản bàn giao hồ sơ tài liệu...

Thanh tra tỉnh Lào Cai đã có kiến nghị UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo UBND huyện Sa Pa tổ chức rà soát việc thống kê, áp giá đền bù giải phóng mặt bằng đối với hộ gia đình ông Nguyễn Tiến Đức để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đảm bảo tiến độ của dự án; tổ chức kiểm điểm đối với các cá nhân có vi phạm...

Chờ đến bao giờ?

Mọi thiếu sót và sai phạm của chính quyền huyện Sa Pa trong việc triển khai thực hiện xây dựng dự án khu Chợ văn hóa - Bến xe khách Sa Pa đã rõ. Thế nhưng việc khắc phục hậu quả từ những sai phạm đó ra sao, các cơ quan có thẩm quyền xử lý những cá nhân, tập thể sai phạm như thế nào, người dân vẫn cứ phải chờ. Bên cạnh đó là những mâu thuẫn nảy sinh khi đất chưa bàn giao, mức đền bù chưa thỏa đáng đã có chủ khác về đòi đất. Người chủ mới đến cũng đã bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để mua đất ở vậy mà đất hiện vẫn còn tranh chấp. Mâu thuẫn cũ chưa giải quyết xong, mâu thuẫn mới đã nảy sinh khiến dư luận bức xúc.

Ông Đức băn khoăn: Hàng chục năm nay, tôi đã đi khiếu kiện nhiều nơi, song mọi khúc mắc, quyền lợi hợp pháp của gia đình vẫn chưa được giải quyết triệt để, thấu tình đạt lý. Từ ngày triển khai dự án, gia đình tôi luôn phải sống trong cảnh lo âu, phấp phỏng. Vợ chồng tôi thì già rồi, con cái đã trưởng thành và lập gia đình, cần chỗ ở để an cư lạc nghiệp. Giờ tôi muốn làm thủ tục cho tặng, thừa kế đất cho con, cháu cũng không xong. Biết bao giờ tôi mới đòi được công bằng?

Hiện nay, do xây dựng đã lâu, nhiều hạng mục trong ngôi nhà của ông Đức đã xuống cấp nghiêm trọng. Ông và các con muốn dựng lại căn nhà chắc chắn chống mưa chống lũ, hiềm nỗi đất nằm trong khu dự án nên đành chịu. Năm nào ông cũng ngóng, mong họ sớm giải quyết mà vẫn không thấy gì. Hơn nữa, trong quá trình thi công dự án, các đơn vị san lấp mặt bằng đã đổ đất đá, tập kết nguyên vật liệu bừa bãi khiến mọi sinh hoạt của các thành viên trong gia đình ông Đức gặp rất nhiều bất tiện. Trời nắng thì bẩn bụi, trời mưa thì căn nhà ông bị bùn,nước bủa vây.

Vẫn biết mục tiêu của dự án là chủ trương lớn của tỉnh Lào Cai, nhằm mở rộng và thay đổi diện mạo của thị trấn Sa Pa. Nhưng mục tiêu nào thì cũng không thể nằm ngoài lợi ích chính đáng, hợp pháp của mọi người dân. Đặc biệt, trong việc giữ vững an ninh trật tự, củng cố niềm tin của người dân đối với chính quyền sở tại và luật pháp.

Đến bao giờ Dự án khu Chợ văn hóa - Bến xe khách Sa Pa được giải quyết dứt điểm và khi nào thì những người dân thị trấn du lịch mới hết khổ? Câu hỏi này dành cho tỉnh Lào Cai và UBND huyện Sa Pa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án Chợ văn hóa - Bến xe khách Sa Pa: Người dân bao giờ hết khổ?