Môi trường

Đồng Nai: Thực hiện mô hình dân vận khéo trong phân loại chất thải rắn

Chu Phương 23/02/2024 - 22:35

Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Quản Minh Cường vừa thay mặt Thường trực Tỉnh ủy ký, ban hành Công văn số 6718 về việc chấp thuận đề xuất của Ban Dân vận Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai về thực hiện mô hình dân vận khéo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai “Phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn”.

378d7da7db0298ddba72f08eab830f7c-2024-02-23.10-19-20.jpg
Các đoàn thể phường, xã phát tờ rơi hướng dẫn người dân cách phân loại rác tại nguồn

Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai, với sự phát triển nhanh của xã hội hiện nay, chất thải được sinh ra nhiều hơn. Điều này có nghĩa một lượng lớn rác thải được tạo ra mỗi năm và sự tăng lên của nó là không được mong đợi.

Phân loại và tái chế là điều cần thiết để giảm nguồn chất thải. Hầu hết các loại chất thải được tạo ra có thể được phân loại ngay tại nhà.

Hiện nay, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai khoảng 2.107 tấn/ngày (gồm phát sinh trong các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân, đô thị, khu vực nông thôn; trong đó nhiều nhất là chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trong các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân, khoảng 1.880 tấn/ngày).

Các huyện, thành phố đã triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trong 160 xã, phường, phường, thị trấn, với hơn 333 ngàn hộ dân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo hướng dẫn; tỷ lệ đạt 41,3% số hộ dân toàn tỉnh.

Từ số liệu trên cho thấy, công tác tuyên truyền chưa đa dạng, tỷ lệ người dân tham gia phân loại rác thải rắn còn hạn chế; chưa phát huy hết vai trò của các tổ chức chính trị- xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động từng hộ dân trong việc triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Phương án thu gom, tiếp nhận xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại một số địa phương gom chung; chưa có nhân sự cho công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn...

Phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn sẽ giảm lượng rác thải ra môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý; giảm lượng rác chôn lấp, tiết kiệm tài nguyên đất...

Để tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân về bảo vệ môi trường, tác hại của rác thải ra môi trường; lợi ích của phân loại rác thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại các hộ gia đình, Hội LHPN, Tỉnh đoàn, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện mô hình dân vận khéo “Phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn”. Trong đó Hội LHPN là nòng cốt trong thực hiện mô hình này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Nai: Thực hiện mô hình dân vận khéo trong phân loại chất thải rắn