Theo báo cáo của hãng Chainalysis (Mỹ), trong vòng 12 tháng (tính đến thời điểm tháng 7/2023), dòng tài sản mã hóa vào Việt Nam lên đến 120 tỉ USD.
Thông qua báo cáo của hãng Chainalysis (Mỹ) cho thấy, trong vòng 12 tháng (tính đến thời điểm tháng 7/2023), dòng tài sản mã hóa vào Việt Nam lên đến 120 tỉ USD.
Trong cùng thời gian đó, dòng vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam (FDI) chỉ đạt 25 tỉ USD (bằng khoảng 1/5 so với dòng tài sản mã hóa). Lượng tiền này đã tăng 20% so với con số 100 tỉ USD ở giai đoạn 2021 - 2022. Trong đó, khoảng 60% lượng tiền mã hóa ở Việt Nam hiện được giao dịch trên các sàn giao dịch tập trung (CEX).
Theo số liệu của Triple A - công ty thanh toán tiền mã hóa được cấp phép bởi Cơ quan Tiền tệ Singapore, có tới 20% dân số Việt Nam sở hữu tài sản ảo. Lượng người sở hữu tài sản ảo ở Việt Nam thậm chí đứng thứ 3 toàn cầu nếu tính theo số lượng tuyệt đối.
Chainalysis cũng ước tính tổng lợi nhuận của các nhà đầu tư tài sản mã hóa toàn cầu là 37,6 tỉ USD năm 2023, trong đó Việt Nam hiện đứng thứ 3 với khoảng 1,2 tỉ USD lợi nhuận.
Tuy nhiên, do chưa có khung pháp lý, chưa có quy định cụ thể về các loại tài sản ảo, tiền ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa, nên vẫn đang nằm ở khu vực “kinh tế ngầm”, chưa được ghi nhận trên các hệ thống tài chính chính thống.
Ông Trần Việt Hùng - nguyên Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng, cố vấn cấp cao Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) - cho rằng việc sớm ban hành khung pháp lý sẽ giúp chuyển hóa giá trị của tài sản ảo (VA) và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo (VASP) từ kinh tế ngầm sang nền kinh tế chính thức, giúp bảo vệ quyền lợi người dùng, hỗ trợ chính sách thuế, chống rửa tiền, chống khủng bố.
Theo ông Hùng, việc có chính sách quản lý chặt chẽ sẽ có thể giúp giải quyết bài toán về vốn cho doanh nghiệp. Các kênh huy động vốn từ chứng khoán, ngân hàng, trái phiếu… đều đang có khó khăn, trong khi dòng tiền đổ qua tài sản mã hóa về Việt Nam cao gấp 5 lần vốn FDI.