Môi trường

Đồng Nai sẽ xử phạt hành vi không phân loại rác tại nguồn

Diệu Ly 23/07/2024 - 20:06

Vấn đề rác thải sinh hoạt (RSH) là bài toán nan giải cho các địa phương trên cả nước. Dù được coi là địa phương đi đầu trong triển khai phân loại rác tại nguồn nhưng đến nay, hoạt động phân loại RSH tại nguồn ở Đồng Nai còn nhiều hạn chế. Hy vọng quy định xử phạt mới sẽ cải thiện tỷ lệ rác thải được phân loại.

Từ ngày 1/1/2025, việc phân loại RSH sẽ trở thành trách nhiệm bắt buộc đối với hộ gia đình và cá nhân. Theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ, hộ gia đình, cá nhân không phân loại RSH, không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Mức phạt này tương đương phí thu gom rác trong 2 năm.

h-1.jpg
Ảnh minh hoạ.

Phân loại rác thải mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho môi trường và cuộc sống như: Giảm thiểu lượng rác thải chôn lấp, gây ô nhiễm môi trường đất và nước ngầm; Nhiều loại rác thải có thể được tái chế thành nguyên liệu sản xuất sản phẩm mới, giúp tiết kiệm tài nguyên và năng lượng; Rác thải hữu cơ có thể được ủ thành phân bón hữu cơ, sử dụng cho cây trồng, góp phần giảm thiểu lượng phân bón hóa học; Phân loại rác thải giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, góp phần xây dựng một môi trường sống xanh - sạch - đẹp.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, từ năm 2008, UBND tỉnh đã tiên phong cho thí điểm, sau đó mở rộng hoạt động phân loại RSH tại nguồn nhằm tận dụng giá trị kinh tế từ chất thải, giảm lượng chất thải phải xử lý, giảm ô nhiễm môi trường nhưng hiệu quả còn hạn chế. Theo UBND tỉnh, có gần 50% hộ dân toàn tỉnh đăng ký thực hiện và 51% tổng lượng RSH được phân loại tại nguồn.

Hoạt động phân loại RSH tại nguồn ở Đồng Nai vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế do một số nguyên nhân như: Hạ tầng chưa đáp ứng, nhiều nơi còn thiếu các trạm trung chuyển, điểm tập kết rác đạt chuẩn; Việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân về cách phân loại rác, sử dụng bao bì đúng quy định chưa được thực hiện thường xuyên và hiệu quả; Việc thu gom rác thải phân loại tại nhiều nơi chưa được thực hiện đồng bộ, khiến người dân nản lòng và không tiếp tục phân loại rác.

Để nâng cao hiệu quả phân loại RSH tại nguồn cần có sự chung tay của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể và mỗi người dân. Cần quan tâm đầu tư hạ tầng, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, đồng thời có chế tài xử lý nghiêm minh đối với những hành vi vi phạm. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, thực hiện phân loại rác thải tại nguồn một cách thường xuyên và hiệu quả.

Về vấn đề trên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đặng Minh Đức cho rằng, việc làm đầu tiên và quan trọng nhất là nâng cao ý thức cho tất cả người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về ý nghĩa của hoạt động phân loại RSH. Đồng thời, cung cấp cho người dân cách thức, phương tiện để phân loại RSH một cách dễ dàng nhất. Tiếp đến là đồng bộ tất cả các khâu từ phân loại, thu gom, xử lý, tái chế RSH.

Đầu năm 2024, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh ký kết chương trình phối hợp thực hiện Đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt, trọng tâm là đẩy mạnh truyền thông hoạt động phân loại rác thải tại nguồn. Ban Dân vận Tỉnh ủy triển khai mô hình dân vận khéo Phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế để bảo vệ môi trường; tiết kiệm tài nguyên, chống rác thải nhựa; gây quỹ hoạt động, xây dựng quỹ an sinh xã hội.

Phân loại rác thải là việc làm thiết thực, góp phần bảo vệ môi trường và cuộc sống con người. Cả hệ thống chính trị phải chung tay hành động để xây dựng môi trường sống xanh - sạch - đẹp cho hiện tại và các thế hệ mai sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Nai sẽ xử phạt hành vi không phân loại rác tại nguồn