Tin địa phương

Đồng Tháp: Phát huy hiệu quả ngành nông nghiệp theo hướng kinh tế phát triển

Khánh Ngọc 29/10/2024 - 15:40

Đồng Tháp là tỉnh tiên phong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Qua gần 10 năm triển khai có những chuyển biến mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu to lớn, liên tục phát triển với tốc độ tăng trưởng khá cao, nhất là chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp".

Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng kinh tế phát triển

Với thế mạnh sản xuất nông nghiệp, năm 2022, UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; nghiên cứu xây dựng Đề án tổng thể "Xây dựng tỉnh Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

3.jpg
Ngành nông nghiệp đạt được nhiều thành tựu to lớn, liên tục phát triển với tốc độ tăng trưởng kinh tế

Theo đó, Đề án này tích hợp cả nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng mới, phát triển mạnh chuỗi giá trị ngành hàng, áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, chuyển đổi số, tạo ra một nền nông nghiệp sinh thái bền vững, minh bạch, trách nhiệm và thích ứng biến đổi khí hậu gắn với phát triển nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Đến nay, tiến độ thực hiện Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2024" (so sánh chỉ tiêu đến năm 2025) việc triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả nổi bật, với 7/18 chỉ tiêu vượt; 8/18 chỉ tiêu đạt tiến độ và 3/18 chỉ tiêu chưa đạt (Tốc độ tăng trưởng khu vực nông - lâm - thủy sản; xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới nâng cao).

Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 333 doanh nghiệp chế biến nông sản. Trong đó, có 49 doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông sản chế biến giai đoạn 2021 – 2024, ước đạt 4.931,15 triệu USD, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 12,74%; nếu không tính hàng tạm nhập tái xuất, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 3.784,01 triệu USD, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 7,71%.

1(2).jpg
Nhiều diện tích xoài được truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu

Tốc độ tăng trưởng khu vực nông - lâm - thủy sản năm 2024 ước đạt 3,9% (giá trị tăng thêm cả năm đạt 22.153 tỷ đồng), cao hơn mức 3,57% năm 2020 (đạt 19.015 nghìn tỷ đồng giá so sánh 2010, tương đương 28.219 nghìn tỷ đồng giá hiện hành năm 2020).

So với năm 2020, ngành hàng lúa gạo có giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt hơn 16.000 tỷ đồng, tăng 3,6%, chiếm 32,15% tỷ trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Ngành hàng xoài có giá trị sản xuất ước đạt 2.341 tỷ đồng, tăng gần 22% so với năm 2020, chiếm 4,62% tỷ trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp.

Diện tích trồng hoa kiểng toàn tỉnh đến năm 2024 ước đạt 4.529 ha, (đạt 129,4% so với chỉ tiêu ≥ 3.500 ha) và giá trị sản xuất ngành hàng hoa, kiểng ước đạt trên 6.276 tỷ đồng (đạt 89,6% so với chỉ tiêu ≥ 7.000 tỷ đồng), tăng 34,78% so với năm 2020.

Đối với ngành hàng cá tra, có giá trị sản xuất ước đạt 8.802 tỷ chiếm 17,36% giá trị toàn ngành, tăng 18,63% so với năm 2020; ngành hàng sen có giá trị sản xuất ước đến cuối năm 2024 đạt 39,168 tỷ đồng, tăng 188% so với năm 2020.

Tiếp tục chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế

Năm 2023 là một năm rõ nét của ngành nông nghiệp kích hoạt được tư duy kinh tế, tư duy thị trường. Để bảo vệ thành quả các ngành hàng và phát triển theo hướng bền vững phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thị trường thế giới trong xu hướng người tiêu dùng ngoài quan tâm tới chất lượng sản phẩm còn chú trọng đến bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới sản xuất và tăng trưởng xanh, ngành nông nghiệp cần tiếp tục lan tỏa và sâu sắc hơn nữa trong chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

2(2).jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu ngành nông nghiệp tiếp tục phát huy trong thời gian tới

Các chính sách hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp được triển khai và đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao hoạt động của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nông nghiệp. Nhiều ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất đã được triển khai thực hiện.

Qua đó, góp phần làm giảm chi phí, tăng giá trị sản phẩm; thông tin thị trường thường xuyên được phổ biến qua nhiều hình thức giúp người nông dân tại các Hợp tác xã, Tổ hợp tác, Hội quán, doanh nghiệp.. chủ động trong kế hoạch sản xuất, liên kết và kinh doanh.

Nhiều đề án, chương trình lồng ghép thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; trong đó, chương trình "Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)" đã có sự tác động lớn đến sự thành công trong việc tăng trưởng nông nghiệp và chuyển biến kinh tế nông nghiệp, nhất là các ngành hàng chủ lực của tỉnh.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững, các chuyên gia, doanh nghiệp cần chia sẻ các vấn đề về vai trò của tái cơ cấu nông nghiệp Đồng Tháp trong định hướng cho nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh; khuyến nghị các chính sách cần quan tâm trong phát triển nông nghiệp sinh thái.

Đồng thời, đánh giá thực trạng vai trò trung tâm của hợp tác xã trong xây dựng các chuỗi ngành hàng nông sản, một số khuyến nghị đối với Đồng Tháp; đánh giá thực trạng về công tác phát triển giống trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, một số dự báo, giải pháp thời gian tới. Định hướng phát triển hàng cá tra quy hoạch, cơ khí phục vụ sản xuất chế biến thủy sản; thông tin định hướng thị trường ngành hàng rau quả; khuynh hướng phát triển nông nghiệp bền vững...

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu ngành nông nghiệp tiếp thu, tổng hợp những ý kiến đóng góp, đánh giá để nghiên cứu định hướng tích hợp nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chú trọng phát triển ngành hàng chủ lực vào Đề án “Xây dựng tỉnh Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Tháp: Phát huy hiệu quả ngành nông nghiệp theo hướng kinh tế phát triển