Ngày 16/10, Hội đồng Thẩm phán TANDTC họp toàn thể dưới sự chủ trì của Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang để đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết Hướng dẫn áp dụng Điều 299 và Điều 300 của Bộ luật Hình sự về tội khủng bố và tội tài trợ khủng bố.
Tham gia phiên họp còn có đại diện các đơn vị chức năng của Bộ Tư pháp, VKSNDTC và TANDTC.
Theo Thông báo số 153/TB-VPCP ngày 4/9/2019 của Văn phòng chính phủ thì “Việt Nam có thể bị đánh giá không đạt được số lượng tối thiểu các yêu cầu về khuôn khổ pháp lý và hiệu quả thực thi các yêu cầu của quốc tế về phòng, chống tài trợ khủng bố. Nếu bị đưa vào quy trình rà soát tăng cường của lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF), nguy cơ bị đưa vào danh sách đen của FATF sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế của Việt Nam do quan ngại rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố”. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC sớm xem xét ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 300 của Bộ luật Hình sự về tội tài trợ khủng bố, đảm bảo tội tài trợ khủng bố được hình sự hóa theo Điều 2 Công ước quốc tế về tài trợ khủng bố; thời gian ban hành chậm nhất trong tháng 10/2019.
Triển khai yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thẩm phán TANDTC nhận thấy việc ban hành Nghị quyết của hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 299 và Điều 300 của Bộ luật Hình sự để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, để Việt Nam không bị đưa vào quy trình rà soát tăng cường của FATF là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, ngoại giao của đất nước và nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý hành vi khủng bố, tài trợ khủng bố. Đồng thời đáp ứng đầy đủ các chuẩn mực quốc tế về phòng, chống khủng bố, tài trợ khủng bố và tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang chủ trì phiên họp
Chánh án TANDTC đã ban hành Quyết định số 256/QĐ-TANDTC thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định dự thảo Nghị quyết và giao cho Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC xây dựng Dự thảo Nghị quyết Hướng dẫn áp dụng Điều 299, Điều 300 của Bộ luật Hình sự. Nội dung Nghị quyết được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Cổng thông tin điện tử TAND để các cá nhân, tổ chức tham gia ý kiến; gửi văn bản xin ý kiến của các thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC cũng như các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan.
Bố cục và nội dung của Dự thảo Nghị quyết Hướng dẫn áp dụng Điều 299 và Điều 300 của Bộ luật Hình sự gồm 6 điều, trong đó quy định nguyên tắcxử lý hình sự đối với tội khủng bố, tội tài trợ khủng bố phải tuân thủ quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, hướng dẫn của Nghị quyết này và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Trường hợp các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia có quy định khác thì áp dụng theo điều ước quốc tế đó.
Về thuật ngữ được sử dụng trong hướng dẫn áp dụng Điều 299 và Điều 300 của Bộ luật Hình sự gồm: “Tình trạng hoảng sợ trong công chúng” quy định tại khoản 1 Điều 299 của Bộ luật Hình sự là trạng thái tâm lý lo lắng của người dân về sự an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ. “Phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân” quy định tại khoản 1 Điều 299 của Bộ luật Hình sự là làm cho tài sản mất hẳn giá trị sử dụng, không thể khôi phục lại được. “Hành vi khác uy hiếp tinh thần” quy định tại khoản 3 Điều 299 là đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người bị uy hiếp hoặc đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể, tài sản, danh dự, nhân phẩm của thân nhân người bị uy hiếp hoặc các hành vi khác nhằm làm cho người bị uy hiếp lo sợ, cản trở khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của họ một cách bình thường.
“Huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố” quy định tại khoản 1 Điều 300 của Bộ luật Hình sự là hành vi huy động, hỗ trợ tiền, tài sản được thực hiện dưới các hình thức tặng, cho, cho vay, mượn tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc dưới bất kỳ hình thức nào bao gồm cả việc vận động, kêu gọi, hỗ trợ cung cấp tiền, tài sản cho tổ chức khủng bố hoặc cá nhân khủng bố.
Về một số tình tiết định khung hình phạt gồm “Chiếm giữ tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 299 của Bộ luật Hình sự là hành vi chiếm giữ một cách trái pháp luật tài sản thuộc quyền nắm giữ, quản lý của cá nhân, tổ chức khác. “Làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 299 của Bộ luật Hình sự là cố ý làm hư hỏng hoặc giảm giá trị sử dụng của tài sản nhưng có thể khôi phục lại được. Hành vi này được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như: Đốt, đập, phá, dùng thuốc nổ, dùng chất hóa học…Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác; hành vi phá hoại, phá hủy tài sản, chiếm giữ tài sản; gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng có mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân… thì căn cứ vào hành vi phạm tội sẽ bị xử lý theo quy định.
Tại phiên họp toàn thể, các thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC nhận thấy nội dung của Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 299 về tội khủng bố và Điều 300 về tội tài trợ khủng bố của Bộ luật Hình sự bảo đảm logic, khoa học, tính thống nhất,đồng bộ, phù hợp với các văn bản pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, về nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội (Điều 2); việc xử lý hình sự đối với trường hợp người huy động, hỗ trợ tiền, tài sản cho tổ chức, cá nhân khủng bố nhằm giúp sức cho việc chuẩn bị thực hiện hoặc thực hiện một hoặc một số vụ khủng bố cụ thể (khoản 11 Điều 4) của Dự thảo Nghị quyết thì vẫn còn có những quan điểm khác nhau.
Tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang giao cho Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC nghiên cứu, rà soát và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết để trình Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét, thông qua trong tháng 10/2019.