Đối ngoại nhân dân Việt Nam-Brazil sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới

24/09/2023 10:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định đối ngoại nhân dân là một trong ba trụ cột của ngoại giao Việt Nam. Hoạt động đối ngoại nhân dân Việt Nam-Brazil rất nhiều tiềm năng và dư địa phát triển. Sau chuyến thăm Brazil của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, kỳ vọng sẽ có thêm nhiều sự kết nối giữa hai nước.

Đối ngoại nhân dân Việt Nam – Brazil sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ Tổng thống Brazil Lula Da Silva trong khuôn khổ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Hiroshima, Nhật Bản, chiều 21/5/2023 - Ảnh: VGP

Nhân chuyến thăm Brazil của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn đã trao đổi với Báo Chính phủ về hoạt động đối ngoại nhân dân Việt Nam-Brazil.

Ba lĩnh vực hợp tác chính qua kênh đối ngoại nhân dân

Ông có thể chia sẻ một số nét khái quát, nổi bật về hoạt động đối ngoại nhân dân giữa Việt Nam và Brazil do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam triển khai trong thời gian qua?

Ông Phan Anh Sơn: Việt Nam và Brazil chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1989. Trong những năm gần đây, đối ngoại nhân dân Việt Nam-Brazil được triển khai qua nhiều kênh, bởi nhiều đơn vị, tổ chức khác nhau.

Về phía Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội Hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Brazil đóng vai trò nòng cốt trong việc duy trì và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước.

Ngày 16/4/2010, Hội Hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Brazil đã tổ chức Đại hội đầu tiên tại trụ sở Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; TS. Nguyễn Văn Lạng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ được bầu làm Chủ tịch.

Trong 13 năm qua, Hội đã thành lập Ban Kinh tế vào năm 2012, ra mắt Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam-Brazil vào năm 2017, thành lập Câu lạc bộ Người Việt Nam đã từng công tác/học tập tại Brazil vào năm 2019. Bên cạnh đó, Hội đã thúc đẩy việc thành lập Câu lạc bộ tiếng Bồ Đào Nha tại Đại học Hà Nội.

Về phía Brazil, đối tác chính của chúng tôi là Hội Hữu nghị và hợp tác Brazil-Việt Nam, hay còn gọi là ABRAVIET, thành lập năm 2012 do Thượng Nghị sĩ Liên bang Brazil Inácio Arruda làm Chủ tịch. Bên cạnh đó, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Quỹ Alexandre de Gusmão (FUNAG) nhân dịp Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Aloysio Nunes Ferreira thăm chính thức Việt Nam vào năm 2018.

Kể từ năm 2010 đến nay, hai bên đã phối hợp tổ chức rất nhiều hoạt động đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, trong đó có 7 đoàn trao đổi giữa hai bên (Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội Hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Brazil cử 4 đoàn thăm Brazil và đón 3 đoàn Brazil vào thăm Việt Nam).

Bên cạnh đó, chúng tôi đã tổ chức 3 cuộc Gặp gỡ hữu nghị Việt Nam-Brazil, 4 hội nghị, hội thảo quốc tế, và phát hành 3 ấn phẩm thông tin tuyên truyền.

Hiện, ba lĩnh vực hợp tác chính được triển khai qua kênh đối ngoại nhân dân bao gồm thông tin tuyên truyền, trao đổi ngôn ngữ và kết nối doanh nghiệp.

Về thông tin tuyên truyền, tin tức về các hoạt động đối ngoại nhân dân Việt Nam-Brazil thường xuyên được đưa trên các phương tiện truyền thông.

Đặc biệt, nhân kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Brazil (2014) và 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Brazil (2019), Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Brazil đã xuất bản Đặc san về quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam-Brazil.

Ở phía Brazil, ABRAVIET cũng rất chú trọng thúc đẩy hình ảnh Việt Nam tại Brazil thông qua xuất bản sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, các bài viết trên trang web của Hội, tổ chức các hội thảo tuyên truyền về văn hóa Việt Nam, chia sẻ thông tin về chính trị, an ninh, quốc phòng, hỗ trợ các hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại, kết nối ta với các đối tác tại Brazil trong lĩnh vực thể thao, giáo dục…

Thời gian qua, với những nỗ lực của lãnh đạo Hội và sự hỗ trợ của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, sự đóng góp của các hội viên và tài trợ từ các doanh nghiệp Việt Nam và Brazil, sự phối hợp của các học giả, các cá nhân và Nhà xuất bản Thế Giới (Bộ VHTT&DL), Hội đã ra mắt Từ điển Bồ - Việt vào ngày 6/9/2023.

Kết nối doanh nghiệp cũng là một lĩnh vực quan trọng mà lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội luôn quan tâm thúc đẩy. Hằng năm, Hội mời Đại sứ Brazil tại

Việt Nam đi thăm, tìm hiểu lịch sử và tình hình kinh tế, xã hội ở các địa phương Việt Nam.

Gần đây, Hội đã mời Đại sứ Marco Farani thăm Khu công nghệ cao Hòa Lạc, qua đó thúc đẩy kết nối giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp tại Hòa Lạc với các đối tác phù hợp tại Brazil. Các đoàn lãnh đạo Hội và doanh nghiệp thăm Brazil được tổ chức trong những năm qua đã giúp một số doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu về chính sách, thị trường, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp Brazil.

Có thể nói, dù cách xa về địa lý và đối mặt rào cản lớn về ngôn ngữ, đối ngoại nhân dân Việt Nam-Brazil đã có nhiều hoạt động rất phong phú và đa dạng, qua đó gìn giữ và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống quý báu giữa nhân dân hai nước, thúc đẩy hợp tác vì lợi ích của nhân dân hai nước, trong đó có học sinh, sinh viên, người lao động và các doanh nghiệp.

Để đạt được những kết quả tích cực nêu trên, ngoài sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo hai nước là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan, các cơ quan đối ngoại của cả hai nước; sự tham gia, đóng góp tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu; đặc biệt là sự chủ động, tích cực của Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt NamBrazil. Việc ngày càng có nhiều người Brazil đến sinh sống và làm việc ở Việt Nam và ngày càng nhiều người Việt Nam đến học tập, du lịch, làm việc và sinh sống tại Brazil cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của giao lưu nhân dân hai nước.

Đối ngoại nhân dân Việt Nam – Brazil sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới - Ảnh 2.

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn

Thúc đẩy hợp tác những lĩnh vực giàu tiềm năng

Thưa ông, vậy các trọng tâm, trọng điểm cần tập trung ưu tiên thúc đẩy hợp tác trong hoạt động đối ngoại nhân dân giữa Việt Nam và Brazil thời gian tới sẽ được triển khai như thế nào?

Ông Phan Anh Sơn: Chúng tôi luôn mong muốn và khuyến khích thúc đẩy các sáng kiến hợp tác nhân dân Việt Nam-Brazil trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, tôi cho rằng đối ngoại nhân dân Việt Nam và Brazil trong thời gian tới cần chú trọng thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa một số lĩnh vực giàu tiềm năng cần phải khai thác hiệu quả hơn nữa, ví dụ như hợp tác thương mại, trao đổi giáo dục, quảng bá văn hoá, nghệ thuật, thể thao qua kênh giao lưu nhân dân.

Thứ nhất, Việt Nam với 90 triệu dân và Brazil với 200 triệu dân đều là những thị trường rộng lớn có sức hấp dẫn với các doanh nghiệp nước ngoài. Đối ngoại nhân dân, trong đó có Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Brazil cũng như các đối tác Brazil cần suy nghĩ xem chúng ta có thể làm gì để kết nối các doanh nghiệp, để góp phần biến tiềm năng rộng lớn đó thành những hợp đồng kinh doanh, đầu tư có giá trị giữa doanh nghiệp hai nước?

Thứ hai, Brazil có nhiều trường đại học được quốc tế đánh giá cao (ví dụ như Đại học Sao Paulo đứng thứ 47 thế giới về số lượng các nghiên cứu được trích dẫn, khoa nông nghiệp, khoa thực vật học và khoa vi sinh học của trường đều lọt tốp 20 thế giới. Trường

Đại học Campinas có Khoa Nông nghiệp đứng thứ 3 thế giới, khoa Công nghệ và Khoa học thực phẩm đứng thứ 10). Các trường Đại học của Việt Nam cũng đang chuyển mình mạnh mẽ và ngày càng thu hút nhiều sinh viên quốc tế. Đây cũng sẽ là một lĩnh vực mà đối ngoại nhân dân có điều kiện, tiềm năng để phát huy hiệu quả, giúp học sinh, sinh viên Việt Nam có thêm nhiều cơ hội để học tập tại Brazil và thu hút sinh viên Brazil đến học tập tại các trường Đại học của Việt Nam.

Trao đổi sinh viên sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về quan hệ giữa hai nước, tạo cầu nối cho các lĩnh vực hợp tác song phương khác, tạo thế hệ kế cận cho hoạt động hòa bình, hữu nghị, đoàn kết giữa hai nước.

Thứ ba, văn hóa, nghệ thuật, thể thao và du lịch là những lĩnh vực dễ kết nối con người nhất. Về lĩnh vực này, cả Việt Nam và Brazil đều có những thế mạnh riêng. Đối với Brazil là Samba và bóng đá (ở Việt Nam, đội tuyển bóng đá quốc gia Brazil có một lượng đông đảo người hâm mộ). Đối với Việt Nam là áo dài, phở và cà phê. Trong thời gian tới, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Brazil mong muốn sẽ có thể phát huy được thế mạnh, sự uyển chuyển, mềm mại, linh hoạt của đối ngoại nhân dân để tăng cường, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực này.

Hoạt động đối ngoại nhân dân Việt Nam-Brazil còn rất nhiều tiềm năng phát triển

Ông kỳ vọng gì về triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Brazil nói chung và hợp tác trong hoạt động đối ngoại nhân dân giữa hai nước nói riêng sau chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ?

Ông Phan Anh Sơn: Chuyến thăm chính thúc Brazil của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong tháng 9/2023 là chuyến thăm cấp cao đầu tiên từ sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Lula da Silva vào năm 2008. Tôi tin tưởng rằng, sau chuyến thăm này, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Brazil sẽ có động lực phát triển mạnh mẽ. Hai nước sẽ mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại, quốc phòng – an ninh, thúc đẩy hợp tác giáo dục và thể thao, văn hóa.

Tôi kỳ vọng rằng hai bên sẽ có các sáng kiến thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác tiềm năng khác như chuyển đổi số, năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao giữa hai nước. Hai nước cũng sẽ hợp tác chặt chẽ hơn trong các cơ chế đa phương, các tổ chức quốc tế vì lợi ích của nhân dân hai nước và hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới.

Trong chuyến thăm chính thức Brazil của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến nhiều hiệp định hợp tác sẽ được ký kết, trong đó có Hiệp định hợp tác giáo dục Việt Nam-Brazil. Theo đánh của Hội Hữu nghị và Hợp tác Brazil-Việt Nam (ABRAVIET), việc này sẽ mở ra cơ hội cho người dân Việt Nam và Brazil tổ chức các hoạt động trao đổi giáo dục, văn hoá. Đây là nền tảng cho quan hệ giao lưu nhân dân, tăng cường hiểu biết lẫn nhau.

Cũng trong chuyến thăm này, Thủ tướng Chính phủ dự kiến sẽ tiếp Hội Hữu nghị và Hợp tác Brazil-Việt Nam (ABRAVIET). Điều này cho thấy sự coi trọng của Đảng và Nhà nước ta đối với các tổ chức hữu nghị ở Việt Nam và trên thế giới.

Chúng ta luôn trân trọng những bạn bè quốc tế từ nhiều tầng lớp khác nhau nhưng có điểm chung là yêu đất nước và con người Việt Nam, ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trong quá khứ cũng như công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế của nước ta trong thời kỳ hiện nay.

Kể từ khi Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định đối ngoại nhân dân là một trong ba trụ cột của ngoại giao Việt Nam, vị thế của đối ngoại nhân dân ngày càng được nâng cao. Đi cùng đối với đó là trách nhiệm vô cùng lớn lao của đối ngoại nhân dân: cần phải đổi mới, phát triển mạnh mẽ, tạo ra sự đột phá, để có thể xứng đáng với sự tin tưởng và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Hoạt động đối ngoại nhân dân Việt Nam-Brazil vẫn còn rất nhiều tiềm năng và dư địa phát triển. Tôi tin tưởng rằng sau chuyến thăm này, sẽ có thêm nhiều sự kết nối giữa các địa phương, các ban, ngành, tổ chức, doanh nghiệp, trường học, viện nghiên cứu, cũng như giữa các tổ chức xã hội của hai nước.

Với sự quan tâm của lãnh đạo hai nước, tôi tin rằng đối ngoại nhân dân sẽ vận động được sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, triển khai được các sáng kiến, ý tưởng hay nhằm kết nối người dân hai nước, thu hút sự quan tâm, tìm hiểu và mong muốn tham gia, cống hiến từ các bạn trẻ, thanh niên, sinh viên Việt Nam và Brazil. Đối ngoại nhân dân Việt Nam-Brazil sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đối ngoại nhân dân Việt Nam-Brazil sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới