Sành sỏi nơi thương trường, nhưng trên chính trường, tỷ phú Trump chẳng khác gì học sinh lớp… vỡ lòng. Tất cả những gì mà công chúng nhớ tới ông chỉ là chỉ trích, chỉ trích và chỉ trích.
Tổng thống Barack Obama: “Trump không phù hợp để làm Tổng thống!”
“Trump không phù hợp để làm Tổng thống Mỹ!”. Đó là tuyên bố của đương kim Tổng thống Mỹ Brack Obama trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Nhà Trắng hôm 2/8 vừa qua.
Theo ông Obama, việc đưa ra bình luận đầy tranh cãi về gia đình một binh sĩ Mỹ theo đạo Hồi thiệt mạng ở Iraq trong vụ đánh bom liều chết năm 2004 cùng một loạt hành động khác cho thấy ông Trump “không hiểu biết cơ bản về các vấn đề quan trọng khác ở châu Âu, Trung Đông hay châu Á”. Thậm chí, Tổng thống Pháp Francois Hollander còn nhận xét những phát biểu của ông Trump là… “buồn nôn”.
Donald Trump: "Vì sao bà im lặng?" Phát biểu tại đại hội toàn quốc đảng Dân chủ vừa qua, ông Khizr Khan - cha của Humayun Khan, một binh sĩ Mỹ thiệt mạng ở Iraq, đã lên án ứng viên đảng Cộng hòa vì kỳ thị người Hồi giáo. Ông Khan nhấn mạnh rằng con trai ông, đại úy Humayun Khan, sẽ không thể có mặt ở Mỹ, trở thành một người lính và hy sinh vì đất nước trên chiến trường Iraq hồi năm 2004 nếu khi xưa tỷ phú Trump làm Tổng thống và dựng rào chắn cấm người Hồi giáo. Sau đó, ông Trump phản bác lại bằng cách đặt câu hỏi vì sao bà Ghazala Khan (vợ ông Khizr Khan) chỉ đứng im lặng bên chồng mình mà không nói năng gì? Và, vị tỷ phú tự trả lời, nguyên nhân có lẽ bởi… “bà ấy không được phép lên tiếng” (?). |
Ông trùm truyền thông vốn nổi tiếng với những phát ngôn gây bão, nhiều khi bị xem là ngớ ngẩn, nhảm nhí. Ông Trump từng thể hiện sự ngưỡng mộ đặc biệt với nhà lãnh đạo Nga - Tổng thống Vladimir Putin, từng muốn được “giống như Putin” ở “chất KGB” thiên bẩm, khả năng ứng biến tài tình. Vì thế, việc ông được đảng Cộng hòa chính thức lựa chọn làm ứng viên Tổng thống khiến những người theo thuyết âm mưu hoài nghi về một chiến thuật tranh cử bất ngờ, khó đoán của vị tỷ phú lắm tài nhiều tật. Nhiều người còn đồ rằng, rất có thể, ông Trump còn giấu một quân cờ đặc biệt cao tay nào đó để xuất chiêu vào phút cuối cùng (!?).
Nhưng không, lúc này giới quan sát bình tĩnh nhìn lại đường đi nước bước của Ngài Trump trong chiến dịch tranh cử suốt hơn một năm qua. Tất cả những gì ông đã và đang làm, và khiến công chúng nhớ tới chỉ là chỉ trích, chỉ trích và… chỉ trích. Ngôn từ ông dành cho đối phương thậm chí có thể tập hợp lại thành một cuốn từ điển để dành cho những người thích… “ngoa ngôn chợ búa”!
Ông đã từng muốn tống bà Clinton vào tù; gọi bà là một kẻ “tham nhũng”, một kẻ nói dối; và mới đây, không thương tiếc gọi ứng viên đối thủ là… là “quỷ dữ” với kết quả chiến thắng tại đại hội đảng Dân chủ chỉ là sản phẩm của… sự “thương lượng”!
Ông có thể chỉ trích các chính trị gia khác. Ông có thể nhờ tình báo Nga xâm nhập hệ thống máy tính của đảng Dân chủ để tìm cho ra bằng chứng buộc tội bà Clinton. Ông có thể “khen” tài giết khủng bố của Saddam Hussein. Hoặc là ông có thể thể hiện quan điểm (đầy tranh cãi) của mình trong vấn đề Crimea… v.v… và v.vv…
Những gì ông Trump đã nói, đã làm, hay những bê bối liên quan đến vợ ông - từ scandal đạo văn bài phát biểu của bà Michelle Obama cho đến lộ ảnh khỏa thân… tất cả sẽ được bàn tán xôn xao và rồi sẽ qua đi. Nhưng việc ông thể hiện thái độ coi thường hai người Hồi giáo là cha mẹ một binh sĩ Mỹ đã tử trận trên chiến trường Iraq thì có thể sẽ khiến mọi chuyện chuyển biến theo chiều hướng khác.
Sành sỏi nơi thương trường, nhưng trên chính trường, vị tỷ phú đô-la chẳng khác gì học sinh… vỡ lòng. Một nhà phê bình châm biếm. Trong khi đó, ứng viên đối thủ - cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton - lại có một bề dày kinh nghiệm về hoạt động chính trị. Ngoài ra, cựu đệ nhất phu nhân Mỹ còn nhận được sự hỗ trợ tuyệt đối từ gia đình Tổng thống Obama - với chỉ số uy tín ngày càng tăng trong năm cuối nhiệm kỳ.
Kết quả thăm dò của đài CNN/ORC được công bố mới đây cho thấy bà Clinton dẫn trước ông Trump 9 điểm với 52%/43%. Cũng trong cuộc khảo sát, bà Clinton đang ở vị trí dẫn đầu cuộc đua so với 3 đối thủ Đảng Cộng hòa Donald Trump, ứng viên Đảng Tự do Gary Johnson và Đảng Xanh Jill Stein với tỷ lệ lần lượt là 45%, 37%, 9% và 5%. |
Đảng Cộng hòa giờ đây tá hỏa lo “dập lửa dư luận” vì vạ miệng của ứng viên Tổng thống đại diện. Nhiều chiến lược gia chính trị của cả hai đảng cũng đưa ra nhận định rằng, đây có thể sẽ là đòn giáng mạnh vào uy tín của ông Trump trong chiến dịch tranh cử đang ở giai đoạn nước rút.
“Trump không phù hợp để làm Tổng thống Mỹ!”, đó không chỉ là nhận định của Tổng thống Obama dành cho ứng viên đối thủ. Bởi, như lời ông David Axelrod, vị chiến lược gia từng cố vấn cho Tổng thống Mỹ Barack Obama: “Ai cũng có những khuôn phép nhất định”; và tất nhiên, công chúng muốn Tổng thống của mình “phải là người phép tắc”!
Donald Trump - Hillary Clinton: Mèo nào cắn mỉu nào?
Lúc này, dù không nói ra, nhưng có vẻ như giới phân tích mơ hồ hiểu được cách mà ứng viên đảng Dân chủ đang đi trên con đường nhiều chông gai một khi muốn nắm lấy chiếc ghế quyền lực nhất trong Nhà Trắng: Hiểu rõ đối phương - Hiểu bản thân - Bình tĩnh - và Quyết liệt.
Đúng, bê bối sử dụng email cá nhân có thể khiến bà Hillary Clinton lao đao; thậm chí quả bom này cho đến giờ vẫn chưa thể được vô hiệu hóa hoàn toàn. Thế nhưng, như Tổng thống Obama - thiên thần hộ mệnh và cũng là người bạn đồng hành tuyệt vời trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm nay của bà Clinton - đã từng nói “khi còn thở nghĩa là ta còn hi vọng”, chắc chắn bông hồng nhung quyền lực Hillary Diane Rodham sẽ còn tiến xa trong sự nghiệp chính trị của mình.
Kết quả thăm dò mới đây cho thấy ứng viên đảng Dân chủ đang dẫn trước đối thủ 9 điểm. Ngoài ra, bà Clinton cũng nhận được sự ủng hộ của bộ phận cử tri đảng Cộng hòa sau sự cố vạ miệng vừa qua của ông Trump. Song tất cả chưa thể nói lên điều gì. Ván cờ cân não giữa hai đối thủ ngang tài ngang sức - Donald Trump và Hillary Clinton - luôn tồn tại những điều bất ngờ mà ngay cả các chuyên gia cũng khó đoán định.