Đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án đã có sự chuyển mình vượt bậc về chất lượng

Mai Thoa| 02/05/2018 19:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại Hội nghị toàn quốc về công tác tổ chức cán bộ vừa qua, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã khẳng định: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng cũng như công tác chuyên môn.

Vì vậy, bên cạnh việc thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, thì phải đổi mới công tác cán bộ gắn với công tác tổ chức, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả, công tác Tòa án.

Đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án đã có sự chuyển mình vượt bậc về chất lượng

Chánh án Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị

Sự chỉ đạo quyết liệt của Ban cán sự Đảng TANDTC

Công tác cán bộ trong TAND luôn là vấn đề được Ban cán sự Đảng TANDTC quan tâm thường xuyên. Khi Luật Tổ chức TAND 2014 được ban hành, TANDTC đã chủ động trình cơ quan có thẩm quyền quy định về tổ chức, bộ máy của TAND các cấp và quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chánh án TANDTC. Đồng thời, chuẩn bị các phương án bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, Thẩm phán cho các TAND, nhất là đối với TAND cấp cao (là cấp Tòa án được thành lập mới); bổ sung số lượng, cơ cấu Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp cho TAND các cấp; kiện toàn đội ngũ lãnh đạo, quản lý TAND các cấp theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức TAND năm 2014 và các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp.

Theo đó, các Tòa án tiếp tục được củng cố, kiện toàn về đội ngũ cán bộ lãnh đạo, Thẩm phán, công chức khác theo số lượng biên chế được Quốc hội phân bổ... Cùng với kiện toàn về số lượng, vấn đề tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là Thẩm phán tiếp tục được quan tâm. Về cơ bản, đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án đã có sự chuyển mình vượt bậc, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, từng bước vươn lên khẳng định vị trí, vai trò của Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp trong Nhà nước ta.

  Ban cán sự đảng TANDTC đã ban hành kế hoạch và có Báo cáo tổng kết về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong các TAND để trình Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII); Báo cáo tổng kết về thực hiện Chiến lược cán bộ trong các TAND để trình Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII). Đồng thời ban hành Kế hoạch thực hiện, để đổi mới tổ chức bộ máy của các TAND tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết của trung ương.

Theo đó, cùng với sự hoàn thiện của hệ thống các quy định, quy chế trong công tác cán bộ, hệ thống thể chế quản lý cán bộ, công chức đã được hình thành, hoàn thiện và từng bước đưa công tác quản lý cán bộ, công chức vào nền nếp. Công tác cán bộ được đổi mới từ khâu tuyển dụng, bố trí, sắp xếp, đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng đến khâu khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ, chính sách…

Kết quả, đến nay, các Tòa án đã cơ bản thực hiện đủ số lượng biên chế, Thẩm phán được giao. TANDTC đã xây dựng Đề án vị trí việc làm, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Bộ Chính trị xem xét (từ tháng 6/2017) để làm cơ sở xác định biên chế cho các TAND; chú trọng đến các khâu quy hoạch, luân chuyển cán bộ; công tác bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử… Ban cán sự đảng, lãnh đạo TANDTC luôn quan tâm đến công tác bổ nhiệm cán bộ; bám sát nguyên tắc Đảng lãnh đạo thống nhất công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đúng quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục và thẩm quyền trong bổ nhiệm cán bộ, công chức (quy trình 5 bước).

Việc bổ nhiệm Thẩm phán được thực hiện thông qua thi tuyển theo đúng quy định của Luật Tổ chức TAND 2014; bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý đều trên cơ sở quy hoạch và đúng quy trình, phương án nhân sự; được gắn kết chặt chẽ với các khâu trong công tác cán bộ nên đã góp phần quan trọng trong sự ổn định, phát triển bền vững của đội ngũ cán bộ bảo đảm cho Toà án các cấp hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thực hiện sự phân công của Bộ Chính trị, Ban cán sự Đảng TANDTC cũng đã ban hành Kế hoạch và đang thực hiện thí điểm thi tuyển các chức danh lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng của TANDTC.

Quan tâm bồi dưỡng cán bộ

Trong những năm qua, Ban cán sự đảng, lãnh đạo TANDTC luôn chú trọng, quan tâm, coi công tác đào tạo, bồi dưỡng là chủ trương, giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán và cán bộ, công chức TAND các cấp.

Việc đào tạo nguồn Thẩm phán và bồi dưỡng nghiệp vụ cho các Thẩm phán được tiến hành thường xuyên, liên tục. Qua công tác sử dụng cán bộ, công chức cho thấy, các trường hợp được đào tạo, bồi dưỡng đã phát huy tốt kiến thức, kinh nghiệm nghề nghiệp; tạo không khí phấn khởi, không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu trong đội ngũ cán bộ, công chức.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng nhấn mạnh: Đến nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng đã có sự đổi mới mạnh mẽ, từng bước hoàn thiện và gắn với Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020 của Đảng, Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức TAND giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng được xây dựng phù hợp với yêu cầu công việc, bảo đảm toàn diện, chuyên sâu kết hợp giữa lý thuyết với kỹ năng nghiệp vụ Tòa án và bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị của TAND.

 Trên cơ sở đó, đổi mới mạnh mẽ về đội ngũ giảng viên, cơ chế tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm về cơ sở vật chất, kinh phí. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề (đào tạo nghiệp vụ xét xử, đào tạo nghiệp vụ Thư ký Tòa án) cũng đã được nâng cao về chất lượng cũng như số lượng các lớp đào tạo. Sau khi Học viện Tòa án được thành lập, chỉ từ tháng 10/2016 đến nay, TANDTC đã tổ chức đào tạo nghiệp vụ xét xử cho tổng số 754 học viên là Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án công tác tại các đơn vị Tòa án trong cả nước.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ và xử lý trách nhiệm cán bộ cũng được tăng cường.

Căn cứ vào các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và định hướng xây dựng đội ngũ cán bộ, Thẩm phán TAND trong sạch, vững mạnh, Ban cán sự đảng, lãnh đạo TANDTC thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản về tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, tác phong, kỷ cương, kỷ luật công vụ và xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, Thẩm phán nếu vi phạm. Điển hình như: Kế hoạch hành động gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) của Đảng; Kế hoạch thi đua xuyên suốt trong TAND với chủ đề “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” gắn với việc triển khai các nhiệm vụ chính trị của TAND; quy định về xử lý trách nhiệm đối với các chức danh tư pháp trong TAND.

Đẩy mạnh công tác giáo dục, phát huy truyền thống vẻ vang của TAND; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đạo đức, tác phong, Quy tắc ứng xử của cán bộ TAND; tự giác rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong của mỗi cán bộ Tòa án; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đối với cán bộ Tòa án; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện báo chí, truyền thông của TAND; kịp thời biểu dương các gương “Người tốt, việc tốt”, các điển hình tiên tiến; tổ chức Lễ Vinh danh các “Thẩm phán giỏi”, “Thẩm phán tiêu biểu”…

Bên cạnh đó, tăng cường công thanh tra, kiểm tra, giám sát cán bộ, Thẩm phán, đồng thời, chỉ đạo xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với cán bộ, Thẩm phán có vi phạm. Định kỳ hàng tháng, hàng quý, 6 tháng, 1 năm: Thẩm phán phải làm báo cáo về kết quả xét xử, giải quyết các vụ việc; khi có án hủy, sửa Thẩm phán giải trình cụ thể, xác định rõ tính chất, mức độ sai lầm, thiếu sót và trách nhiệm cá nhân của Thẩm phán; kết quả giải quyết, xét xử vụ án sau khi bị hủy để làm căn cứ đánh giá hằng năm và bổ nhiệm lại Thẩm phán. Hằng năm, TANDTC thành lập các Đoàn kiểm tra, giám sát đến các Tòa án để thực hiện việc giám sát hoạt động trong năm. Ngoài công tác kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ, còn kiểm tra việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, Nghị quyết của Ban cán sự Đảng TANDTC để từ đó kịp thời phát hiện, uốn nắn các biểu hiện lệch lạc về tư tưởng, đạo đức.

Triển khai nhiều nhóm giải pháp

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện đạo đức, tác phong, lối sống cho đội ngũ cán bộ, Thẩm phán của TAND các cấp được thực hiện thường xuyên; kỷ cương, kỷ luật công vụ, lề lối làm việc được thực hiện nghiêm, ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, Thẩm phán TAND các cấp ngày càng nâng cao; nhiều Tòa án đã tích cực triển khai, có nhiều biện pháp thiết thực, cách làm sáng tạo góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, công vụ và phục vụ nhân dân.

Lãnh đạo TANDTC luôn chú trọng lãnh đạo, tổ chức triển khai, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương có liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát và cụ thể hoá bằng chương trình, kế hoạch hành động. Theo đó, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các mặt công tác về: hoạt động công vụ, công tác phòng chống tham nhũng, công tác quản lý ngân sách, công tác nghiệp vụ… nhằm ngăn ngừa, phát hiện và khắc phục những khuyết điểm, thiếu sót được thực hiện nghiêm túc, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trong Đảng.

Xác định công tác cán bộ là then chốt nên tại hội nghị về công tác tổ chức cán bộ vừa qua, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã khẳng định: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Phải thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đổi mới công tác cán bộ gắn với công tác tổ chức và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phục vụ mục tiêu nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng để làm tốt công tác chuyên môn. Cùng với đó là việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đi đôi với phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ TAND theo hướng, phân công, xác định cụ thể, rõ ràng thẩm quyền đi đôi với trách nhiệm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo; trao mạnh quyền cho người đứng đầu theo nguyên tắc “Trách nhiệm phải đi đôi với thẩm quyền”.

Đặc biệt, TANDTC tập trung vào nhóm giải pháp về đổi mới công tác cán bộ. Để nâng cao chất lượng công tác cán bộ và xây dựng dựng đội ngũ cán bộ, cần thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; coi trọng công tác cụ thể hóa, thể chế hóa, xây dựng đầy đủ các quy chế, quy định tạo cơ sở pháp lý và tính thống nhất trong thực hiện, bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ trong công tác cán bộ; Đổi mới cơ chế, phương pháp, nội dung và hình thức tuyển chọn cán bộ phù hợp với vị trí việc làm - năng lực công chức.

Hoàn thiện cơ chế tuyển chọn cán bộ, thực hiện việc tuyển chọn thông qua thi cử công khai. Tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội cạnh tranh như nhau, qua thi cử mà chọn người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn thực sự. Xác định các hình thức, nội dung thi tuyển thích hợp với đặc điểm, yêu cầu cụ thể của từng chức danh, chức vụ cán bộ và phù hợp từng vùng, miền; phải xây dựng các tiêu chuẩn chặt chẽ, rõ ràng và thủ tục minh bạch trong thi tuyển để nâng cao chất lượng người được tuyển chọn.

Đồng thời, kiên quyết loại trừ các hiện tượng tiêu cực nhằm tạo sức thu hút những cá nhân có tài năng; xử lý kịp thời và nghiêm minh hành vi sai phạm của người làm công tác tuyển chọn và người đang muốn được tuyển chọn. Trên cơ sở đó, mới xây dựng được một đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, chính quy, hiện đại bao gồm những người ưu tú, đủ khả năng đảm đương các công việc của Tòa án trong điều kiện hiện nay, Chánh án cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án đã có sự chuyển mình vượt bậc về chất lượng