Đông Hồ - mai một nghề tranh

Phượng Lê| 14/02/2014 14:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từ xưa đến nay, làng Đông Hồ thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh nổi tiếng về tranh dân gian với nhiều hình ảnh gần gũi, đời thường, sinh động...

Thế nhưng hiện nay, gần như cả làng Đông Hồ đều chuyển sang làm vàng mã, khiến cho nghề truyền thống này có nguy cơ bị mai một.

Theo một số lão niên ở Đông Hồ thì nghề làm tranh và chơi tranh Đông Hồ có từ rất lâu đời. Trải qua nhiều thăng trầm, lệ mua tranh Đông Hồ treo ngày Tết cũng dần mai một, làng tranh vì thế cũng thay đổi nhiều.

Trước kia, người Đông Hồ ngoài làm tranh ra thì chỉ làm thêm những mặt hàng như quần, áo, mũ, giày, dép, khăn xếp, cá chép và ngựa cho ngày ông Công, ông Táo. Giờ đây, do nhu cầu của xã hội nên nhiều gia đình làm luôn cả ôtô, xe máy, điện thoại, ti vi, máy bay… để bán. Và, cũng từ đó hình thành việc mỗi hộ gia đình chuyên sản xuất một mặt hàng. Chính vì thế, ngày nay, Đông Hồ được biết đến nhiều hơn từ việc sản xuất hàng mã. Đến Đông Hồ vào những ngày trước và sau Tết nguyên đán, từ đầu làng đến cuối ngõ, đâu đâu cũng thấy những ngựa, voi, xe máy, ôtô bằng tre, giấy, gỗ… cho người cõi âm.

Hiện nay, cả làng Đông Hồ chỉ còn hai hộ làm tranh, đó là gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam và nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế. Do nghề tranh không mang lại thu nhập cho người dân nên hầu hết mọi người đều chuyển qua làm hàng mã. Ôtô đến mua hàng đậu kín đầu các con ngõ vào làng, những xe chở đầy vàng mã tấp nập ngược xuôi. Cứ mỗi năm hai dịp, vào ngày Rằm tháng Bảy và trước, sau Tết, làng Đông Hồ lại nhộn nhịp làm hàng mã. Người dân ở làng chẳng cần đi bán đâu xa, hàng làm xong được chất vào kho sẽ có thương lái đến tận làng mua.

Đông Hồ - mai một nghề tranh

Sản xuất tranh

Ông Nguyễn Văn Thông, một lão niên ở thôn Đông Hồ cho biết: Do nghề hàng mã không cầu kỳ và yêu cầu kỹ thuật cao như làm tranh nên nó thu hút nhiều nhân lực, từ cụ già đến trẻ nhỏ đều có thể làm được. Hơn nữa, do kinh tế ngày một phát triển, phú quý sinh lễ nghĩa, người ta có nhu cầu đốt vàng mã nhiều và thường xuyên hơn mua tranh, nên mỗi dịp trước và sau Tết là khoảng thời gian bận rộn nhất ở Đông Hồ. Để kịp hàng cho thương lái, nhiều gia đình phải làm đến 1 - 2 giờ sáng. Nếu chăm chỉ, thu nhập của mỗi người cũng được hơn 100.000 đồng/ngày.

Chị Nguyễn Thị Quy cùng chồng làm nghề xây dựng nhưng từ trước Tết nguyên đán hơn một tháng, gia đình chị dồn hết nhân lực để làm hàng mã. Với 5 người trong gia đình chị mỗi ngày có thể làm được hơn 1.000 đôi dép cho người âm. “Cũng nhờ nghề vàng mã phát triển, đời sống người làng Đông Hồ đã thay đổi hẳn. Những ngôi nhà tranh vách đất cũ kỹ được thay bằng các ngôi nhà cao tầng hiện đại. Nghề vàng mã tạo công ăn việc làm đáng kể cho mọi người, từ người già đến trẻ con đều có thể tham gia sản xuất, tận dụng mọi lúc rảnh rỗi. Kinh tế của người làng khấm khá hơn hẳn. Chứ ngày xưa làm tranh ra không bán được, vợ chồng chỉ ngồi nhìn nhau mà khóc”, chị Quy cho biết.

Bên cạnh nhà chị Quy là gia đình anh Nguyễn Ngọc Dũng, chuyên làm mũ, áo ông Công, ông Táo. Chỉ dịp cuối năm gia đình anh mới làm loại hàng này. “Bây giờ làm tranh ra chỉ có người nước ngoài mua, hơn nữa phải có các mối quan hệ mới bán được. Ít người làm tranh còn bán được chứ nhiều người cùng làm không biết bán cho ai, hơn nữa nhiều người chuyển sang treo tranh Trung Quốc vừa rẻ, vừa đẹp. Còn làm vàng mã thì công việc ổn định quanh năm, vào dịp này làm mũ ông Công, ông Táo không đủ bán”, anh Dũng chia sẻ.

Đông Hồ - mai một nghề tranh

Anh Nguyễn Ngọc Dũng đang làm mũ ông Công, ông Táo

Với quan niệm “trần sao âm vậy” nên ngoài quần áo, giày dép, người Đông Hồ còn làm đủ các loại mặt hàng từ điện thoại, xe máy, ôtô, biệt thự cho đến các con vật nuôi, vật dụng gia đình như đĩa, bát, ống vôi bằng các nguyên liệu tre, giấy, gỗ. Thông thường, mỗi nhà trưng một biển, chuyên làm và bán một mặt hàng riêng. Có nhà chuyên làm xe máy, ôtô, có nhà lại chuyên đồ gia dụng. Những chiếc xe SH được “sao chép” đúng mẫu mã, sơn màu và thiết kế chẳng khác nào hàng thật. Nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy điều hòa nhiệt độ, máy giặt, tủ lạnh, laptop… bằng giấy được bày la liệt trong các cửa hàng.

Đông Hồ - mai một nghề tranh

Không chỉ có vàng mã, người làng Đông Hồ còn làm nhiều loại hàng “đặc biệt” như xe máy, ôtô… cho người âm

Đến giờ, dạo quanh Đông Hồ đều thấy chật cứng đồ dùng cho người cõi âm. Từ ngoài sân đến trong nhà, xe máy chất thành từng chồng cao ngất, với đủ các loại xe như Dream, Wave, Future đến xe tay ga như SH 125, Air Blade… Mỗi chiếc có giá khoảng 200 - 400.000 đồng, thậm chí có khi lên đến hàng triệu, tùy từng thời điểm và tùy theo mức độ tinh xảo của sản phẩm.

Cứ thế, theo thời gian, nghề tranh ở Đông Hồ ngày càng mai một. Số nghệ nhân còn đeo đuổi với nghề chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Họ trụ lại với tranh phần vì đó là nghề truyền thống của gia đình, phần vì quá đắm đuối, đam mê.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đông Hồ - mai một nghề tranh