Đờn ca tài tử Nam bộ: Tiếng lòng của những con người phóng khoáng

Lịch San - Nguyễn Lam| 01/02/2014 08:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 5/12/2013, tại phiên họp Uỷ ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể của UNESCO diễn ra tại thành phố Baku, nước Cộng hoà Azerbaijan, đờn ca tài tử Nam bộ của Việt Nam đã được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Đó là sự vinh danh xứng đáng cho loại hình nghệ thuật luôn được gìn giữ và phát triển sâu rộng của cộng đồng dân cư 21 tỉnh thành Nam bộ.

 

Những người giữ lửa cho tiếng đờn lời ca

 

Về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mới thấy, bộ môn này đã lan tỏa rộng khắp, nhà nhà đều biết chơi, hễ có đám giỗ, đám cưới, đám hỏi… là phải có đờn ca tài tử. Rồi những đêm trăng sau mùa gặt, trên chiếc chiếu trước sân nhà, bà con vui mừng vụ mùa bội thu đã thể hiện qua những bản đờn ca tài tử. Có thể nói, hiện nay, bộ môn này có sức sống mạnh mẽ, có số lượng khán giả đông nhất, có số lượng người thực hành nhiều nhất trong tất cả các thể loại cổ nhạc Việt Nam. Theo thời gian lại có thêm nhiều giọng ca, ngón đờn trẻ xuất hiện.

 

Thị xã Bình Minh là một trong những địa phương phát triển mạnh loại hình Câu lạc bộ Đờn ca tài tử của tỉnh Vĩnh Long. Trong đó có CLB Đờn ca tài tử xã Đông Thạnh là một điển hình. Bà Nguyễn Thị Tám bị mắc chứng bệnh tim hẹp mạch vành - căn bệnh khiến người ta hay bị mệt vì thiếu máu cơ tim ấy vậy mà bà cứ theo đờn ca tài tử. Bà tâm sự: “Trước đây tôi cũng không thích những nơi chốn ồn ào nhưng ở nhà một mình thì luôn nghĩ tới bệnh tật nên đâm ra buồn chán. Do có ông xã rất đam mê ca hát nên động viên tôi nên học bài ca để “ca cặp” cho vui. Thế là tôi tham gia và mê luôn đờn ca tài tử. Từ ngày được ca hát, tôi thấy cuộc sống vui vẻ lạc quan hơn và cơn bệnh tim không còn hành hạ thường xuyên như trước nữa”. Nhìn bà thể hiện bài vọng cổ “Dòng sông quê em” cùng với ông Út Lẫm (chồng bà) chúng tôi thấy rằng dẫu chất giọng chưa phải là mượt mà, nhịp nhàng thì cũng chưa phải là “chuẩn” nhưng cách ca “hết mình” của bà làm người xem cảm nhận được bà ca với tất cả cảm xúc của mình và làm lay động lòng người.

 

Mỗi người đến với “nghiệp” đờn ca tài tử một cách khác nhau. Như ông Út Lẫm là một công chức ham mê đờn ca tài tử. Dù giữ vai trò và vị trí nào, từ làm việc ở xã, lên Chủ tịch UBND huyện hay khi đã là Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh thì cũng chưa khi nào ông bỏ quên đờn ca tài tử. Khi có mặt ở nơi đám tiệc hay lễ hội mà có đờn ca tài tử thì nhất định ông cũng “xin” được ca và ca rất hay. Hiện tại ông không còn là công chức nhà nước nữa nhưng niềm đam mê ca hát trong ông không bao giờ mai một. Ông trở thành hạt nhân của câu lạc bộ đờn ca tài tử xã Đông Thạnh. Rồi ông lại định hướng cho con mình nối “nghiệp cầm ca”. 

 

Tăng Phước Linh là con trai của ông Út Lẫm và bà Tám cũng là người yêu thích đàn ca tài tử từ nhỏ. Cho nên khi trúng tuyển vào Trường Đại học Cần Thơ, ngoài việc học chuyên môn, Linh còn “tầm sư” để học đờn. Linh cùng các bạn chung sở thích thành lập câu lạc bộ đờn ca tài tử của trường và hoạt động rất hiệu quả ở TP Cần Thơ. Lúc tốt nghiệp đại học thì cũng là lúc Linh đã sử dụng thành thạo nhiều nhạc cụ và đờn được tất cả các bài bản trong nhạc tài tử với ngón đờn rất điêu luyện. Và mới đây khi lập gia đình Linh cũng đã chọn người biết ca tài tử hay về làm dâu bà Tám. Người dân trong vùng giờ đây gọi gia đình ông Út Lẫm là “Gia đình tài tử” quả thật không sai.

 

Ở Bình Minh còn có nhiều nghệ nhân đờn ca tài tử rất hay và có đẳng cấp trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhưng hầu như tất cả không ai lấy nghề đờn ca tài tử để mưu sinh. Họ sống bằng nghề làm ruộng, làm vườn và những nghề khác là chính. Có trường hợp như Minh Cường ở xã Mỹ Hòa. Anh là tay đờn có tiếng vì xuất thân từ con “nhà nòi” nhạc tài tử nhưng nghề chính để nuôi sống gia đình và theo đuổi niềm đam mê đờn ca của mình lại là nghề gói bánh tét, bánh ích bán cho các gia đình có đám tiệc. Sẽ không khó bắt gặp hàng ngày anh đi mua lá chuối, ngồi gói từng chiếc bánh rồi mang đi giao cho khách nhưng tối lại là ôm đàn gửi vào đó cũng cung oán, cung xuân làm xao động lòng người.

 

Đờn ca tài tử Nam bộ: Tiếng lòng của những con người phóng khoáng

 

Đờn ca tài tử trên sông nước Nam bộ

 

Sức sống mãnh liệt của nghệ thuật đờn ca

 

Nghệ thuật đờn ca tài tử có lịch sử hình thành muộn so với nghệ thuật tuồng, chèo, quan họ hay ca trù… nhưng đây là loại hình nghệ thuật này chứa đựng đầy đủ các giá trị văn hoá Việt với những đặc trưng đa dạng riêng, vừa mang tính chuyên nghiệp, vừa có chất dân dã, tài tử.

 

Đờn ca tài tử thể hiện tính cách phóng khoáng nếp sống vùng sông nước của con người Nam bộ, vì thế nó ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân. Nó là món ăn tinh thần không thể thiếu trong nhịp sống của người dân nơi đây. Do đó, đờn ca tài tử có sức lan tỏa mạnh mẽ không chỉ gói gọn trong một địa bàn, địa phương hay một vài tỉnh, thành phố mà có mặt hầu hết các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Sức sống mãnh liệt, tầm ảnh hưởng văn hoá rộng, giá trị nghệ thuật độc đáo của nó không nhầm lẫn với bất cứ loại hình nghệ thuật nào khác, đó chính là lý do thuyết phục nhất để lựa chọn đờn ca tài tử là một trong những di sản văn hoá phi vật thể tiêu biểu của miền Nam nói riêng và Việt Nam nói chung.

 

Ở nông thôn Nam bộ, việc biết đờn ca tài tử như là lẽ đương nhiên. Trên đường đi câu, đi cấy gặt lúa, nhất là khi chèo xuồng một mình trên sông rộng hay chống xuồng trên những cánh đồng bưng mênh mông đồng nước thì không ai giấu nổi tình cảm trắc ẩn riêng tư. Và như thế những bài vọng cổ nằm lòng, bài ca ruột sẽ được trào dâng, thậm chí có bài không dính dáng gì với nội dung của hoàn cảnh thực tại vẫn được ca “chay”, (nghĩa là ca không có đệm đàn) vẫn phóng khoáng lời ca có sức truyền cảm lạ lùng.  

 

Đến miền Tây Nam bộ, đâu đâu cũng nghe tiếng đờn, tiếng ca tài tử. Trên chiếc ghe xuôi ngược buôn bán hay trên chiếc chiếu trải trước sân nhà; đôi lúc trong đám tiệc, ma chay, cưới hỏi… của người hàng xóm, vài người biết đờn ngồi trên bộ ván ngựa, ở phòng khách chơi vài bản Bắc, bài Nam đã làm cho nghệ thuật này hết sức chuyên nghiệp.

 

Phải có mặt tại một buổi sinh hoạt đờn ca tài tử mới thấy được hết sức sống của loại hình nghệ thuật này. Các nhạc cụ dùng cho việc sinh hoạt thường gồm có: ghi ta phím lõm, đàn kìm, đàn cò và song lang, nhưng số lượng bài bản mà các tài tử trình bày khá phong phú, đa dạng bao gồm các điệu: Kim tiền bản, Tây thi, Xàng xê, Phụng hoàng, Nam ai… với nội dung vô cùng phong phú. Ở đó người già, trẻ, gái, trai, lao động, trí thức… tất cả đều say sưa với tiếng đàn, tiếng hát. Niềm đam mê nghệ thuật đã xoá bỏ ranh giới xã hội, gắn kết thành viên lại với nhau. Họ đến với nhau cốt là hát cho thoả lòng đam mê, hát để quên đi nỗi vất vả của cuộc sống, có nhiều người đến chỉ để được nghe hát và được hát, tiếng mùi mẫn của tuổi già, hứng khởi của tuổi trẻ, có lúc trong sáng, hồn nhiên vui vẻ cũng có khi ai oán, nỉ non nghe não lòng. 

 

Ngoài ra, các nghệ nhân đờn ca tài tử còn tham gia tại các tụ điểm ca cổ, các nhà hàng, điểm du lịch… đã tạo nên một phong trào đờn ca tài tử sôi nổi và rộng khắp.

 

Hiện nay khi mà những chương trình giải trí trên truyền hình, internet, trò chơi điện tử, karaoke… đã chiếm lĩnh hầu hết mục thời gian nghỉ, thư giãn của người dân, nhưng đâu đó từ làng quê, thành thị đến những đảo xa ở Nam bộ, những nghệ nhân tài tử vẫn ngồi với nhau để hòa đàn, hòa ca. Họ vẫn nắn nót tiếng đàn, uốn giọng từng ca từ để cùng nhau tri âm, góp thêm lời ca tiếng hát làm đẹp cho đời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đờn ca tài tử Nam bộ: Tiếng lòng của những con người phóng khoáng