Đồng Nai: Bán dự án thế chấp, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của cổ đông

Viết Sáng| 21/06/2017 17:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Liên hiệp HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Donacoop) vừa có đơn tố cáo ông Đỗ Tịnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV)-TGĐ Công ty TNHH Cường Hưng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các DN trong và ngoài tỉnh số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Công ty Cường Hưng được thành lập từ năm 2008 trên cơ sở Công ty TNHH Song Khuê, được đăng ký thay đổi lần 2 Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty TNHH hai thành viên trở lên ngày 15/8/2008. Ngành nghề kinh doanh khu du lịch sinh thái, kinh doanh bất động sản; đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng trong cụm công nghiệp; cho thuê nhà xưởng; gia công chế biến đá xây dựng các loại…

Cổ đông góp vốn hàng trăm tỷ đồng

Vốn điều lệ của Công ty Cường Hưng là 225 tỷ đồng, với 3 thành viên góp vốn gồm ông Đỗ Tịnh, Chủ tịch HĐTV chiếm 40%, tương đương với 90 tỷ đồng, còn 60% tương đương với 135 tỷ đồng chia đều cho hai thành viên khác, bà Lữ Thị Thanh Xuân và bà Nguyễn Thị Diễm Kiều.

Trước khi thành lập Công ty Cường Hưng thì đây chỉ là thỏa thuận hợp tác kinh doanh 3 bên để thực hiện việc kinh doanh Dự án Khu dân cư thương mại dịch vụ tại xã Phước Tân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (nay là Khu đô thị Cường Hưng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), có diện tích 91,7ha do Công ty Song Khuê làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, do khó khăn về vốn để thực hiện công tác đền bù và đầu tư vào hạ tầng dự án, nên ông Đỗ Tịnh đã mời gọi các thành viên góp vốn, chuyển từ hợp tác kinh doanh sang góp vốn cổ phần và mời gọi các thành viên hỗ trợ vốn để thực hiện dự án.

Tính đến thời điểm tháng 2/2012, tính riêng số tiền góp cổ phần, hỗ trợ vốn và giá trị có được tại Công ty Cường Hưng của bà Lữ Thị Thanh Xuân (cổ đông góp 30% cổ phần) được xác định lên đến 260 tỷ đồng. Thành viên còn lại bà Nguyễn Thị Diễm Kiều (cổ đông đại diện Donacoop, góp 30% cổ phần) đã góp vốn với số tiền lên đến gần 300 tỷ đồng.

Ngoài số tiền góp vốn theo tỉ lệ cổ đông từ giữa năm 2011 đến giữa năm 2012, ông Đỗ Tịnh đã đại diện cho Công ty Cường Hưng trực tiếp ký kết hàng loạt hợp đồng hỗ trợ vốn với DonaCoop, với số tiền hỗ trợ lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Để vay được vốn, Công ty Cường Hưng đã mang chính dự án trên làm tài sản thế chấp. Cụ thể trong hợp đồng hỗ trợ vay vốn 50 tỷ đồng giữa Donacoop với Công ty Cường Hưng số 754A/2011/HĐ-LHHTX ký ngày 3/10/2011, Công ty Cường Hưng lấy 91,7ha dự án khu dân cư Cường Hưng làm tài sản đảm bảo thế chấp.

Điều khoản hoàn trả được ghi rõ hoàn trả trong vòng 6 tháng, trường hợp Công ty Cường Hưng không trả nợ được thì chuyển nhượng lại dự án cho Donacoop với giá đất sạch (đất đã hoàn thiện hạ tầng và san lấp mặt bằng hoàn chỉnh) được hai bên thống nhất là 70 USD/m2. Theo biên bản đối chiếu công nợ do ông Đỗ Tịnh xác nhận đến ngày 26/7/2016 thì Công ty Cường Hưng còn nợ DonaCoop là 264 tỷ đồng.

Đồng Nai: Bán dự án thế chấp, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của cổ đông

Biên bản xác nhận công nợ có chữ ký xác nhận giữa hai bên Công ty Cường Hưng bà Lữ Thị Thanh Xuân

Trong lúc chưa hoàn trả các khoản vay, ông Đỗ Tịnh đã tự ý mang tài sản của Công ty Cường Hưng do các thành viên góp vốn thành lập, đem thế chấp cho Vietcombank chi nhánh Đồng Nai mà không có ý kiến của Hội đồng thành viên Công ty Cường Hưng.

Bà Lữ Thị Thanh Xuân (thành viên góp vốn) cho biết, bà không hề ký kết các văn bản đồng ý đưa tài sản công ty đi thế chấp bất kỳ tổ chức, cá nhân nào vì đây là tài sản đảm bảo hỗ trợ vốn cho Donacoop. Tương tự, bà Nguyễn Thị Diễm Kiều (thành viên góp vốn) cho biết, cũng không ký kết văn bản nào đồng ý thế chấp công ty. Phải chăng, Công ty Cường Hưng đã giả mạo chữ ký của các Nghị quyết họp hội đồng thành viên, nhằm chiếm đoạt tài sản cổ đông?

Bán đất nền khi dự án đang thế chấp

Khu đô thị Cường Hưng sau nhiều năm triển khai, đến nay dự án chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng theo quy định của pháp luật hiện hành. Hiện trạng dự án vẫn chưa hoàn thiện hạ tầng cơ sở, và quan trọng nhất là Công ty Cường Hưng vẫn chưa giải quyết công nợ đối với những bên cho vay vốn.

Trong cam kết với Donacoop, nếu Công ty Cường Hưng không trả nợ thì chuyển nhượng dự án cho Donacoop, với điều kiện đất đã hoàn thiện hạ tầng và san lấp mặt bằng hoàn chỉnh. Nhưng Công ty Cường Hưng không thực hiện cam kết, dự án đến nay vẫn chưa hoàn chỉnh theo cam kết.

Đồng Nai: Bán dự án thế chấp, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của cổ đông

Đất nền chưa đủ cơ sở hạ tầng cũng được rao bán

Trong khi dự án vẫn đang là tài sản thế chấp cho đối tác, các thành viên góp vốn yêu cầu giải quyết vốn góp và vốn vay cho họ, thì công ty đơn phương tiến hành bán sản phẩm của dự án. Đối tác phân phối sản phẩm đất nền dự án của Công ty Cường Hưng là Công ty Cổ phần dịch vụ xây dựng địa ốc Đất Nguồn (Công ty Đất Nguồn). Công ty Cường Hưng giao cho Công ty Đất Nguồn phân phối sản phẩm và ký hợp đồng nhận tiền của khách hàng.

Đại diện lãnh đạo Donacoop cho biết, trong lúc chủ đầu tư chưa hoàn thiện khung pháp lý, sản phẩm dự án đang tranh chấp, thì vào ngày 23/4/2017, Công ty Đất Nguồn đã dẫn khách xuống tham quan và đặt cọc giữ chỗ tại dự án này. Khi phát hiện có công ty đang tổ chức mua bán đất của dự án, Donacoop đã phải cử nhân viên ngăn chặn hành vi này của phía chủ đầu tư và Công ty Đất Nguồn. Donacoop không thể để Công ty Cường Hưng bán đất cho dân trong khi toàn bộ dự án là tài sản đảm bảo khoản vay 500 tỷ đồng của họ.

Ngày 17/6, ông Nguyễn Hồng Việt, phụ trách truyền thông của Donacoop cho biết, đến thời điểm này, việc trả nợ cho các cổ đông dường như rơi vào bế tắc. Còn Công ty Cường Hưng đã tự mở bán đất nền tại dự án Khu dân cư Cường Hưng và điều này càng gây thêm nhiều bức xúc. Trước sự việc này,  phía Donacoop đã phải gửi đơn kêu cứu lên các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai nhằm ngăn chặn việc mở bán đất nền của Công ty Cường Hưng. Ông Việt cũng khẳng định: Là đơn vị làm ăn chân chính, lại có uy tín lâu năm tại vùng Đông Nam bộ, Donacoop quyết tâm đòi lại quyền công bằng cho các doanh nghiệp hoạt động tại Đồng Nai.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Nai: Bán dự án thế chấp, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của cổ đông