Chỉ cần khoảng 50 điểm nữa là Dow Jones có thể vượt ngưỡng 17,000 điểm lần đầu tiên từ trước đến nay. Thứ Sáu tuần trước, chỉ số blue-chip và S&P 500 cùng đóng cửa tại mức cao kỷ lục.
* 5 vụ giao dịch nội gián chấn động Phố Wall
* Kỷ lục mới cho Dow Jones và S&P 500, Nasdaq cao nhất 14 năm
* Bùng nổ M&A trên TTCK Mỹ
Nguồn: CNN Money |
Với 30 cổ phiếu của các thương hiệu lớn nhất và nổi tiếng nhất nước Mỹ, chỉ số Dow Jones đã vượt qua các cột mốc “tâm lý quan trọng” với tốc độ chóng mặt. Được biết, blue-chip này được xem là thước đo chuẩn về sức khỏe của các doanh nghiệp Mỹ.
Nếu Dow Jones vượt 17,000 điểm trong tuần này thì có nghĩa là chỉ số blue-chip đã tăng 1,000 điểm trong vòng chưa đầy 6 tháng kể từ lần đầu vượt ngưỡng 16,000 điểm. Cách đây chỉ hơn một năm, Dow Jones lần đầu vượt ngưỡng 15,000 điểm.
Trước đó vào năm 2007, Dow Jones tăng từ 13,000 điểm lên 14,000 điểm trong khoảng 4 tháng.
Tuy nhiên, không phải lúc nào chỉ số này cũng dễ dàng xác lập các cột mốc quan trọng như vậy. Còn nhớ, Dow Jones phải mất khoảng 7 năm mới có thể vượt được ngưỡng 12,000 điểm.
Khi Dow Jones lần đầu tăng lên mốc 10,000 điểm vào năm 1999, các chuyên viên giao dịch trên sàn đã “phát minh” ra các chiếc mũ bóng chày để đánh dấu sự kiện này.
Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng, về mặt kỹ thuật, các con số tròn không quan trọng nhưng đó lại là một chỉ báo rất hữu ích về tâm trạng hiện tại của nhà đầu tư.
Phố Wall đã bước vào “thị trường con bò” được hơn 5 năm và xu hướng này chưa có dấu hiệu sẽ sớm suy yếu.
Chỉ số Tham lam và Sợ hãi (Fear & Greed index) của CNN Money hiện ở các mức cho thấy nhà đầu tư đang cực kỳ tham lam. Cụ thể, tại ngày thứ Sáu (20/06) chỉ số này ở mức 95/100.
Với tâm lý tham lam đang làm chủ thị trường, nỗi lo sợ dường như đã tan biến. Theo đó, chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên thị trường, lại đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2007. Một số chuyên gia bắt đầu cho rằng nhà đầu tư đã cảm thấy tự mãn.
Chứng khoán Mỹ tăng vọt trong phiên giao dịch ngày thứ Tư sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen tái khẳng định ngân hàng trung ương sẽ chưa nâng lãi suất trong ngắn hạn. Các chính sách của Fed, cùng với bối cảnh kinh tế ngày càng cải thiện đã tiếp sức cho thị trường con bò 5 năm qua. Dường như nhà đầu tư tin tưởng rằng sự kết hợp ngẫu nhiên của hai yếu tố này sẽ tiếp tục phát huy tác dụng trong thời gian tới.
Dù vậy, vẫn còn tồn tại một số tín hiệu trái chiều.
Cổ phiếu bứt phá mạnh nhất của Dow Jones trong năm nay là Caterpillar với mức tăng hơn 20%. Điều này cho thấy nhà đầu tư đang lạc quan về nền kinh tế toàn cầu vì nhà chế tạo các thiết bị công nghiệp nặng này chuyên kinh doanh các sản phẩm được sử dụng trong hoạt động xây dựng nhà và cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, các cổ phiếu ngân hàng và doanh nghiệp hàng tiêu dùng lại rớt giá thảm nhất Dow Jones trong năm nay. Chẳng hạn cổ phiếu Visa hiện đã giảm gần 6% so với thời điểm đầu năm và là thành viên giảm giá mạnh nhất Dow Jones. Cổ phiếu của hai ngân hàng Goldman Sachs và JPMorgan cũng mang sắc đỏ trong năm 2014.
Đà sụt giảm của các cổ phiếu ngân hàng không có gì là bất ngờ vì đây là nhóm cổ phiếu liên tục đạt được đà tăng mạnh trong các năm gần đây. Tuy nhiên, một lĩnh vực ngân hàng khỏe mạnh thường được xem là điều kiện tiên quyết cho đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế.
Phước Phạm (Theo CNN Money)